Tổng thống Putin đưa ra học thuyết đối ngoại mới của Nga

Trong “Đại hội” Đại sứ Nga năm nay, ý tưởng chính và hướng hoạt động của Bộ Ngoại giao được trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra, bởi vì chính các Đại sứ sẽ thực thi Học thuyết chính sách đối ngoại mới mà theo ông Putin là sắp được hoàn thành.

Theo “Báo Độc Lập” (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trước các Đại sứ và Đại diện thường trực của Nga trên khắp thế giới trong một cuộc họp hai ngày mới đây ở Moskva.

tong thong putin dua ra hoc thuyet doi ngoai moi cua nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc họp với các đại sứ và đại diện thường trực Nga ở nước ngoài, tại Moskva ngày 30/6. Ảnh: EPA/ TTXVN

Trong số các nhiệm vụ được ưu tiên giao cho các nhà ngoại giao có chương trình phát triển hợp tác cùng có lợi với các đối tác nước ngoài, nâng cao hiệu quả trong quá trình hội nhập trong không gian Á-Âu, và chống lại sự lây lan của tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.

“Đại hội” Đại sứ được tổ chức 2 năm 1 lần và năm nay là lần thứ 8. Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là một sự kiện độc đáo, là cơ hội để các Đại sứ Nga thảo luận chi tiết với lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Đại diện các Bộ Ngành, trao đổi quan điểm về những sự kiện đang xảy ra trên thế giới và đề xuất những ý tưởng mới. Tuy nhiên, những ý tưởng chính và hướng hoạt động then chốt của Bộ Ngoại giao lần này lại được chính Tổng thống Nga nêu lên, bởi vì chính các Đại sứ Nga sẽ thực thi Học thuyết chính sách đối ngoại mới mà theo Tổng thống Putin là sắp được hoàn thành.

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga Kostantin Kosachev cho rằng Học thuyết chính sách đối ngoại mới có khả năng được công bố vào cuối năm 2016.

Ông Kosachev nói: “Tôi biết rằng công tác soạn thảo đang được tiến hành rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình đang thay đổi nhanh chóng nên đòi hỏi phải có nhiều thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại của Nga đã được xác định đã lâu và nó không còn phù hợp với tình hình gần đây. Đơn giản là trong một thế giới có nhiều thay đổi đòi hỏi khả năng thích ứng trong chiến lược của chúng ta trong điều kiện mới”.

Tổng thống Putin cho rằng những thách thức và đe doạ mà Nga đang phải đối mặt đòi hỏi chính sách ngoại giao phải được cải tiến liên tục trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo và thông tin.

Ngoại giao của Nga sẽ tiếp tục đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề nổi cộm hiện nay và cả những căng thẳng và xung đột mới xuất hiện, mà ưu tiên nhất vẫn là các vấn đề ở biên giới Nga.Liên quan đến vấn đề Ukraine, ông Putin nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận việc Nga bị cáo buộc cố gắng trì hoãn việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Nga muốn Ukraine là một láng giềng tốt, một đối tác dự đoán trước được và văn minh, với ưu tiên số 1 là có một nền hoà bình trong nước. Để làm được điều này thì Kiev cần phải tiến tới cuộc đối thoại trực tiếp tất yếu với chính quyền Donbass, cần phải thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Thoả thuận Minsk, và nói rằng Moskva sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong “Bộ tứ Normandy” và Mỹ để giải quyết khủng hoảng.Việc giải quyết triệt để tình hình Syria vẫn đòi hỏi một lượng thời gian đáng kể.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm tại Syria cho thấy “chỉ thông qua những nỗ lực chung giống như một mặt trận chống khủng bố rộng rãi theo như đề xuất của Nga mới có thể đối đầu thành công với các mối đe doạ khủng bố và những thách thức khác đối với nhân loại”.

Nhận xét về tình hình thế giới, ông Putin tuyên bố sự bất ổn, không chắc chắn và xu hướng đối đầu đang ngày càng gia tăng và các nhà ngoại giao Nga đã thảo luận các cách tiếp cận khác nhau để xây dựng cơ chế quản lý thế giới trong thế kỷ 21. Ông Putin đặc biệt nhấn mạnh tới sự hiện diện của NATO sát biên giới với Nga, khi nói “NATO hiện đang cố gắng đi theo định hướng chống Nga. Liên minh quân sự này không chỉ tìm trong các hành động của Nga các lý do để giải thích một cách hợp pháp cho sự tồn tại của mình, mà còn đang đưa mối quan hệ với Nga lên mức đối đầu thực sự”.

Các lực lượng phản ứng nhanh của NATO được triển khai ở Ba Lan và các quốc gia Baltic, cũng như các kho vũ khí tấn công được bổ sung. Tất cả các điều này là nhằm mục đích phá hoại sự cân bằng của cán cân quân sự hàng chục năm qua.Về quan hệ với Mỹ, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Moskva quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ với Washington trong các vấn đề quốc tế.

Nga sẵn sàng hợp tác với bất kỳ Tổng thống Mỹ nào trong thời gian tới, nhưng trên cơ sở bình đẳng.

Tuy nhiên, “chúng ta sẽ không chấp nhận cách tiếp cận của một số người Mỹ cho rằng họ có thể tự giải quyết nhiều vấn đề mà không cần hợp tác với chúng ta, trong đó bao gồm cả việc gây áp lực lên chúng ta như các lệnh trừng phạt kinh tế”.

Với Liên minh châu Âu (EU), Nga sẵn sàng xây dựng một không gian kinh tế và nhân đạo thống nhất từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương.Ông Kosachev cho rằng điều quan trọng là Nga cương quyết bảo vệ lợi ích của mình mà không cần quan tâm đến quan điểm của các đối thủ khác.

Ông Kosachev khẳng định: “Tổng thống chỉ đạo chính sách ngoại giao của Nga phải tìm kiếm sự thoả hiệp ở những nơi có thể đạt được thoả thuận, để thông qua các thoả thuận này cùng tiến lên phía trước mà không làm phương hại đến lợi ích của quốc gia. Đây là một tuyên bố quan trọng, mặc dù không mới mẻ, trong điều kiện Nga bị cáo buộc có quá nhiều quan điểm mang tính chất đối đầu”.

Theo TTXVN

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast