Bồ Đào Nha - Hà Lan, trận chiến sinh tử

Mọi kết quả ngoài chiến thắng khi đọ sức tại Kharkiv sẽ đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của hai đội tại Euro 2012.

Qua hai trận, Bồ Đào Nha đang có ba điểm và hiệu số bàn thắng - thua là 0 như Đan Mạch, nhưng xếp trên nhờ thắng đội đầu trực tiếp. Hà Lan, thảm hơn, xếp chót bảng và chưa có điểm nào.

Thông thường, với hai thất bại liên tiếp, Hà Lan lẽ ra đã bị loại. Lịch sử Euro, tính từ khi có thể thức thi đấu vòng bảng, cũng chưa ghi nhận trường hợp nào thua cả hai trận đầu mà vẫn vào tứ kết. Nhưng cục diện ở bảng B hiện tại vẫn cho phép Hà Lan nuôi mộng phá lệ, trở thành đội đầu tiên xóa bỏ cái dớp đó, dù theo tính toán của trang web thống kê Infostrada Sports, cơ hội của “những bông Tulip” chỉ là 9,5%.

Hà Lan và Bồ Đào Nha bằng mọi giá phải thắng để nuôi hy vọng đi tiếp.

Hà Lan và Bồ Đào Nha bằng mọi giá phải thắng để nuôi hy vọng đi tiếp.

Đội bóng áo da cam sẽ đi tiếp nếu họ thắng Bồ Đào Nha với cách biệt hai bàn và trông chờ Đức, đội đang có sáu điểm và đã đặt một chân vào tứ kết, gia lộc bằng cách đánh bại Đan Mạch. Với Bồ Đào Nha, cửa vào tứ kết của họ rộng hơn. Nếu đánh bại Hà Lan, trong khi Đan Mạch không thắng Đức, Cristiano Ronaldo và đồng đội sẽ vượt qua bảng tử thần. Tóm lại, số phận, hoàn cảnh đã đưa đẩy Bồ Đào Nha và Hà Lan vào cuộc chiến một mất một còn trên sân Metalist Kharkiv.

Cái dớp của những nhà Á quân thế giới

Chưa đến mức thành thông lệ, nhưng lịch sử đã ghi nhận cái dớp kỳ lạ - những đội về nhì ở vòng chung kết World Cup thường bị loại ngay từ vòng bảng kỳ Euro tiếp theo. Đã có năm trường hợp như thế, với chính Hà Lan năm 1980 (hai năm sau khi họ vào chung kết và đoạt ngôi Á quân World Cup 1978), Tây Đức năm 1984, Italy năm 1996, Đức năm 2004 và Pháp năm 2008.

Làm thế nào để Hà Lan, nhà Á quân ở World Cup 2010, không đi vào vết xe đổ ấy của lịch sử lại đang là bài toán hóc búa thật sự cho HLV Van Marwijk. Hành quân sang Ba Lan – Ukraine với vị thế ứng cử viên số hai cho chức vô địch, nhưng Hà Lan đã làm tất cả thất vọng với những gì họ thể hiện ở hai trận đầu khi lần lượt trắng tay trước Đan Mạch rồi Đức.

Trận thua Đan Mạch có thể bị xem như một tai nạn, một cú vấp dễ thông cảm, khi Hà Lan chơi áp đảo về mọi mặt và chỉ không thể ghi được bàn thắng vì vận rủi (bóng tìm tới cột dọc) và năng lực của trọng tài (từ chối một quả penalty). Nhưng sang trận thứ hai, cách họ bất lực thúc thủ trước Đức đã phơi bày hàng loạt vấn đề trầm trọng của Hà Lan, cả trong đội ngũ cầu thủ lẫn từ ngoài khu vực kỹ thuật.

Sau một mùa giải vắt sức cho CLB, các ngôi sao được kỳ vọng nhất của Hà Lan như Van Persie, Robben, Van Bommel dường như đã cạn kiệt cảm hứng lẫn sức lực khi đến với Euro 2012. Cộng thêm đà tuột dốc không phanh của “bộ não” Sneijder, trong khi những trụ cột còn lại như Van der Wiel, Mathijsen, De Jong cũng không giữ được mình, chẳng còn ai nhận ra cái khối gắn kết, mạnh mẽ và giàu đột biến tại Nam Phi hai năm về trước. Hà Lan giờ phòng ngự lỏng lẻo, khan hiếm ý tưởng, cạn kiệt sáng tạo trong tấn công.

Van der Vaart được chờ đợi sẽ mang lại xung lượng mới cho hàng công Hà Lan. Ảnh: AFP.

Van der Vaart được chờ đợi sẽ mang lại xung lượng mới cho hàng công Hà Lan. Ảnh: AFP.

Van Marwijk không mờ mắt tới mức chẳng nhận ra sự kém cỏi của cả hệ thống, nhưng như có một rào cản vô hình nào đó, ông không đủ quyết đoán để thay đổi. Giới chuyên môn cho rằng nếu HLV này can đảm gạt Van Bommel, Afellay, Van Persie để lấy chỗ cho Van der Vaart, Kuyt hay Huntelaar đá chính trước tuyển Đức, cơ hội cho Hà Lan đã sáng hơn nhiều. Phải đến khi bị dồn tới sát cửa tử, Van Marwijk mới tuyên bố sẽ thay đổi để đấu với Bồ Đào Nha.

Chẳng ai dám chắc khi cả đội đã ở thế hiểm nghèo và chịu sức ép khủng khiếp, liệu nỗ lực làm mới của Van Marwijk có còn phát huy tác dụng. Mà ngay cả khi các điều chỉnh đó cho kết quả tích cực, cũng chẳng có gì đảm bảo Hà Lan sẽ vượt qua được cái dớp tệ hại gắn với các nhà Á quân thế giới. Khi đã đặt một chân vào tứ kết, Đức ắt sẽ có những toan tính về việc bảo toàn lực lượng và dễ gì họ gắng sức hạ Đan Mạch cứu Hà Lan. Ấy là chưa kể đến khả năng để loại trừ hậu họa khi vào sâu, Đức chỉ gắng thủ hòa với Đan Mạch và gạt Hà Lan khỏi cuộc chơi.

Bồ Đào Nha vẫn đau đầu vì Ronaldo

Bồ Đào Nha đã có ba điểm đầu tay, với trận thắng hú vía 3-2 trước Đan Mạch. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của họ - giúp Ronaldo tỏa sáng – thì chẳng những không được giải quyết triệt để, mà còn trở nên trầm trọng hơn. Không như trận ra quân thua Đức, Ronaldo nhận được sự hỗ trợ tốt hơn nhiều từ các vệ tinh xung quanh, chỉ có điều mành lưới đối phương vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt, như trêu người anh sau rất nhiều nỗ lực dứt điểm.

“Tôi sẵn sàng kết thúc giải mà không ghi được bàn nào, miễn Bồ Đào Nha vô địch”, Ronaldo cao giọng. Nhưng tất cả đều hiểu đó chỉ là cách anh nói cứng trước những lời chỉ trích và che dấu sự bất lực, ức chế đến tột độ vì cơn khát bàn thắng. Bóng đá là môn thể thao đề cao tinh thần thập thể, nhưng để chinh phục danh hiệu, mỗi đội bóng cần có một ngôi sao sáng dẫn đường. Ronaldo biết điều đó khi anh ghi 60 bàn trên mọi mặt trận và là nguồn cảm hứng đưa Real Madrid tới chức vô địch La Liga mùa vừa qua - danh hiệu lớn đầu tiên của Real sau bốn năm. Ronaldo cũng thừa biết anh đang mang trên vai gánh nặng kỳ vọng của cả dân tộc, sau khi thế hệ đàn anh Figo, Rui Costa lùi lại phía sau.

Bồ Đào Nha đường nhiên không phải là Real Madrid. Khi đá cho đội quân của Mourinho, Ronaldo được hưởng lợi rất nhiều khi chơi cạnh hoặc phía sau hai cầu thủ rất giỏi làm “chim mồi” là Benzema hoặc Higuain, và những chân chuyền cự phách cỡ Oezil, Kaka, Xabi Alonso. Còn ở ĐTQG, hỗ trợ Ronaldo chỉ là Helder Postiga, trung phong hạng xoàng đá cho Zaragoza thường xuyên làm anh cáu vì xử lý thiếu quyết đoán trong các tình huống cần phối hợp, là Nani, Moutinho - hai thần đồng mãi chưa thấy lớn.

Paulo Bento vẫn chưa giải được bài toán khó - giúp Ronaldo chói sáng như ở Real Madrid. Ảnh: AFP.

Paulo Bento vẫn chưa giải được bài toán khó - giúp Ronaldo chói sáng như ở Real Madrid. Ảnh: AFP.

Trong khả năng và nguồn lực ông đang có, HLV Paulo Bento đã làm tất cả những gì cần thiết để tạo ra một hệ thống phù hợp, có thể giúp Ronaldo bùng nổ. Anh xuất phát từ biên trái, nhưng được phép tự do di chuyển vào trung lộ, thậm chí đảo cánh với Nani để tìm kiếm cơ hội. Trận thắng Đan Mạch cho thấy siêu sao 27 tuổi đã có nhiều cơ hội hơn hẳn. Điều anh còn thiếu để tỏa sáng thật sự có lẽ chỉ là một chút tự tin và một bàn thắng để giải tỏa sức ép nặng như núi.

Liệu pháp tinh thần vì thế đang được Bồ Đào Nha áp dụng triệt để. “Ronaldo là một tài năng lớn và chỉ không may hỏng ăn trong một số tình huống. Cậu ấy không chịu áp lực nào từ chúng tôi. Ronaldo đã chơi tốt trong cả hai trận vừa qua và giúp chúng tôi giải quyết một số vấn đề”, HLV này nói. “Ronaldo là cầu thủ giỏi nhất thế giới, nhưng người giỏi nhất, đôi lúc, cũng có thể sai sót. Chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với cậu ấy. Ronaldo có thể không ghi bàn, nhưng cậu ấy có thể đóng góp giúp chúng tôi tiếp cận cơ hội dễ dàng hơn”, Pepe, người ghi bàn mở tỷ số trận thắng Đan Mạch, nhấn mạnh.

Một số tên tuổi lớn ở quê nhà cũng góp tiếng nói và giúp sức với hy vọng giúp Ronaldo trút bỏ sức ép và chơi bóng với sự thoải mái trước trận cầu sinh tử. “Ronaldo ghi bàn hay không không quan trọng, miễn là Bồ Đào Nha chiến thắng. Cậu ấy cần được san sẻ gánh nặng và trách nhiệm”, Giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Bồ Đào Nha Carlos Godinho nói trên A’Bola. Cũng theo tờ báo này, cựu tiền đạo Sporting Lisbon và ĐTQG, Joao Pinto đã gọi điện cho Ronaldo liên tục trong các ngày qua để động viên, đàn em.

Tờ Record cũng góp sức cho tiền đạo thủ quân khi nhắc nhở rằng Ronaldo chỉ cần thêm một bàn nữa là vượt lên trên huyền thoại đàn anh Luis Figo đứng thứ ba trên danh sách các cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho ĐTQG.

Bảng B

Điểm Trận Thắng Hòa Thua H.Số
1Bồ Đào Nha - Hà Lan, trận chiến sinh tử ảnh 4Đức 6 2 2 0 0 2
2Bồ Đào Nha - Hà Lan, trận chiến sinh tử ảnh 5Bồ Đào Nha 3 2 1 0 1 0
3Bồ Đào Nha - Hà Lan, trận chiến sinh tử ảnh 6Đan Mạch 3 2 1 0 1 0
4Bồ Đào Nha - Hà Lan, trận chiến sinh tử ảnh 7Hà Lan 0 2 0 0 2 -2
Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast