Yemen trước nguy cơ rơi vào nội chiến

Hàng loạt các nước trên thế giới tuyên bố đóng cửa đại sứ quán nước họ tại Saana cho thấy nguy cơ an ninh đang ngày một xấu đi ở Yemen.

Saudi Arabia là quốc gia mới nhất tuyên bố đóng cửa đại sứ quán sau các nước như Italia, Mỹ, Anh và Pháp. Hôm qua (13/2), Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo dừng hoạt động sứ quán tại Yemen và sơ tán nhân viên sứ quán do tình hình diễn biến xấu ở thủ đô Saana của Yemen.

Yemen trước nguy cơ rơi vào nội chiến ảnh 1

Một tay súng Houthi đứng gác tại điểm gần Dinh Tổng thống Yemen. (ảnh: AP)

Saudi Arabia là quốc gia Arab đầu tiên thực hiện động thái này do quan ngại tình hình an ninh và chính trị diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại Saana, đặc biệt sau khi lực lượng Houthi dòng Hồi giáo Shiite chiếm quyền kiểm soát Yemen tuần trước.

Saudi Arabia được đánh giá là quốc gia mạnh nhất trong số 6 thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Tổ chức này dự kiến sẽ nhóm họp cấp ngoại trưởng vào ngày hôm nay để bàn về tình hình Yemen. Trước đó, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đã lên án nhóm Houthi tiến hành “đảo chính”.

Trước đó cùng ngày, Italia và Đức cũng thông báo đóng cửa sứ quán tại Saana và rút nhân viên về nước do tình trạng an ninh hỗn loạn tại đây. Hồi đầu tuần, Mỹ, Anh, Pháp cũng đã tiến hành động thái tương tự.

Tình trạng bất ổn an ninh và chính trị leo thang nghiêm trọng tại Yemen khiến Liên hợp quốc phải lên tiếng cảnh báo rằng, quốc gia Bắc Phi này đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến.

Liên hợp quốc đồng thời kêu gọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế ngăn ngừa tình trạng vô chính phủ tại Yemen. Phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau các chuyến thị sát tới các nước Arab, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chỉ trích nhóm phiến quân Houthi có liên kết với khủng bố Al-Qaeda đã đẩy Yemen rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi chiếm thủ đô Saana từ tháng 9/2014 và tiếm quyền kiểm soát chính phủ hồi tuần trước.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc yêu cầu nhóm Houthi trao trả quyền lực và gỡ bỏ quản thúc tại gia đối với Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức Chính phủ Yemen: “Tôi thấy rất rõ, Yemen đang sụp đổ ngay trước mắt. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn. Cuộc khủng hoảng chính trị nguy hiểm vẫn tiếp tục ở Saana. Tổng thống Mansour Hadi và Thủ tướng Khaled Bahah cũng như các bộ trưởng và các quan chức nhà nước khác phải được tự do đi lại. Trước tiên chúng ta cần phải giúp đỡ những người Yemen tái lập một cơ quan chính phủ hợp pháp càng sớm càng tốt”.

Trước tình hình bất ổn tại Yemen cũng như mối lo ngại xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ngày càng gia tăng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã kêu gọi triển khai công tác kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các du khách đi vào khối các quốc gia miễn thị thực Schengen và tăng cường chia sẻ thông tin như một phần của chiến lược chống khủng bố sau các cuộc tấn công tại Thủ đô Paris (Pháp) tháng 1.

Tình hình an ninh, chính trị tại Yemen rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất là sau khi phiến quân Houthi hôm 6/2 tuyên bố thành lập một chính phủ lâm thời để tiếp quản quyền lực tại Yemen.

Động thái này của Houthi đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trong nước và cộng đồng quốc tế. Hôm qua, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại nhiều thành phố lớn của Yemen phản đối lực lượng Houthi tiếm quyền. Một người biểu tình cho biết:“Chúng tôi xuống đường để phản đối cuộc đảo chính của nhóm Hâu-thi và để khôi phục lại vinh quang cho cuộc cách mạng tháng 2 năm 2011. Chúng tôi muốn giấc mơ của người dân Yemen về một nhà nước dân sự trở thành hiện thực”

Trong khi đó, những người ủng hộ phiến quân Houthi cũng xuống đường tuần hành ủng hộ lực lượng Hồi giáo dòng Shiite này. Họ cũng hô những khẩu hiệu ủng hộ “tuyên bố hiến pháp” của nhóm Houthi. Theo tuyên bố này, phiến quân Houthi đã giải tán Quốc hội và thành lập một “Hội đồng tổng thống” để tiếp quản quyền lực tại Yemen.

Theo Vũ Anh Tuấn/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast