The Wall Street Journal lý giải về sự dịch chuyển quyền lực

Tờ The Wall Street Journal vừa có bài viết phản bác quan điểm lâu nay cho rằng sự suy yếu của nước Mỹ đồng nghĩa với sự nổi lên của Trung Quốc.

the wall street journal ly giai ve su dich chuyen quyen luc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo bài viết, khi Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực ở trong nước và thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường" trị giá hơn 1.000 tỷ USD ra nước ngoài, không khó để mường tượng về một kỷ nguyên "hậu nước Mỹ" do Trung Quốc thống trị.

Tuy nhiên, điều này còn phải chờ xem. Các quốc gia châu Á có những ý tưởng khác. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng tham dự APEC tại Việt Nam, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không đóng vai trò nổi bật nhất.

Nhờ nỗ lực vận động của Nhật Bản, 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã xích lại gần nhau hơn thông qua một hiệp ước thương mại làm đối trọng với mô hình kinh tế của Trung Quốc gồm những thị trường được bảo hộ và những chính sách hậu thuẫn các công ty quốc doanh, đồng thời thúc đẩy được tầm nhìn đa phương trong bối cảnh chính quyền của ông Trump muốn ký kết thỏa thuận với từng quốc gia một.

Sự phản đối vào phút chót của Canada làm đảo lộn kế hoạch hoàn tất một phiên bản mới của TPP không có Mỹ, đó là CPTPP, song những người ủng hộ hiệp định này hy vọng hiệp định sẽ hoàn tất được vào đầu năm tới.

Sự tồn tại của hiệp định này thách thức khái niệm đơn giản cho rằng nền Hòa bình Mỹ tại châu Á sẽ phải nhường chỗ cho nền Hòa bình Trung Hoa giống như nước Anh năm xưa phải "nhường" vị trí bá chủ thế giới cho cường quốc nổi lên bên kia Đại Tây Dương.

Những gì đang diễn ra là minh chứng cho thấy Nhật Bản và các cường quốc khu vực khác như Australia và New Zealand, vốn cũng ủng hộ mạnh mẽ TPP, dự định có tiếng nói trong vấn đề này.

Khu vực đang có những sự lựa chọn khác, ngay cả khi nước Mỹ của Tổng thống Trump tự trượt dài hay Chủ tịch Tập Cận Bình, người phấn khích vì gần đây đã được nâng lên vị thế ngang tầm cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, quyết định chơi vở kịch quyền lực mới.

Tương lai của khu vực sẽ phần lớn được định hình bởi những liên minh các quốc gia có chung giá trị. Đôi khi, những quốc gia này ngả theo một trong hai siêu cường nằm ở hai bờ Thái Bình Dương. Nhưng có những lúc, họ không ngả theo ai.

Nhân vật có công lớn tại châu Á trong thời gian qua là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - người góp phần đáng kể khôi phục được Bộ Tứ bao gồm cả Ấn Độ, Australia và Mỹ. Nhóm 4 nước này đã tiến hành cuộc họp đầu tiên tại Manila (Philippines) ngày 11/11 vừa qua.

Mặc dù đây có vẻ là "sản phẩm" của Mỹ - Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nêu ý tưởng về một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" trong một bài phát biểu hồi tháng trước - song thực chất sự hình thành liên minh này xuất phát từ sự phẫn nộ trước thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc và khả năng phản ứng của nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump.

Nhóm này được phát động lần đầu tiên hồi năm 2007, song 1 năm sau đó đã ngừng hoạt động do Thủ tướng Australia lúc đó là ông Kevin Rudd rút khỏi nhóm vì sợ bị Trung Quốc -đối tác thương mại lớn nhất của nước này- trả đũa.

Harsh V. Pant -Giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc trường King’s College London- cho rằng sự hồi sinh của nhóm này, sau khi có sự thay đổi quan điểm rõ rệt tại Canberra, thể hiện thực tế rằng các trung tâm quyền lực của khu vực đang liên kết lại để đối phó với "sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự bất tài của Mỹ".

Thủ tướng Nhật Bản Abe từng đưa ra một khái niệm tương tự -ông gọi là "kim cương" 4 quốc gia- ngay trước khi ông lên nhậm chức hồi năm 2012. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ hồi đầu năm nay, ông Abe đã nói về "sự kết hợp năng động" Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thành "những vùng biển tự do và thịnh vượng".

Các học giả cho rằng kịch bản dịch chuyển quyền lực, theo đó một nước Mỹ kiệt sức và lộn xộn sẽ bàn giao quyền lãnh đạo châu Á cho một Trung Quốc năng động và tập trung quyền lực là điều khó có thể xảy ra vì những lý do sau:

Thứ nhất, sự suy yếu của nước Mỹ đã bị cường điệu. Giáo sư Joseph Nye thuộc trường Đại học Harvard lưu ý nước Mỹ vẫn còn đủ những thứ mà ông gọi là "4 át chủ bài": địa lý thuận lợi (nước Mỹ được bao bọc bởi các đại dương và các đồng minh, Trung Quốc bị bao vây bởi các đối thủ); an ninh năng lượng; khả năng chống cự tốt hơn trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại; việc sở hữu đồng tiền dự trữ của thế giới.

Thứ hai, các quốc gia nhỏ cũng có sức nặng, thực tế mà Trung Quốc vừa phải công nhận một cách muộn màng. Tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Manila (Philippines), Bắc Kinh đã đồng ý bắt đầu đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), nơi các công trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc khiến các nước khu vực tin rằng sự trỗi dậy của nước này không nhằm mục đích hòa bình.

Tất nhiên, tất cả những dàn xếp kể trên mới chỉ mang tính chất bước đầu. CPTPP vẫn có thể tan rã. ""Kim cương" có thể mất đi sự lóng lánh" khi mà cử tri tại cả Ấn Độ và Australia đều không muốn đối đầu với Trung Quốc quá công khai/

Các cuộc đàm phán về COC có thể kéo dài vô thời hạn. Những cuộc thảo luận sơ bộ về COC đã diễn ra hơn 1 thập niên. Song có một điều chắc chắn là quyền lực của khu vực đang thay đổi. Xét một cách tương đối, Trung Quốc mạnh lên thì nước Mỹ suy yếu. Tuy nhiên, hiện tại khó có thể dự đoán kết cục sẽ như thế nào bởi lẽ những "chòm sao" giúp tiên đoán tương lai mới chỉ bắt đầu nổi lên./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast