Thử thách với thỏa thuận Nga-Mỹ về vũ khí hóa học Syria

Các chuyên gia cho rằng, tiến độ thực hiện việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria phụ thuộc nhiều vào Nga và Mỹ.

Tại một cuộc họp kín mới đây, phương Tây và Mỹ đã tiếp tục gây sức ép lên Chính phủ Syria để đẩy nhanh tiến độ tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này theo một thỏa thuận đầy tham vọng với Nga - đó là hoàn thành công việc này trước ngày 30/6/2014.

Các chuyên gia thực hiện công việc tiêu hủy vũ khí của Syria (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia thực hiện công việc tiêu hủy vũ khí của Syria (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, tại phiên họp này, trong khi tất cả các bên đều có những lời lẽ trách móc Damascus thì Nga lại yêu cầu cộng đồng quốc tế có cái nhìn bao dung hơn với Syria – điều đó cho thấy, quốc tế còn nhiều chia rẽ về Syria.

Moscow tiếp tục lên tiếng bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad và cho biết, Chính phủ của ông Assad cần thêm thời gian để có thể vận chuyển các hóa chất một cách an toàn qua các vùng lãnh thổ hiện đang có giao tranh ác liệt.

Cho đến nay, Syria đã liên tiếp trễ hẹn trong việc thực hiện tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này. Đầu tiên là việc không thể vận chuyển được toàn bộ các loại hóa chất nguy hiểm nhất ra khỏi lãnh thổ Syria vào ngày 31/12/2013. Sau đó Chính quyền ông Assad lại một lần nữa lỗi hẹn trong việc bàn giao tất cả các hóa chất còn lại vào ngày 5/2 vừa qua.

Sự thành công của kế hoạch tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học Syria vì thế đã bị đặt một dấu hỏi lớn bởi thời hạn 30/6 chắc chắn sẽ khó có thể đạt được, đặc biệt là khi đã có những dấu hiệu cho thấy, Mỹ - Nga không nhất quán trong vấn đề này.

Moscow – Washington được cho là 2 nhân tố không thể thiếu trong việc giải quyết vấn đề phức tạp hiện nay ở Syria nhưng với những gì đã diễn ra sau những tuyên bố của giới chức 2 nước cho thấy, hai ông lớn này chưa hoàn toàn nhất quán trong vấn đề Syria. Thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng, quan hệ Mỹ - Nga sẽ trở nên căng thẳng khi Moscow cáo buộc Washington đang xúi giục phe đối lập tại Kiev tiến hành đảo chính.

Thời hạn chính

Thời hạn quan trọng tiếp theo mà Syria cần phải đáp ứng đó là ngày 31/3, theo đó, khi đến thời hạn này, những hóa chất độc hại nhất phải bị phá hủy bên ngoài lãnh thổ Syria, trên con tàu chở hàng Cape Ray của Mỹ.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, Amy Smithson, chuyên gia về vũ khí hóa học tại Viện Monterey của Mỹ cho rằng: “Các thời hạn mà quốc tế đặt ra với Syria có khả năng đạt được nếu Washington và Moscow tìm được tiếng nói chung, nhưng điều đó hiện không xảy ra”.

Bà Amy Smithson nói thêm: “Hai quốc gia này nắm giữ chìa khóa thành công của việc giải trừ vũ khí hóa học ở Syria, hiện cả hai không đề cập đến một giải pháp tổng thể để giải quyết cuộc xung đột, chúng ta chỉ có thể hy vọng họ sẽ nhanh chóng tìm thấy cách tốt nhất để giải quyết bế tắc hiện nay ở Syria”.

Các nhà ngoại giao Nga luôn phản đối hành động can thiệp “tự động” của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu Syria không nghiêm túc tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết. Trong khi đó, Mỹ lại ủng hộ việc thực hiện các biện pháp này.

Theo giới phân tích, phương Tây lo ngại rằng, việc thực hiện kế hoạch tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria liên tục bị lỗi hẹn có thể là do cố ý mà thông qua đó, Moscow sẽ có thêm thời gian để cung cấp các thiết bị quân sự cho chính quyền Damascus, giúp phe của ông Assad giành lợi thế trên bàn đàm phán tại Geneva.

Trên thực tế, không phải đến bây giờ những khó khăn mới xuất hiện trong quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Ngay kể từ khi quá trình này được khởi động, các thanh sát viên của OPCW đã phải tạm trú ở Cyprus trong vài tuần trước khi có thể tiếp cận các kho vũ khí hóa học của Syria.

Vụ tấn công hôm 21/8 ở ngoại ô Damascus bị cáo buộc có sử dụng vũ khí hóa học làm khoảng 1.400 người thiệt mạng cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi các thanh sát viên quốc tế có mặt ở Syria. Một số thành viên đoàn thanh sát cho hay, họ không ít lần bị các tay súng truy sát khi đang tìm kiếm những bằng chứng về vũ khí hóa học.

Sức ép của Nga

Hiện Mỹ và phương Tây vẫn đang hối thúc Nga gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa với Damascus để hoàn thành các mục tiêu trong thỏa thuận đã ký. Hôm 4/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết, Syria đã lên kế hoạch bàn giao một lô hàng lớn các chất độc hóa học trong tháng 2 và sẵn sàng hoàn thành công việc bàn giao vào ngày 1/3.

Nga và Mỹ là hai nhân tố quan trọng trong quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria (Ảnh: AFP)
Nga và Mỹ là hai nhân tố quan trọng trong quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây vẫn than phiền rằng, Nga chưa gây sức ép đủ lớn để buộc Chính quyền Assad nghiêm túc thực hiện thỏa thuận.

Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho rằng: “Có dấu hiệu cho thấy Nga đang gây áp lực lên họ (Syria) để làm điều đó”. Nếu Syria hoàn thành việc bàn giao các lô hàng hóa chất độc hại vào ngày 1/3, Moscow sẽ nói là họ “thực hiện công việc rất tốt”, nhưng nếu không thì cũng sẽ “chẳng có vấn đề gì”.

Washington và các chính phủ phương Tây cũng đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Syria rằng nước này cần thêm thiết bị để vận chuyển hóa chất ra khỏi lãnh thổ một cách an toàn.

Trên thực tế, cộng động quốc tế đã đầu tư rất nhiều kinh phí vào hoạt động tiêu hủy kho vũ khí hóa học dự trữ của Syria thông qua việc cung cấp tàu xe, nhân viên, và các thiết bị chuyên dụng.

Mỹ gửi đến Syria các xe container vận chuyển, máy định vị GPS, xe bọc thép cho các thanh sát viên, thiết bị khử trùng và một tàu chở hàng với hệ thống xử lý các chất độc hóa học hiện đại. Trong khi đó, Trung quốc cung cấp các xe cứu thương, camera giám sát, Nga đóng góp 75 xe vận tải, Đan Mạch và Na Uy cử đến các tàu chở hàng và tàu tàn tra quân sự…

Trong một tuyên bố hồi tuần trước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói: “Chúng tôi nhận thức được đầy đủ về tình hình an ninh và những thách thức mà các chuyên gia quốc tế gặp phải ở Syria. Phái đoàn quốc tế làm việc ở đây có đủ các trang thiết bị cần thiết để thực hiện công việc của họ”.

Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói rằng, Chính quyền ông Assad đang tìm cách “trêu ngươi” cộng đồng quốc tế bằng cách cố tình trì hoãn tiến trình tiêu hủy, đồng thời cáo buộc đây là hành động nhằm nhắc nhở thế giới về quyền lực của Chính phủ Syria.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại tại OPCW, Robert Mikulak lên tiếng kêu gọi Damascus ngay lập tức có những hành động cụ thể để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay.

Ông Mikulak nói: “Syria đã nói rằng, sự chậm trễ của họ trong việc vận chuyển các hóa chất độc hại là do mối đe dọa về an ninh. Họ yêu cầu bổ sung thêm các thiết bị an ninh. Đó là một hình thức mặc cả chứ không phải là vì lý do an ninh nào cả. Những yêu cầu này là vô giá trị”.

Vô vọng?

Tại phiên họp kín của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, người đứng đầu phái bộ quốc tế Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học về vũ khí hóa học tại Syria (OPCW), bà Sigrid Kaag cho hay, Chính phủ Syria đã lỡ thời hạn ngày 5/2 trong tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon (phải), Đặc sứ Lakhdar Brahimi (giữa) và Trưởng ban Chính sách Đối ngoại EU Catherine Ashton có mặt ở hội nghị bàn về hòa bình cho Syria ở Thụy Sĩ (Ảnh: AP)
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon (phải), Đặc sứ Lakhdar Brahimi (giữa) và Trưởng ban Chính sách Đối ngoại EU Catherine Ashton có mặt ở hội nghị bàn về hòa bình cho Syria ở Thụy Sĩ (Ảnh: AP)

Theo kế hoạch, đến ngày 5/2, Syria phải chuyển tất cả các vũ khí hóa học và các tiền chất hóa học, ngoại trừ hợp chất isopropanol, thành phần chính để sản xuất chất độc sarin và khỏi nước này.

Mặc dù bà Kaag không tin Syria đã cố tình trì hoãn nhưng bà cho rằng, việc hợp tác giữa các bên liên quan cần phải được đẩy nhanh để có thể đáp ứng thời hạn chót là ngày 30/6.

Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây ngày 10/2 cho rằng, có thể là các cường quốc phương Tây đã đánh giá quá cao vai trò của Nga trong việc gây sức ép với Chính phủ của ông Assad. Mặc dù vậy, phương Tây không có lựa chọn nào khác ngoài việc khuyến khích Nga thực hiện điều đó.

Giới phân tích nhận định, Nga có lợi ích để đảm bảo rằng các thỏa thuận về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria không đổ vỡ. Nga không muốn danh tiếng của một cường quốc và sức mạnh ngoại giao của nước này bị hoen ố và cũng không muốn ông Assad phải đối mặt với các mối đe dọa mới từ phương Tây và Mỹ. Điều này sẽ là bất lợi cho ông Assad khi mà quân đội Syria đang nắm ưu thế ngày một lớn hơn trên chiến trường.

Ông Georgy Mirsky, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới và quan hệ Quốc tế ở Moscow nói: “Tất nhiện là Nga có lợi ích để thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận này. Nếu như bây giờ mọi thứ trở nên vô vọng – vũ khí hóa họ vẫn ở lại Syria và ông Assad không phải chịu trách nhiệm gì thì người đầu tiên bị ảnh hưởng chính là Tổng thống Putin”.

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast