Những con số sinh - tử

Đó là những con số có giá trị như báo cáo về tình hình sức khỏe, thậm chí tuổi thọ.

Tăng axít uric và những sai lầm cần tránh

Bình thường, lượng axít uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7 mg/dl. Vượt qua con số này là thuộc diện tăng axít uric máu, chỉ số càng cao càng ảnh hưởng đến thận, tim…

Sau khi tế bào chết đi, nhân của nó bị phá hủy và chuyển hóa thành axít uric. Đây là nguồn axít uric bên trong cơ thể mà ra (nội sinh). Song, axít uric còn vào cơ thể từ bên ngoài (ngoại sinh) qua những món nhậu chế biến từ động vật, uống rượu bia…

Khi axít uric xuất hiện, cơ thể sẽ “quét” ngay qua đường tiết niệu, tiêu hóa, da. Khi “rác thải” nhiều nhưng cơ thể không “dọn dẹp”, lượng “rác” này sẽ ở trong máu và “lộ mặt” khi xét nghiệm máu.

Song, điều đáng ngại là axít uric không chịu nằm im mà theo máu di chuyển đến cư trú ở các khớp và gây bệnh gút. Bệnh gút làm các khớp sưng, nóng, đỏ, đau khiến đi đứng khó khăn, hạn chế mọi hoạt động. Nguy hiểm hơn, axít uric còn lắng ở tim gây ra bệnh tim mạch, lắng ở thận gây ra suy thận, lắng ở đường niệu gây ra sỏi đường tiết niệu.

Bác sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TP.HCM cho biết: “Chỉ số axít uric từ 7 trở đi là báo hiệu điều bất thường. Tuy nhiên giai đoạn này chưa cần điều trị, chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống tránh những chất tạo ra axít uric như: thịt đỏ, đạm nội tạng, bia… Nhưng nếu sau đó kết quả vẫn là số 7 cùng với các triệu chứng đau khớp thì cần dùng thuốc để loại axít uric”. Nhưng thuốc chỉ giúp “đuổi” axít uric trong máu còn khi chúng đã “yên thân ấm tổ” tại khớp, tim… thì khó mà di dời.

Bệnh nhân phải hạn chế ăn đạm động vật, ăn nhiều rau quả, hạn chế ăn các thực vật còn non như: rau mầm, giá, măng…, không uống rượu bia. Tránh vội vã dùng thuốc khi tăng axít uric mà chưa có triệu chứng đau nhức.

Sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống từ ba-sáu tháng, cần xét nghiệm lại xem chỉ số axít uric có “tuột dốc” chưa. Nếu kiêng ăn mà axít uric vẫn tăng, bác sĩ sẽ có chỉ định tiếp theo. Nếu tiền sử gia đình có người bị gút, cần lưu ý chế độ dinh dưỡng từ khi còn trẻ.

Những con số sinh - tử ảnh 1

Có rất nhiều con số báo cáo về tình hình sức khỏe, thậm chí tuổi thọ của con người.

Creatinine tiết lộ sức khỏe của thận

Creatinine là chất thải trong quá trình tiêu hóa đạm. Thận chịu trách nhiệm lọc creatinine và các sản phẩm phế thải khác từ máu. Nếu thận không hoàn thành công tác, creatinine sẽ hiện diện trong máu.

Vì vậy, đo lường lượng creatinine trong máu cho biết sức khỏe của thận đang yếu hay khỏe. Phạm vi bình thường đối với creatinine trong máu là 0,6-1,2 mg mỗi decilít (53-106 micromol mỗi lít). Mức độ creatinine tăng có nghĩa chức năng thận đang suy giảm. Song, đáng tiếc là nhiều trường hợp tự mình hại thận mình.

TS Phạm Văn Bùi - PGĐ BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết: “Có nhiều trường hợp nhập viện vì suy giảm chức năng thận với các triệu chứng mơ hồ như: nôn ói, ngộ độc thực phẩm, thiếu máu không rõ nguyên nhân, không đi tiểu được… Bác sĩ làm các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng thì phát hiện do bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc và chưa được chứng minh qua y học thực nghiệm.

Về phương diện y tế, tất cả các thuốc: thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng, Đông dược, vitamin đều có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận. Ngay cả thuốc được sử dụng thì liều lượng cũng cần được chỉnh theo chức năng thận. Hiện có nhiều loại thuốc chống chỉ định khi suy giảm chức năng thận. Đó là lý do nên dùng đúng liều lượng và chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa”.

Mặc dù suy thận hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị khi bị suy thận, nhưng mỗi phương pháp có ưu khuyết riêng mà người bệnh phải chịu đựng đau đớn, sức khỏe yếu, lệ thuộc, mất nhiều thời gian, tiền bạc, không được ăn uống như ý… Do đó, bảo vệ thận để chúng sánh đôi với chúng ta đến cuối đời là điều cần lưu ý.

Máu cao

Chỉ số huyết áp bình thường là 120/70, 120/80 nhưng khi số trên vượt 140, số dưới vượt 90 thì cần đi khám bệnh vì được liệt vào cao huyết áp (CHA) độ 1. Song song đó là triệu chứng cần lưu ý như có cơn đau ngực nghẹn. Đau trước ngực có thể lan lên cổ, lan ra tay trái và ra sau lưng khi gắng sức, khi vận động nhiều, leo cầu thang, đặc biệt cơn đau giảm khi ngừng gắng sức. Đây là triệu chứng cho biết cơ tim đang bị thiếu máu.

Quá trình này không chỉ xảy ra ở mạch vành mà còn ở mạch máu não gây tai biến, nhũn não… CHA còn làm hẹp động mạch thận gây suy thận, làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi… Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau chân cách hồi phải đứng lại nghỉ.

Căng thẳng, ngồi nhiều, ít vận động, dùng thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, chất béo, ăn mặn, hút thuốc lá, béo phì... được coi là trợ thủ giúp CHA trở thành căn bệnh phổ biến.

Theo TS Nguyễn Hoài Nam - Đại học Y dược TP.HCM: “Người bị CHA có nguy cơ bị đột quỵ tăng 50 đến 60% so với người bình thường. Khi CHA, cần uống thuốc để bình ổn. Tuy nhiên, tùy hình thái CHA của mỗi người mà có thuốc điều trị riêng (cá thể hóa điều trị). Không thể tự dùng thuốc hoặc dùng thuốc của người khác. Nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị”.

Tình hình sức khỏe khi CHA như chiếc thuyền tuột dây, sẽ trôi mất lúc nào không hay. Thuốc huyết áp được xem như sợi dây, giữ thuyền ở lại. Một khi đã sử dụng thuốc huyết áp, cần uống mỗi ngày để huyết áp bị khống chế. CHA lâu ngày làm hư lớp trong cùng (nội mạc) của mạch vành, hình thành mảng xơ vữa và làm hẹp mạch vành.

Bệnh CHA cần phòng từ khi còn trẻ như: ăn nhạt, luyện tập thể dục thể thao.

Đường tăng, đường hạ

Lượng đường trong máu thường ở mức dưới 126 mg/dL hoặc 6,4 mmol/dL.

Con số này có thể nhích lên khi ăn ngọt nhưng ngay sau đó cơ thể sẽ tiết ra insulin điều hòa nồng độ đường trong máu. Insulin được coi như chìa khóa để đường từ thức ăn đi vào các cơ quan. Khi vì một lý do nào đó insulin không đủ, thì đường sẽ không vào các cơ quan để trở thành nhiên liệu mà nằm ở trong máu. Lúc này đường huyết sẽ tăng.

Đường huyết tăng không gây ra triệu chứng cho đến khi con số vượt trên 200 mg/dL, hoặc 11 mmol/dL, lúc này người bệnh cảm thấy các triệu chứng: khát nước, thường xuyên đi tiểu, mờ mắt, mệt mỏi, nhức đầu, sụt ký… Nếu không điều trị, sẽ thấy buồn nôn và ói mửa, đau bụng, khó thở, khô miệng, cuối cùng là hôn mê. Vì thế ngay từ giai đoạn đầu khi thấy khát nước, sụt ký, mệt mỏi, mắt mờ… cần đi khám ngay để phát hiện bệnh sớm.

Đường trong máu được xem như thực phẩm của các cơ quan, khi lượng đường xuống thấp, các cơ quan trong cơ thể lâm vào cảnh đói khát. Hạ đường máu báo hiệu qua nhiều mức độ. Nhẹ nhất người bệnh sẽ thấy đói, mệt mỏi, run tay, run chân, người như kiệt sức. Cơ thể sẽ huy động nội tiết tố chuyển mỡ để dành thành năng lượng.

Phần lớn những người bị hạ đường huyết biết ngay và tự chữa bằng cách ngậm kẹo hay uống nước ngọt, một lúc sau thấy dễ chịu, tay chân hết run, tinh thần sảng khoái. Mức độ nặng hơn, người bệnh sẽ thấy mệt, đau đầu, nhìn mờ và lơ mơ do thiếu đường ở não.

Khi đường máu xuống quá thấp, người bệnh sẽ bị hôn mê. Tình trạng này rất nguy hiểm vì có thể bị di chứng thần kinh sau hạ đường huyết và có thể tử vong.

Những ai có thâm niên thường xuyên lên xuống đường huyết thì triệu chứng hạ đường huyết khó nhận biết, nên dễ bị hôn mê mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào. Nguy hiểm nhất là trường hợp hạ đường huyết ban đêm, ngay trong lúc ngủ.

Những người đang bị tiểu đường nếu thường xuyên thấy ác mộng, ngủ dậy thấy khó chịu, đau đầu nên kiểm tra chỉ số đường huyết. Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính đi theo bệnh nhân suốt đời. Biến chứng của bệnh rất nặng nề như: bệnh lý võng mạc gây mù lòa, suy thận, suy động mạch vành, tai biến mạch máu não, các biến chứng nhiễm trùng ở da, đường hô hấp… với các mức độ khác nhau dù bệnh nhân cố gắng tuân thủ hướng dẫn điều trị.

Do đó cần phòng bệnh từ xa. Từ 40 tuổi cần kiểm soát cân nặng, vòng bụng, huyết áp. Nếu tiền sử gia đình có người thân bị bệnh tiểu đường, cần theo dõi sát, khám sức khỏe định kỳ, đo huyết áp, thử đường huyết để phát hiện sớm, có biện pháp giải quyết ngay và triệt để. Chế độ dinh dưỡng cần ưu tiên rau xanh, củ quả vì chúng chứa nhiều sinh tố và chất xơ giúp cho sự chuyển hóa trong cơ thể dễ dàng, giúp hạn chế tăng đường huyết nhanh sau ăn.

Thể dục hoặc siêng năng làm việc nhà sẽ giúp cơ thể xài những năng lượng dư thừa trong khi ngon miệng. Thời gian vận động hàng ngày tối thiểu 60 phút. BS Cao Xuân Minh - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh TP.HCM khuyên khi mắc bệnh tiểu đường nên uống thuốc đều đặn, tái khám theo chỉ định bác sĩ, tuân thủ chế độ ăn, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Phụ nữ TP HCM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast