Phương pháp khoa học giúp tăng chiều cao hiệu quả

Dinh dưỡng, tập luyện, lối sống khoa học là những phương pháp hữu hiệu giúp cải thiện chiều cao. Tuy nhiên, áp dụng vào thời điểm nào, ra sao thì không phải ai cũng biết.

So với quá trình tăng hay giảm trọng lượng cơ thể, quá trình tăng chiều cao có phần gian nan và phức tạp hơn nhiều. Vấn đề béo gầy có thể được cải thiện từ từ, bất kể là lúc bạn còn thiếu niên, thanh niên, trung niên. Còn tăng chiều cao thì ngược lại, nó chỉ phát triển trong những giai đoạn nhất định và chịu nhiều yếu tố chi phối hơn.

Những nguyên nhân không tăng chiều cao

Không tăng chiều cao có thể xuất phát từ sự chậm phát triển ngay từ khi còn là bào thai. Thời kỳ còn là bào thai, nếu người mẹ không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ sau này, đặc biệt là về chiều cao.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt hormone tuyến giáp, nhất là các hormone như triiodothyronine hormones (T3), thyroxin (T4), tyrosine, không chỉ gây ảnh hưởng đến cơ thể mà còn tác động đến quá trình tâm sinh lý của trẻ và khi đã trưởng thành. Trong đó phải kể đến hormone tăng trưởng (HGH) do tuyến yên sản sinh ra, đây là hormone rất quan trọng liên quan trực tiếp đến việc tăng chiều cao ở con người.

Chế độ dinh dưỡng kém, ăn uống mất cân bằng, sự thiếu hụt các chất protein, canxi cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của cơ thể, trong đó có chiều cao. Những trẻ hay mắc chứng đường ruột thường hấp thụ chất dinh dưỡng kém, dẫn đến tình trạng còi cọc, chậm lớn.

Chế độ dinh dưỡng giúp tăng chiều cao

Đây là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì một cơ thể phát triển khỏe mạnh. Chiều cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố dinh dưỡng là quan trọng nhất. Phần lớn những người không đạt được chiều cao tối đa là do thiếu chất dinh dưỡng.

Để khắc phục điều này, bạn nên duy trì cho mình chế độ dinh dưỡng cân bằng gồm canxi, vitamin D, kẽm, protein, photpho và mangan. Đây là những chất quan trọng của xương, đồng thời cải thiện lưu thông máu, tăng cường chiều cao một cách tự nhiên.

Lưu ý, trong khi thực hiện chế độ dinh dưỡng, bạn cũng nên chú ý đến trọng lượng của cơ thể. Vì thừa cân hay béo phì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển chiều cao. Một trong những chứng bệnh từ việc dư thừa trọng lượng cơ thể là gây suy yếu đĩa đệm, gây áp lực lên xương và khớp, làm cơ thể lùn đi. Do đó, ngay từ khi còn trẻ, bạn nên duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý theo công thức BMI = trọng lượng: (chiều cao) x 2. Trong đó, trọng lượng được tính bằng kg, chiều cao tính bằng mét. Nếu BMI từ 18,5-24,9 là bình thường, BMI 25-30 là bạn đã thừa cân và trên 30 được xem là béo phì.

Tăng cường luyện tập

Tập luyện thể thao một cách khoa học làm tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, khiến hormone tăng trưởng (HGH) tiết ra nhiều hơn, giúp tăng trọng khối xương khi trưởng thành. Tuy nhiên, phải tập thể thao đúng cách mới đạt được hiệu quả mong muốn.

Mỗi ngày, bạn cần dành ra một giờ để tập luyện với cường độ vừa phải và tăng dần. Nếu thời gian ngắn hơn và chỉ vận động nhẹ nhàng như đi bộ, marathon thì không có tác dụng. Nhưng nếu cường độ tập quá căng thẳng sẽ làm tổn thương dây chằng và hệ cơ, gây phản tác dụng.

Những môn thể thao có tác động nhảy, đá chân như nhảy cao, nhảy xa, đu xà, bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền hay các bài tập kéo giãn như yoga, múa, uốn dẻo rất phù hợp với những ai đang mong muốn cải thiện chiều cao bằng tập luyện.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast