Gánh nặng “trẻ nuôi con, già chăm cháu”

Gần một năm lên Hà Nội chăm sóc hai cháu nội, bà Nguyễn Thị Lý, 70 tuổi, phải nhập viện vài lần vì suy nhược.

Nguyên nhân được bà cho rằng do phải “vắt chân lên cổ” chạy theo guồng quay nhịp sống hiện đại của các con, cháu. Con trai và con dâu bà đều làm nhân viên kinh doanh, đi sớm về muộn. Mỗi ngày, bà Lý dậy lúc 6h, cho đứa nhỏ ăn rồi giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa trưa. Chiều khi cháu ngủ, bà tranh thủ làm đồ ăn cho bữa tối. Bốn giờ, bà lại đi đón đứa lớn ở trường mẫu giáo. Buổi tối tiếp tục nấu nướng, cho các cháu ăn rồi tắm rửa, dọn dẹp, kết thúc lúc 21h.

“Ngày nào cũng từng đó việc nhưng chẳng ngơi tay được lúc nào. Bạn bè ở quê nhiều lần rủ về hội họp, chẳng về được”, bà nói.

Làm việc liên tục thêm căn bệnh huyết áp thấp, bà Lý từng ngất xỉu vì hạ đường huyết hai lần. Dù chồng ở quê giục về nhưng bà vẫn ở lại với lý do “ở thành phố gửi trẻ đắt đỏ, nếu thuê người lạ chưa chắc an toàn khi chúng còn quá nhỏ”. Mệt nhưng bà tự nhủ phải cố gắng để đỡ đần con cháu.

Không tự nguyện vì con cháu như bà Lý, ba năm nay bà Vân, 67 tuổi, quê Bắc Ninh miễn cưỡng sang Hà Nội chăm cháu thứ hai cho con trai. Từng xung đột gay gắt với con dâu khi chăm cháu đầu tiên nên khi con trai ngỏ ý “nhờ bà trông nom giúp”, bà đã từ chối.

“Thành phố tỷ thứ phải chi tiêu, lại còn tiền thuê nhà, con biết trông cậy vào ai khác đâu, ngoài mẹ”, anh con trai duy nhất nói qua điện thoại buộc bà Vân phải xách valy lên với cháu. Đúng như dự đoán, đứa trẻ khiến mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu càng thêm căng thẳng. Họ thường bất đồng về các vấn đề nuôi dạy trẻ nhỏ.

Giờ ăn, bà thường cho các cháu xem phim hoạt hình để chúng ngồi yên, không chạy nhảy, nhưng con dâu phàn nàn như thế không tốt cho sức khỏe bọn nhỏ. “Con dâu tôi có bao giờ cho con ăn đâu nên làm sao hiểu được hai đứa trẻ nghịch ngợm đến thế nào”, bà Vân giãi bày.

Gánh nặng “trẻ nuôi con, già chăm cháu”

Ảnh minh họa: Sohu

Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu hay thống kê chuyên biệt nào về hiện tượng ông bà chăm cháu nhưng thực tế cho thấy, con số này không ít. Điều tra mới nhất của Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển công bố năm 2020 cho thấy, có khoảng 61% người cao tuổi toàn quốc đang sống với ít nhất một người con ruột. Sống chung và trông nom cháu giúp con cái là việc gần như không thể tránh khỏi.

Nghiên cứu “Già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam” của Tổng cục thống kê năm 2021 cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, 35% số này vẫn làm việc tạo thu nhập, còn lại là lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương, trong đó có chăm sóc cháu.

“Có ông bà vừa mới nghỉ hưu, thậm chí phải nghỉ hưu sớm để chăm cháu thay con. Ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, thư thái thì họ buộc phải sống lặp đi lặp lại một giai đoạn cuộc đời mà người ta gọi là nuôi con mọn lần hai”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ. Theo ông, mong muốn bao bọc con cái, suy nghĩ “giúp tiết kiệm đồng nào hay đồng đấy” cùng tâm lý “phải làm việc mới không bị coi là vô dụng” khiến nhiều người cao tuổi dẹp hết mong muốn cá nhân, dành thời gian cho thế hệ sau.

Với nhiều người cao tuổi , việc chăm sóc trẻ có thể không phải là vấn đề lớn, điều khiến họ lo lắng hơn là sự phàn nàn của con cái và nỗi cô đơn khi phải ở một nơi xa lạ.

Cách đây không lâu, vì đến đón cháu muộn ở trường mà bà Nguyễn Hoài, sống tại Hà Đông, Hà Nội bị con dâu gắt gỏng giữa đường. Khi về nhà và nguôi cơn giận, cô con dâu thanh minh: “Con chẳng có ý xấu, chỉ nói để bà nhớ thật lâu, lần sau đừng mắc phải”.

Vì việc này mà gia đình bà Hoài gặp sóng gió. Trong cuộc họp gia đình sau đó, người phụ nữ 70 tuổi chia sẻ bà luôn cố gắng chăm cháu thật tốt, nhưng tuổi già chẳng tránh được lúc nhớ lúc quên. “Lúc mới ra Hà Nội, tôi phải thích nghi với suy nghĩ của con cái. Nhưng thật sự khó khăn, đôi khi cảm thấy rất cô đơn”, bà thở dài.

Mỗi lần gọi điện về nhà, chồng bà Hoài, người ở quê một mình, hay vặn vẹo vợ nay đi những đâu, nói chuyện với những ai. Năm ngoái Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, sợ mang bệnh về cho ông, nửa năm bà không dám về quê, dù chỉ cách nhau 50 km. Ở một mình, ăn uống qua loa, sức khỏe người chồng đi xuống. Có lần huyết áp cao ông ngã trong nhà tắm, phải khâu cả chục mũi. Xa nhau lâu ngày, cả hai đều buồn, nhưng vẫn động viên nhau, chờ thằng cháu cứng cáp rồi vợ chồng đoàn tụ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những người già như bà Hoài phải có tiếng nói trong gia đình và có thời gian được tự do. “Thay vì để ông bà chăm cháu, nên chủ động cho con trẻ đi học, hoặc thuê người phù hợp. Ỷ lại vào lòng thương của bố mẹ mà bắt họ trông trẻ, quả thực là bất hiếu”, bà Tâm khẳng định.

Theo nữ chuyên gia, ai cũng có cuộc sống riêng. Tuy vậy, hiện nhiều người con vẫn cho rằng, nghỉ hưu là ông bà rảnh rỗi, không có việc gì làm... nên ra sức tận dụng, thậm chí còn ỷ lại vào lòng tốt của bố mẹ mà phó mặc con cái bởi suy nghĩ “đã có ông bà lo”. Đây là quan điểm sai lầm và ích kỷ.

“Giới trẻ trước khi sinh con nên chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe, kinh tế... đảm bảo chăm lo tốt nhất cho trẻ, thay vì dựa dẫm vào bố mẹ. Nếu không chuẩn bị tốt thì chưa vội sinh con”, bà Tâm đưa ra lời khuyên.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định, tuổi già nên được nghỉ ngơi, vui sống. Tuy nhiên với những gia đình điều kiện kinh tế còn hạn chế, nếu cần sự giúp đỡ của ông bà, phải xem xét tâm lý cũng như sức khỏe của họ. “Trông cháu phải dựa trên tinh thần là niềm vui, là tình cảm của ông bà dành cho cháu, chứ không phải là trách nhiệm”, ông Hòa khẳng định.

Theo vị chuyên gia, nếu ông bà khỏe mạnh và vui vẻ chăm cháu, cũng chỉ nên gửi gắm vào khung giờ nhất định, dành cho họ thời gian tự do để nghỉ ngơi. Nếu ông bà không có lương hưu hoặc kinh tế không dư dả, hãy biếu họ khoản tiền nhỏ. “Không phải ai cũng đồng ý nhận tiền trông cháu, nhưng đó là việc nên làm”, chuyên gia nhận định, cách này giúp người già chủ động hơn về kinh tế khi ở tuổi thu nhập đã hạn chế.

Dù chưa thực sự rõ rệt nhưng vài năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự thay đổi trong quan điểm của người cao tuổi: Về già nhưng kiên quyết không thay con chăm cháu.

Nghiên cứu “Vai trò người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang già hoá” do PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng nghiên cứu gia đình và giới, thực hiện ở hơn 300 người cao tuổi sống ở Ninh Bình và 500 người ở Đà Nẵng cho thấy, tỷ lệ sống cùng con giảm từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 28% vào năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ sống cùng bạn đời tăng từ 9,5% lên 50,4%.

Kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020 về tiêu chí gia đình hạnh phúc tại TP Hồ Chí Minh đưa ra một số liệu đáng chú ý: Chỉ có 54% người cao tuổi hài lòng với việc sống chung trong gia đình có từ ba thế hệ trở lên.

“Tôi đã già và chắc chắn không thể chăm trẻ tốt. Hơn nữa bố mẹ giúp con cái sẽ ỷ lại, phụ thuộc vào mình”, bà Bùi Thị Yến, 60 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Người phụ nữ này cho rằng, cả cuộc đời đã làm việc chăm chỉ, nghỉ hưu chỉ muốn được nghỉ ngơi thư giãn cạnh chồng. Với bà, cuộc sống người già không nên xoay quanh gia đình nhỏ của con, bởi “con ai người đó phải chăm”.

Khi con trai và con dâu cân nhắc sinh con thứ hai vào năm ngoái, bà Yến khuyên họ nên suy nghĩ kỹ: “Có hai đứa con cuộc sống sẽ vui gấp đôi nhưng vất vả cũng gấp đôi”. Tuy nhiên các con bà vẫn quyết tâm sinh thêm.

Bà Yến đã tìm một bảo mẫu và chi trả nửa số tiền trong khoản lương 7 triệu đồng nhằm hỗ trợ con, thay vì dành toàn thời gian bên những đứa trẻ.

Theo Hải Hiền/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast