“Các chú rẽ phải đi thêm đoạn nữa là tới. Mới sáng sớm đã thấy các cô, các chú trong xã mang súng ống kéo nhau về đó tập…”, bác hàng rong vừa nói vừa đưa tay chỉ khi tôi hỏi đường về sân vận động xã Hộ Độ (Lộc Hà). Hơn 8h sáng, sương vẫn rơi nặng hạt. Toàn trung đội dân quân xã, 45 đồng chí (lực lượng tại chỗ) đang tập điều lệnh… Xã đội phó Lê Doãn Hải cho biết: Theo quy định, thời gian huấn luyện trung đội lực lượng tại chỗ là 7 ngày, hôm nay là ngày thứ 3. Những người làm công tác huấn luyện đến các chiến sỹ đều phải thực hiện nghiêm giờ giấc, nội dung mới mong đạt kết quả cao…
Lực lượng dân quân tự vệ cụm trung tâm Can Lộc biểu diễn võ thuật |
Tranh thủ giờ giải lao, trò chuyện với các chiến sỹ dân quân Tiểu đội 2, chúng tôi được biết, trong mấy ngày qua, thời tiết thất thường nhưng trung đội vẫn duy trì thời gian tập đúng lịch. “Dù mưa nắng, chúng em vẫn cố gắng tập đủ thời gian. Toàn trung đội đều tập luyện hăng say, người này nhắc người kia, không ai vắng mặt…”, chiến sỹ Lê Doãn Tín, người đã qua 4 mùa huấn luyện cho hay. Thấy một nhóm 3-4 chiến sỹ đang cười đùa rất hồn nhiên, tôi hỏi: “Có gì mà vui thế?”. Chiến sỹ Lê Thị Lan mạnh dạn: “Giải lao đùa nghịch tý cho thoải mái anh ạ. Vào giờ tập thì người nào cũng răm rắp. Anh thấy chúng em đã thuần thục chưa?…”. Tôi hỏi vui: “Nếu có địch đã đánh được chưa?”. “Đánh ngon. Hai mùa huấn luyện rồi đó!”, Lan đưa tay làm điệu bóp cò súng, giọng chắc nịch… Nhìn khuôn mặt dễ thương lấm tấm mồ hôi cùng bộ quân phục đôi chỗ lem nhem bụi đất, tôi tin Lan không chỉ nói về mình.
Hướng dẫn cách bố trí chông hom giỏ cho dân quân xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà) |
Gần 11h trưa một ngày cuối tháng 3, tại sân vận động xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà), khi chúng tôi đến, Thiếu tá Nguyễn Anh Đào, cán bộ theo dõi chỉ đạo huấn luyện vẫn đang say sưa hướng dẫn một nhóm dân quân cách đặt chông hom giỏ, một trong những nội dung vũ khí tự tạo, mà nói như Thiếu tá Đào là rất hiệu quả trong chiến thuật tiểu đội dân quân tại chỗ bảo vệ thôn. Chiến sỹ dân quân Ngô Văn Duẩn cho biết: Cán bộ làm công tác huấn luyện ở đây hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo và có cách truyền đạt khá hay nên anh em hào hứng học tập. Em thấy nội dung vũ khí tự tạo như chông chém, chông hom giỏ… nếu biết áp dụng thì sẽ có tác dụng tốt trong việc phòng ngự…
Đã gần hết giờ tập buổi sáng nhưng nội dung thực hành tại công sự, gồm nằm bắn và đứng bắn vẫn được các chiến sỹ dân quân cần mẫn thực hành. Lê Thị Kim Oanh sau khi thực hiện xong động tác nằm bắn trong công sự, cho biết: Nằm bắn trong công sự cho người chiến sỹ cảm giác chắc chắn, an toàn hơn… Được biết, đây là năm thứ 3 Oanh tham gia huấn luyện chiến đấu dành cho lực lượng dân quân. Động tác thuần thục, vững vàng khi thực hiện của Oanh cũng nói lên điều đó. Theo Thiếu tá Đào, nhìn chung, anh em dân quân tập luyện chăm chỉ, tiếp thu tốt và ham học hỏi. Chương trình huấn luyện cho năm thứ 2 trở đi có nâng cao hơn cả về chiến thuật lẫn bắn súng. Vì vậy, dân quân cũng tự mình thực hiện động tác nhiều hơn…
Dân quân xã Hộ Độ tập bắn |
Tại các địa phương mà chúng tôi có mặt như Kỳ Anh, Hương Khê, Can Lộc, Nghi Xuân… dù ra quân tập luyện trong tháng 3, thời tiết hầu như mưa rét nhưng nhờ linh hoạt (mưa thì tổ chức ôn luyện lý thuyết tại hội trường) nên công tác huấn luyện đều đảm bảo nội dung, chương trình, thời gian. Đến thời điểm này, nhiều xã, cụm xã tại các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành nội dung huấn luyện DQTV năm 2014. Theo đánh giá của các địa phương, nhìn chung, DQTV trên địa bàn đều hăng say, nỗ lực trong tập luyện, kiểm tra (tại xã); hội thao, hội thi (tại cụm) đều đạt yêu cầu 100%, trong đó, khá, giỏi đạt gần 80%.
Điểm ghi nhận nữa là ban CHQS các xã đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức rà soát lực lượng, xây dựng kế hoạch, soạn thảo giáo án bài giảng, chuẩn bị vật chất, mô hình học cụ. Tiến trình biểu, giáo án thông qua phê duyệt đúng quy định. Cùng một lúc triển khai nhiều nhiệm vụ, nhưng các xã đã chủ động khắc phục khó khăn, bảo đảm tốt kinh phí cho nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.
Trung tá Hoàng Xuân Lĩnh - Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Nghi Xuân cho biết: Năm nay, các xã, thị trấn ở Nghi Xuân đã dành nhiều thời gian, công sức để đầu tư hệ thống mô hình học cụ, giáo án. Trong khó khăn chung, nhưng bình quân mỗi đơn vị trích khoảng 150 triệu đồng để phục vụ mùa huấn luyện, tiêu biểu như Xuân Phổ, Cương Gián, thị trấn Xuân An, tự vệ Bệnh viện Đa khoa huyện…
Mưa nắng không làm giảm lòng hăng say rèn luyện của CBCS. Một mùa huấn luyện thành công nữa sẽ lại về...