Trung Quốc đang tự cô lập bằng chính sách khiêu khích

Nên nhìn nhận như thế nào về chuyện tàu hải quân Trung Quốc đã nổ súng nhằm vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam?

Hiện có khoảng 12 tàu hải quân thuộc hạm đội Nam Hải của Trung Quốc thường xuyên phối hợp với các tàu ngư chính và hải giám của nước này tuần tra ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong ảnh là tàu chiến Vạn Ninh 786. Trung Quốc
Hiện có khoảng 12 tàu hải quân thuộc hạm đội Nam Hải của Trung Quốc thường xuyên phối hợp với các tàu ngư chính và hải giám của nước này tuần tra ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong ảnh là tàu chiến Vạn Ninh 786. Trung Quốc

Trả lời câu hỏi trên, thạc sĩ Lê Hồng Hiệp (giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM, nghiên cứu sinh tại Học viện Quốc phòng Úc, ĐH New South Wales) nói:

- Hành vi bắn vào ngư dân Việt Nam của Trung Quốc rõ ràng là vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với ngư dân mà hai bên đã nhiều lần nhấn mạnh, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) cũng như tinh thần của bản Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển mà hai nước đã ký vào tháng 10-2011.

Việc Trung Quốc bắt giữ, quấy nhiễu, xua đuổi... ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa đã xảy ra thường xuyên lâu nay. Việc nổ súng lần này có nghiêm trọng hơn nhưng theo tôi, họ chủ yếu muốn đe dọa, “dằn mặt” ngư dân ta, làm ngư dân ta lo sợ không dám vào khu vực Hoàng Sa để hành nghề nữa. Tuy nhiên, nếu chúng ta lên án, đấu tranh mạnh mẽ thì họ khó có thể làm ngơ và để những việc như vừa rồi tái diễn. Việt Nam cũng cần trang bị camera cho các tàu cá để ghi lại sự cố làm bằng chứng lên án họ một cách hiệu quả khi có chuyện xảy ra.

Việt Nam cần phải phản đối mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc không chỉ qua các kênh song phương mà còn cả các kênh đa phương, chẳng hạn như tại các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, diễn đàn ARF... sẽ được tổ chức tại Brunei trong thời gian tới. Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, có lẽ biện pháp hữu hiệu nhất là lên án, tố cáo Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế để gây áp lực buộc họ hạn chế những vụ việc tương tự.

Còn GS.TS Yasushi Watanabe (chuyên ngành chính sách văn hóa và an ninh tại ĐH Keio, nguyên thành viên Hội đồng tư vấn ngoại giao công chúng thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản) cho rằng:

- Điều quan trọng phải luôn ghi nhớ: Việt Nam không đơn độc trong cuộc đối đầu chống lại những hành vi khiêu khích trên biển của Trung Quốc. Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và những đối tác khác để cảnh giác Trung Quốc.

* Việc Trung Quốc công khai thông tin tăng cường tàu chiến xuống phía nam tại vùng tranh chấp trên biển Đông nhằm mục đích gì?

- Thạc sĩ Lê Hồng Hiệp: Những hoạt động tuần tra, diễn tập quân sự của Trung Quốc vừa rồi ở biển Đông là một phần trong chuỗi hoạt động khác nhau mà quân đội Trung Quốc đã thực hiện thời gian gần đây, trong bối cảnh sức mạnh quân sự của nước này ngày càng gia tăng và Mỹ đang tái cân bằng lực lượng sang tây Thái Bình Dương.

Có thể nói hoạt động vừa rồi của họ nhằm cùng lúc ba mục tiêu: biểu dương lực lượng, răn đe các nước trong khu vực về sức mạnh của họ, và thực hiện một hoạt động mang tính tượng trưng để khẳng định các yêu sách chủ quyền của họ trên biển Đông.

- GS.TS Yasushi Watanabe: Những hành động này rất đáng quan tâm nếu Trung Quốc chọn con đường tự cô lập bằng những sự khiêu khích như thế này. Nhưng tôi hi vọng Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực hơn trong cộng đồng quốc tế mà trước hết là từ việc hợp tác hòa bình với các nước láng giềng của mình.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast