Vì sao chính quyền Biden không dễ bỏ lại Trung Đông trong một sớm một chiều?

Cam kết sẽ đưa Mỹ khỏi “vũng lầy” Trung Đông sau những cuộc chiến hao người tốn của nhưng chính quyền ông Biden sẽ sớm nhận ra việc bỏ lại khu vực này không hề dễ dàng.

Ông Biden là Tổng thống thứ 3 liên tiếp sau Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump, nhậm chức với cam kết sẽ rút Mỹ khỏi những cuộc xung đột tốn kém ở Trung Đông và tập trung cho các ưu tiên về chính sách đối ngoại khác. Tuy nhiên, cuộc không kích vào các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria vào đêm 25/2 cho thấy Tổng thống Biden có lẽ cũng sẽ không tránh khỏi những khó khăn mà những người tiền nhiệm của ông từng gặp phải.

Vì sao chính quyền Biden không dễ bỏ lại Trung Đông trong một sớm một chiều?

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Trung Đông không còn là ưu tiên hàng đầu

Cuộc tấn công vào Syria được tiến hành theo lệnh của ông Biden - hành động quân sự đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ kể từ khi ông nhậm chức, đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng, Đài quan sát nhân quyền Syria cho hay hôm 26/2. Các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết cuộc tấn công này nhằm phản ứng trước những cuộc tấn công quân sự gần đây ở Iraq, đặc biệt là cuộc tấn công tên lửa ngày 15/2 ở sân bay Erbil, khu vực của người Kurd ở Iraq làm 1 nhà thầu thiệt mạng và 1 quân nhân Mỹ bị thương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết “chắc chắn” Mỹ sẽ đáp trả cuộc tấn công này và cáo buộc lực lượng dân quân dòng Shiite Kataib Hezbollah tiến hành cuộc không kích ở Erbil dù nhóm này phủ nhận trách nhiệm.

Đội ngũ của ông Biden luôn khẳng định rằng họ không muốn “sa lầy” vào Trung Đông. Một bài viết gần đây trên Politico dẫn lời một cố vấn của ông Biden cho biết khu vực này “không nằm trong tốp 3 ưu tiên về chính sách đối ngoại” của chính quyền Mỹ mới. Theo đó, 3 ưu tiên tập trung vào các khu vực như châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Bán cầu Tây.

Chính quyền ông Biden cũng chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ với cuộc chiến do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen và đang xem xét về việc buôn bán vũ khí cho vùng Vịnh. Ông Biden đã chờ tới 1 tháng trước khi gọi cho bất kỳ lãnh đạo nào trong khu vực này. Đáng chú ý, bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại của ông không hề đề cập đến Israel, Palestine, Ai Cập, Iraq, Syria, al-Qaeda hay Hồi giáo. Lầu Năm Góc hiện cũng đang tiến hành một bản đánh giá về những cam kết quân sự của Mỹ ở nước ngoài và tất cả các chỉ dẫn đều kết luận rằng Trung Đông không còn là ưu tiên chiến lược như trước đây nữa.

Việc giảm ưu tiên ở khu vực Trung Đông không phải không có cơ sở. Những hành động can thiệp quân sự của Mỹ tại khu vực này sau vụ 11/9 không chỉ diễn ra trong thời gian dài mà còn làm “hao người tốn của” và dường như chỉ tạo ra nhiều bạo lực hơn. Ngoài ra, việc Mỹ trở thành một nhà sản xuất năng lượng lớn và dần dịch chuyển khỏi vệc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã làm giảm tầm quan trọng của các mỏ dầu ở Trung Đông.

Những cuộc tấn công của các nhóm như IS và Al-Qaeda vào phương Tây đã giảm trong những năm gần đây, vì thế mối quan tâm của công chúng Mỹ về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã không còn vấn đề chính trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Ngoài ra, việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu biến Israel trở thành một vấn đề mang tính đảng phái trong các cuộc tranh luận ở Mỹ khiến việc này không còn được thảo luận nhiều khi đảng Dân chủ nắm quyền. Ông Biden cũng cho thấy ông dường như không có tham vọng thúc đẩy một “một thỏa thuận cuối cùng” cho tiến trình hòa bình Israel - Palestine.

Không dễ bỏ lại trong “một sớm một chiều”

Dù vậy, căng thẳng và xung đột vẫn là bầu không khí chung bao trùm Trung Đông và ông Biden vẫn sẽ phải dành sự chú ý nhiều hơn tới khu vực này dù ông muốn hay không. Những nỗ lực nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 trở nên trắc trở hơn nhiều so với những tính toán ban đầu khi cả Washington và Tehran đều “không ai chịu ai”. Iran chưa sẵn sàng quay lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận về chương trình hạt nhân. Trong khi đó, nếu Mỹ lao vào vòng xoáy đáp trả với lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq và Syria, việc này sẽ chỉ làm phức tạp thêm những nỗ lực hòa giải.

Trên thực tế, Mỹ không dễ bỏ lại Trung Đông. Ngày 27/2, tình báo Mỹ công bố bản báo cáo về vụ giết hại phóng viên tờ Washington Post Jamal Khashoggi, theo đó, kết luận rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã “bật đèn xanh” cho vụ việc. Ngay sau khi công bố báo cáo, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thông qua một loạt biện pháp trừng phạt, từ cấm nhập cảnh đến đóng băng tài sản đối với hàng chục quan chức Saudi Arabia được cho là có liên quan. Ông Biden cũng đã trao đổi với cha của Thái tử là Vua Salman trong nỗ lực xoa dịu tình hình nhưng chắc chắn sẽ có những tác động không mong muốn từ sự việc này. Rõ ràng, chính quyền Mỹ mới muốn điều chỉnh quan hệ với Saudi Arabia nhưng không muốn đẩy mối quan hệ này đi tới rạn nứt bởi Saudi Arabia vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực.

Cuộc không kích Syria hôm 26/2 cũng là một minh chứng hoàn hảo cho thấy sự liên quan của Mỹ đến các cuộc xung đột trong khu vực vẫn còn tiếp diễn. Cả Iran và Mỹ dường như đang cố gắng thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau khi hướng đến việc nối lại các cuộc thảo luận về thỏa thuận hạt nhân mặc dù những nguy cơ gia tăng xung đột và bạo lực có thể khiến tiến trình này hoàn toàn sụp đổ. Iran bị cho là tăng cường sử dụng các lực lượng ủy nhiệm nhằm tấn công các lợi ích của Mỹ và đồng minh sau khi cựu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 và áp dụng chiến dịch gây sức ép tối đa với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Những nỗ lực có chủ đích của chính quyền Mỹ nhằm dịch chuyển sự ưu tiên khỏi Trung Đông không phải đến thời ông Biden mới được thúc đẩy. Các chính quyền tiền nhiệm đã cố gắng thực hiện điều này nhưng thường không thành công. Chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn thường bị chi phối lớn bởi những biến động không ngừng ở vùng Vịnh.

Sau 4 năm chính sách Trung Đông được ra quyết định dưới thời Tổng thống Trump, chính quyền ông Biden đang có những bước đi đầu tiên để đánh giá lại mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, đây là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, từ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới những lập trường ủng hộ Israel và Saudi Arabia.

Do đó, trong những di sản mà Tổng thống Biden “kế thừa” từ người tiền nhiệm, có những vấn đề ông không thể sửa chữa trong “một sớm một chiều”. Trên thực tế, lịch sử Mỹ can thiệp vào Trung Đông chứng kiến những thất bại và bước lùi trước cả khi ông Trump trở thành Tổng thống.

Để tạo ra bất kỳ cơ hội thành công nào trong khu vực, chính quyền ông Biden sẽ phải học hỏi những bài học từ quá khứ, triển khai những chính sách ngoại giao thực tế, tiến hành chủ nghĩa đa phương và lắng nghe các đối tác. Mỹ sẽ phải làm giảm căng thẳng chứ không phải gia tăng căng thẳng, đồng thời hướng đến những giải pháp bền vững. Ngoài ra, cần phải có một thông điệp nhất quán và toàn diện về những mục tiêu thực tế. Sau tất cả, đó mới chỉ là khởi đầu của một quá trình khó khăn nhằm khôi phục lòng tin vào sự lãnh đạo của nước Mỹ./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast