Chuyên gia lý giải lý do cảm lạnh, cảm cúm thường khởi phát vào mùa đông?

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học lý giải lý do tại sao chúng ta thường mắc bệnh hô hấp vào mùa đông. Hóa ra chính không khí lạnh làm hỏng phản ứng miễn dịch xảy ra trong mũi. Nhiệt độ bên trong mũi giảm bớt 5 độ C sẽ giết chết gần 50% lượng tế bào chống virus và vi khuẩn.

Mùa đông tới, người dân thường mắc cảm lạnh và cảm cúm nhiều hơn. Đợt gió lạnh đầu mùa khiến nhiều người hắt hơi, sổ mũi, viêm họng và những triệu chứng bệnh đường hô hấp có thể còn tệ hơn.

Tuy nhiên, vi trùng có mặt quanh năm. Vậy tại sao vào mùa đông bạn lại hay mắc bệnh đường hô hấp hơn?

Trong một nghiên cứu mang tính đột phá, các nhà khoa học đã tìm ra lý do tại sao chúng ta thường mắc bệnh hô hấp nhiều hơn vào mùa đông . Hóa ra chính không khí lạnh làm hỏng phản ứng miễn dịch xảy ra bên trong mũi.

Nhiệt độ bên trong mũi giảm 5 độ C giết chết gần một nửa lượng tế bào chống virus và vi khuẩn

“Đây là lần đầu tiên chúng ta có lời giải thích ở cấp sinh học phân tử về phản ứng miễn dịch bẩm sinh bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ lạnh”, GS.TS. Zara Patel, chuyên gia tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ tại Đại học Y khoa Stanford ở California nhận định. Bản thân GS.TS. Zara Patel không tham gia vào nghiên cứu này.

Chuyên gia lý giải lý do cảm lạnh, cảm cúm thường khởi phát vào mùa đông?

Nhiệt độ lạnh khiến lượng tế bào chống virus, vi khuẩn ở mũi sụt giảm

Trong lỗ mũi của chúng ta có tới hàng tỷ tế bào chống virus và vi khuẩn. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí dị ứng và miễn dịch học lâm sàng (The Journal of Allergy and Clinical Immunology), trên thực tế, nhiệt độ bên trong mũi giảm 5 độ C sẽ giết gần 50% lượng tế bào chống virus và vi khuẩn này.

PGS. TS Benjamin Bleier, chuyên gia tai mũi họng tại Đại học Y Harvard, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: Không khí lạnh làm gia tăng lây nhiễm virus vì về cơ bản, bạn đã mất đi một nửa khả năng miễn dịch khi nhiệt độ trong mũi giảm đi 5 độ C.

Tuy nhiên, GS.TS. Zara Patel nhận định, đây là các thí nghiệm thực hiện trong ống nghiệm trong phòng thí nghiệm, chứ không phải thí nghiệm lâm sàng trên người. Thường thì thí nghiệm trong ống nghiệm cũng đúng với cơ thể sống nhưng không phải trường hợp nào cũng như vậy.

Cơ chế miễn dịch ở mũi để chống lại các bệnh đường hô hấp

PGS. TS Benjamin Bleier và đồng tác giả Mansoor Amiji cùng đội ngũ các nhà khoa học đã đi tìm lời giải về cơ chế miễn dịch ở mũi.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, virus hoặc vi khuẩn đường hô hấp thường xâm nhập vào mũi, cửa ngõ để vào cơ thể. Ngay lập tức, phần phía trước của mũi phát hiện ra mầm bệnh. Ngay lập tức, các tế bào bên trong mũi tạo ra hàng tỷ bản sao đơn giản được gọi là túi ngoại bào (EV).

Theo PGS. TS Benjamin Bleier, các túi ngoại bào không thể phân chia như các tế bào, nhưng đóng vai trò như các phiên bản nhỏ của tế bào chuyên dụng diệt virus. “EV hoạt động như”mồi nhử“, vì vậy khi bạn hít phải virus, virus sẽ dính vào những”mồi nhử“này thay vì dính vào tế bào”.

Những virus này sẽ bị trục xuất khỏi mũi dưới dạng chất nhầy ở mũi (đờm, nước mũi). Hàng tỷ EV được tạo ra để tấn công mầm bệnh. Do đó, virus không thể xâm nhập và nhân lên sâu hơn nữa trong khoang mũi.

PGS. TS Benjamin Bleier lý giải, cơ chế miễn dịch này ở mũi giúp ngăn virus và vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào cơ thể.

Nghiên cứu cho thấy, khi bị virus tấn công, mũi tăng sản sinh các túi ngoại bào lên 160%. EV có nhiều thụ thể hơn so với các tế bào ban đầu, do đó tăng khả năng ngăn chặn virus của hàng tỷ túi ngoại bào trong mũi. Mỗi túi ngoại bào này có nhiều thụ thể gấp 20 lần trên bề mặt, vì vậy siêu dính để dính chặt và loại bỏ virus khỏi cơ thể qua dịch tiết mũi.

Chuyên gia lý giải lý do cảm lạnh, cảm cúm thường khởi phát vào mùa đông?

Đeo khẩu trang giúp giữ ấm mũi, tăng cường miễn dịch chống lại các bệnh đường hô hấp

Các tế bào trong cơ thể cũng chứa một chất tiêu diệt virus được gọi là micro RNA, tấn công vi trùng xâm nhập. Tuy nhiên, EV trong mũi chứa các chuỗi RNA vi mô gấp 13 lần so với các tế bào bình thường, nghiên cứu cho thấy.

Vì vậy, mũi của chúng ta chứa các “siêu năng lực” để ngăn ngừa bệnh đường hô hấp. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi thời tiết lạnh giá ập đến?

Để tìm hiểu, TS Benjamin Bleier cùng đội ngũ của ông đã cho 4 tình nguyện viên tiếp xúc với nhiệt độ 4,4 độ C trong vòng 15 phút, sau đó kiểm tra tình trạng bên trong khoang mũi của họ.

Theo TS Benjamin Bleier, khi bạn tiếp xúc với không khí lạnh, nhiệt độ bên trong mũi của bạn có thể hạ bớt 5 độ C, làm suy giảm miễn dịch ở mũi. Trên thực tế, một chút lạnh ở mũi làm sụt giảm 42% túi ngoại bào diệt virus ở mũi.

“Tương tự như vậy, bạn có gần một nửa lượng RNA siêu nhỏ bên trong mỗi túi và bạn có thể giảm tới 70% số lượng thụ thể trên mỗi túi, khiến những EV này ít dính hơn,” ông nói. Điều đó làm giảm một nửa khả năng miễn dịch chống viêm đường hô hấp, dẫn tới việc bạn dễ bị mắc cảm cúm, cảm lạnh và COVID-19 hơn vào mùa đông.

Khẩu trang giữ nhiệt và bảo vệ tuyệt vời cho mũi - cửa ngõ đường hô hấp

Hóa ra, đại dịch COVID-19 đã dạy cho chúng ta biết cách chống lại không khí lạnh và duy trì khả năng miễn dịch cao. “Khẩu trang không chỉ bảo vệ bạn khỏi việc hít trực tiếp virus mà còn giống như đeo”một chiếc áo len“trên mũi của bạn.”, TS Benjamin Bleier nói.

Đồng tình với quan điểm này, GS. Zara Patel cho biết: “Bên trong mũi càng ấm thì cơ chế miễn dịch bẩm sinh càng hoạt động tốt hơn.”

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast