Ukraine thề 'giải phóng' Crimea

Quốc hội Ukraine tuyên bố sẽ đấu tranh để giải phóng Crimea trong khi Duma Quốc gia Nga phê chuẩn hiệp ước sáp nhập bán đảo này vào Nga.

Ukraine thề 'giải phóng' Crimea ảnh 1
Các tay súng tuần tra xung quanh một căn cứ của Ukraine ở Crimea - Ảnh: AFP

Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov hôm qua cho biết Tư lệnh hải quân Sergiy Gayduk và một số người Ukraine khác đã được thả vào tối 19.3. Những người này bị bắt giữ sau khi lực lượng Crimea giành quyền kiểm soát trụ sở Bộ Tư lệnh hải quân Ukraine ở thành phố Sevastopol vào sáng cùng ngày.

Trong khi đó, ngày 20.3, Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết tuyên bố sẽ “không ngừng đấu tranh để giải phóng Crimea”, đồng thời “không bao giờ công nhận việc vùng này sáp nhập vào Nga”. Thông điệp cứng rắn của Kiev tiếp tục làm hy vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng ở Ukraine thêm mong manh. Đặc biệt, theo tờ Le Figaro, từ sau khi Crimea tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập vào Nga, Ukraine đang tăng cường huấn luyện binh sĩ.

Cuối tuần qua, lực lượng vệ binh Ukraine bắt đầu tập luyện tại căn cứ quân sự ở khu Novi Petrivtsi, ngoại vi Kiev. Tại một số tuyến đường chính ở thủ đô nước này, quân đội đã mở các địa điểm để những người tình nguyện có thể dễ dàng đăng ký tòng quân. Chủ tịch Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine Andriy Parubiy tuyên bố: “Nếu Ukraine bị chặn hết giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng, nếu lãnh thổ của chúng tôi bị tấn công, chúng tôi biết phải đáp trả thế nào”.

Hôm qua, ông Parubiy thông báo công dân Nga sẽ không còn được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Ukraine. Kiev cũng quyết định rời khỏi Cộng đồng Các quốc gia độc lập bao gồm 11 nước thuộc khối Liên Xô trước đây. Trước tình trạng các căn cứ quân sự tại Crimea bị lực lượng phòng vệ địa phương và các tay súng thân Nga bao vây hoặc giành quyền kiểm soát, Ukraine đã chuẩn bị kế hoạch để đưa toàn bộ binh sĩ và gia đình họ vào trong nội địa. Ngoài ra, Kiev kêu gọi LHQ công nhận Crimea là vùng phi quân sự và đưa ra các biện pháp để Nga rút quân khỏi bán đảo này.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp tại Crimea, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ tiếp tục “tăng áp lực với Nga” nhưng bác bỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thì nhận định việc Crimea sáp nhập vào Nga là mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho sự ổn định ở châu Âu kể từ thời Chiến tranh lạnh. Trong hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Brussels, EU đã thông báo bổ sung thêm nhiều quan chức Nga vào danh sách cấm nhập cảnh và đóng băng tài khoản ngân hàng, tức biện pháp trừng phạt ở “mức độ 2”. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nếu Nga tiếp tục leo thang xung đột, EU sẽ chuyển sang “mức độ 3”, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Toàn bộ những lời cảnh báo của phương Tây đến giờ không hề làm Moscow tỏ ra nhượng bộ. RIA Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định quy trình pháp lý về việc tiếp nhận Crimea sẽ hoàn tất trong tuần này. Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) hôm qua đã phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea được Tổng thống Vladimir Putin ký kết ngày 18.3. Ông Putin cũng đã ký sắc lệnh tiếp nhận binh sĩ và nhân viên an ninh của Ukraine ở Crimea vào các lực lượng vũ trang của Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Riabkov tuyên bố Moscow sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt để đáp trả Washington và những biện pháp này không chỉ nhằm vào “một vài quan chức Mỹ”. Còn Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết Moscow sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Crimea để “sẵn sàng trước mọi tình huống”.

Lan Chi

Nguồn: thanhnien.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast