Đào, quất và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe

Quất và đào không chỉ biểu tượng đặc trưng của ngày Tết mà còn được coi như vị thuốc đẩy lùi bệnh tật.

Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm tác dụng vào các kinh phế, vị, can. Quất có công năng hóa đảm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu, càng để lâu càng tốt. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn. Lá quất vị cay đắng, tính lạnh, có tác dụng thư can (điều hoà, cải thiện chức năng gan), khai vị khí (kích thích tiêu hoá), thông phế khí, chống nôn, nấc, tiêu hạch...

Bài thuốc đơn giản nhất thường dùng với quả quất là hấp cách thủy cùng mật ong (hoặc đường phèn) trong vòng 15 phút để trị ho, viêm họng. Ngoài ra, người ta còn dùng quất chưng làm siro để dùng dần, hoặc ngâm với đường/muối. Nước quất có thể uống như một loại nước giải khát, giúp thanh nhiệt cơ thể, và đặc biệt có tác dụng giải rượu. Các bệnh đường tiêu hoá như đầy tức vùng thượng vị, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn cũng đều có thể dùng quất trị bệnh. Với các bộ phận khác của cây quất như lá, rễ, hạt cũng được dùng làm thuốc.

Hoa đào

Theo Đông y, hoa đào tính bình, vị đắng không độc vào được ba đường kinh tâm, can và vị. Loại hoa này được dùng để chữa các bệnh như phù thũng, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, tâm phúc thống, mụn nhọt… và tác dụng hoạt huyết, nhuận da, làm đẹp. Đặc biệt, các bộ phận của cây đào như hoa, quả, lá, hạt, rễ đều là những vị thuốc quý.

Hoa đào tươi hay khô đều có thể làm thuốc. Sau Tết người ta thường thu gom hoa đào và phơi khô để dùng dần.

Để làm đẹp, chị em có thể uống trà hoa đào hàng ngày bằng cách hãm 5 g trong nước sôi, thêm một ít mật ong, uống vào sáng sớm. Ngoài ra, dùng nước sắc hoa đào rửa mặt còn có thể làm giảm nếp nhăn trên da mặt.

Còn với quả đào, có thể phơi hoặc sấy khô để trong các trường hợp ra mồ hôi trộm, di tinh, thổ huyết, động thai. Khi bị động thai ra máu, có thể dùng 1 quả đào sao tới khi toàn bộ vỏ quả bị đen, tán bột mịn, uống với nước ấm.

Nhân từ hạt quả đào phơi, sấy khô dùng trị các bệnh bế kinh, đau bụng kinh. Đào nhân còn có tác dụng chỉ ho, hóa đờm. Dùng trong các trường hợp ho nhiều đờm, phối hợp trần bì, bách bộ, mạch môn. Ngoài ra đào nhân còn có tác dụng lợi đại tiện, được dùng khi bị táo bón; dùng tốt cho các trường hợp táo bón do đoản hơi, đoản khí.

Lá đào tươi vò nát, thêm nước để tắm trị khỏi rôm, sẩy. Ngoài ra, có thể dùng lá tươi (30- 50 g), sắc uống để chữa sốt rét.

Rễ đào rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, sắc uống, trị chứng vàng da, chảy máu cam, nôn ra máu, kinh nguyệt không.

Bài thuốc từ cây quất

- Đau họng, miệng khô, răng đau, lưỡi tê: Quả quất 500 g thái thành lát, phơi khô, cho vào lọ cùng 250 g chè xanh, đậy kín, để trong 1 tháng. Mỗi ngày dùng 25 g nước cốt hoà với nước ấm, chia 2-3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này còn có tác dụng giải rượu.

- Đại tiện khó khăn, bụng trên đầy trướng: Quả quất 50 g, sắc uống trong ngày.

- Dạ dày đau, thượng vị đầy tức, nấc, ợ hơi, chán ăn: Quả quất 500 g thái lát, trộn đều với 500 g đường kính trắng, cho vào lọ kín trong 2 tuần. Mỗi ngày 25 g nước cốt hoà với nước ấm, chia nhiều lần uống, dùng liên tục trong nhiều ngày.

- Chữa chán ăn và đầy bụng, khó tiêu: Quả quất 100 g ngâm trong 500 ml rượu trắng thấp độ, sau 2 tuần mang ra dùng. Trước mỗi bữa ăn, uống 15-20 ml, dùng liên tục trong nhiều ngày.

- Chữa nôn do bệnh lý dạ dày: Rễ quất, hoắc hương, thích lê tử, rễ đông quỳ mỗi thứ 15 g, sắc uống trong ngày.

- Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Rễ quất 30 g rửa sạch, thái thành từng đoạn ngắn; dạ dày lợn 150 g thái miếng. Cho 2 thứ cho vào nồi, thêm nước (hoặc nửa nước nửa rượu) hầm chín, nêm gia vị, ăn cả cái lẫn nước. Bài thuốc này có tác dụng chữa viêm loét dạ dày - tá tràng thể can khí phạm vị. Biểu hiện là thượng vị đau trướng, cơn đau lan ra 2 bên mạn sườn (đau tăng khi ấn vào), buồn nôn, ợ hơi, ăn khó tiêu, trung tiện được thì dễ chịu, đại tiện khó khăn, tinh thần uất ức, rêu lưỡi trắng dày.

- Tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu lẫn máu: Rễ quất 30 g, đường phèn 15 g, sắc với nước uống trong ngày.

- Thuỷ thũng: Rễ quất 60 g, nghể (cành và lá) 30 g, vỏ bưởi (để qua mùa đông) 120 g, sắc uống trong ngày.

- Chữa âm nang sưng đau: Rễ quất 60 g, chỉ xác 15 g, tiểu hồi hương 30 g, sắc với nước (cho thêm chút rượu), uống ngày 3 lần.

- Sa tử cung: Rễ quất 90 g, hoàng tinh sống 30 g, rễ tiểu hồi hương 60 g, dạ dày lợn 1 cái. Tất cả hầm với một phần nước một phần rượu, chia 2 phần ăn trong ngày.

- Đau bụng dưới sau đẻ: Rễ quất 120 g, nấu với rượu uống.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast