Chiêu tự nâng giá của cầu thủ Việt

Bóng gió nói về một cuộc chia tay, úp mở điểm đến mới với mức lương, thưởng cao hơn hẳn, sẵn sàng gây sức ép để ra đi… V-League đang chứng kiến hàng chục cách “làm giá” của giới cầu thủ.

Hết V-League 2011, hợp đồng của Lê Công Vinh và Hà Nội T&T đáo hạn. Chuyện đi hay ở lại Thủ đô của cầu thủ này từng là đề tài nóng bỏng. Tiền đạo gốc Nghệ An chưa lên tiếng nhưng từ TP.HCM, người yêu của anh, ca sỹ Thủy Tiên tuyên bố cầu thủ này sẽ chuyển vào TP.HCM thi đấu.

Lê Công Vinh.

Lê Công Vinh.

Sau đó lại rộ lên tin Công Vinh được CLB Slavia Praha của Séc mời sang thi đấu, rồi tin HLV Calisto gợi ý Công Vinh qua Thái Lan đá cho Muang Thong với mức lương tới 10.000 USD/tháng. Chưa có lời đề nghị nào rõ ràng về tiền bạc dành cho Công Vinh, nhưng tiền đạo này được định giá khoảng 5 tỷ đồng/năm. Cơ sở để mức giá này xuất hiện rộng rãi xuất phát từ việc Việt Thắng từ Ninh Bình đến Bình Dương với giá ba tỷ đồng/năm. Quang Hải trước đó cũng đến Navibank Sài Gòn với mức tương tự. Việt Thắng, Quang Hải bị xếp sau Công Vinh về tài năng và hình ảnh. Có lẽ vì thế mà tiền đạo gốc Nghệ An được định giá tới 15 tỷ đồng trong ba năm.

Thực tế thì không đội bóng nào trả cho Công Vinh 15 tỷ đồng trong ba năm. Sau nhiều tin đồn, Công Vinh rốt cục ở lại Hà Nội T&T trong bản hợp đồng ba năm. Rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có những thông tin từ tuyên bố kiểu úp mở của Thủy Tiên, lời đề nghị của Calisto… Hà Nội T&T sẽ không phải chi đến 9 tỷ đồng để giữ Công Vinh lại thêm ba năm.

Hợp đồng kỷ lục 12 tỷ đồng của Lê Phước Tứ cũng có nhiều chuyện để nói. Rất nhiều ông “bầu” cho rằng, Phước Tứ là cầu thủ giỏi nhưng giá trị của anh thấp hơn nhiều con số 12 tỷ đồng mà Sài Gòn Xuân Thành phải bỏ ra. Trước khi đến Sài Gòn Xuân Thành, từng có thông tin Hải Phòng sẵn sàng trả 8 tỷ đồng đề sở hữu Phước Tứ trong hai năm. Vì thế, để thắng Hải Phòng, Sài Gòn Xuân Thành buộc phải đề nghị mức 12 tỷ trong ba năm và trở thành đội thắng cuộc. Trên thực tế, Hải Phòng không hề có ý định chiêu mộ trung vệ này.

Tương tự Phước Tứ là Quang Hải. Thời điểm Hải “gà” tuyên bố rời Khánh Hòa, cũng xuất hiện thông tin Hải Phòng muốn mời chân sút luôn đeo áo số 13 này ra Bắc. Thông tin này cũng khẳng định, Hải Phòng có thể trả cho Quang Hải 6 tỷ đồng trong hai năm. Thực tế thì Hải Phòng có liên lạc với Hải “gà” nhưng số tiền họ “mặc cả” chỉ là 5 tỷ đông cho hai năm cống hiến…

“Bầu” Trường của Ninh Bình nói rằng, giá cầu thủ nội tăng phi mã phần vì bàn tay của các “cò” cầu thủ, phần quan trọng cũng nhờ vào cách tự quảng cáo của các cầu thủ. Ông Trường cũng cho rằng, chẳng riêng những bản hợp đồng tiền tỷ, những cầu thủ ít tên tuổi cũng biết cách tự đánh bóng mình. Ông Trường gọi đây là “nghệ thuật làm giá” của giới cầu thủ nội.

Chính những thông tin ma không có ai kiểm chứng này đã làm nhiễu loạn các ông bầu và là lý do bầu Trường của Ninh Bình muốn gửi niềm tin tới các nhà môi giới chuyên nghiệp với những thông tin mua bán minh bạch.

Ngoài chiêu đánh bóng, cầu thủ nội còn sẵn sàng vi phạm kỷ luật, bỏ tập không lý do để được ra đi. Chiêu này theo “bầu’ Trường được thực hiện một cách khéo léo theo kiểu lấy lý do chấn thương hay bận việc nhà.

Cầu thủ nội có thể khéo léo đình công để ra đi. Nhưng cầu thủ ngoại, đình công đòi ra đi hoặc vòi thêm tiền theo cách khác. Samson Kayode là công thần của Đồng Tháp trong hai năm nay. Nhưng trước V-League 2011, đội này từng phải cay đắng chi thêm 100.000 USD cho tiền đạo người Nigieria. Thời điểm đó, Samson vẫn còn hợp đồng một năm với Đồng Tháp. Nhưng chân sút này muốn phá bĩnh đến Hà Nội T&T. Đồng Tháp sau khi dọa Samson bằng lý, vẫn phải chi thêm cho anh này 100.000 USD.

Leandro.
Leandro.

Tiền vệ Leandro người Brazil từng nổi đình nổi đám ở Hải Phòng. Trước V-League 2011, chân sút này đòi Hải Phòng phải chi 300.000 USD “lót tay” một năm cộng mức lương 20.000 USD mới chịu ở lại. Nếu không, anh sẽ chuyển đến Hà Nội ACB nơi “bầu” Kiên sẵn sàng trả mức giá này. Hải Phòng sau đó đã lắc đầu nhưng Leandro vẫn đến Bình Dương với mức đãi ngộ tương đương mức anh “làm giá” với Hải Phòng. Thực tế “bầu” Kiên không mua Leandro.

“Cầu thủ ngày nay rất ghê gớm. Họ có thể làm mọi cách để ra đi, làm mọi cách để có được mức tiền cao nhất. Đó là một trong những lý do khiến giá cầu thủ tăng phi mã. HA Gia Lai không bao giờ chạy theo những cầu thủ kiểu này. Có lẽ phải đến khi các CLB ngồi lại với nhau. VFF có chế tài quản lý cầu thủ, quản lý thị trường chuyển nhượng, chuyện giá cả bất hợp lý mới được chấm dứt”, ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai bình luận.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast