Nhân rộng mô hình công sở không khói thuốc

(Baohatinh.vn) - Nhằm tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, một trong những giải pháp được nhiều quốc gia thực hiện là xây dựng môi trường không khói thuốc. Tại Hà Tĩnh, mô hình “Bệnh viện không khói thuốc” đã được ngành Y tế nhân rộng trong tất cả các bệnh viện.

Nhân rộng mô hình công sở không khói thuốc ảnh 1

Đặt bảng quy định cấm hút thuốc tại các phòng làm việc, điểm giao dịch là một giải pháp hạn chế thói quen có hại cho sức khỏe

Để phòng, chống tác hại của thuốc lá và thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Hà Tĩnh đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể theo từng năm. Theo đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, việc thực hiện môi trường không khói thuốc đã cơ bản cải thiện môi trường, nhất là tại các trường học, bệnh viện, cơ quan, công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan, công sở..., người hút thuốc lá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang... ở nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá, thuốc lào...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng hút thuốc lá tại các công sở vẫn còn khá phổ biến, thậm chí, có cả những người đứng đầu đơn vị. Điều này đồng nghĩa với việc buộc nhiều đồng nghiệp hàng ngày phải sống chung với khói thuốc.

Theo các nghiên cứu, môi trường không khói thuốc giúp những người hút thuốc bỏ được thuốc lá hay giảm số lượng thuốc hằng ngày. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, môi trường không khói thuốc làm tăng nỗ lực bỏ thuốc thành công hơn 10 lần cho những người hút thuốc; 29% lượng người hút thuốc cố gắng giảm thói quen hút hơn 3 điếu thuốc/ngày khi sống trong những môi trường không khói thuốc.

Theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, người hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hoàn toàn sẽ bị xử phạt hành chính. Đối với cán bộ, người lao động trong cơ quan hành chính vi phạm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc bị xử phạt vi phạm hành chính như các cá nhân khác khi có hành vi vi phạm. Thẩm quyền xử phạt thuộc về lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong thực tế, chưa có cơ quan, đơn vị nào thực hiện nghiêm quy định này.

Để tăng cường hiệu quả việc thực hiện quy định cấm hút thuốc tại cơ quan, công sở, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm: “Đưa quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ”. Nếu quy chế của cơ quan, đơn vị có quy định về các hình thức xử phạt, hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, người lao động vi phạm quy định cấm hút thuốc (như đưa vào quy định bình xét cuối tháng, quý hoặc hàng năm đối với các cá nhân hoặc tổ chức của cơ quan, đơn vị…) thì hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị mới thực sự hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast