Khi các huấn luyện viên Việt nhút nhát

Có lẽ giới truyền thông đã quên mất một điều rất quan trọng khi thổi bùng khát vọng đội tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên Việt Nam, là không thực hiện các cuộc thăm dò nào đó cho các ứng viên mà họ đề xuất và ủng hộ. Thế nên mới có chuyện là huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức, người có vẻ nhận được nhiều “phiếu bầu” nhất lại là người tuyên bố rút lui đầu tiên.

Ban đầu thì có thể lời mời và cách mời của Liên đoàn với các huấn luyện viên (HLV) nội còn có cái để người ta nghi ngờ là mời cho đủ thủ tục và mời cho sau này không bị báo chí tẩn nếu ngộ nhỡ đội tuyển thất bát. Nhưng đến giờ thì có thể tin là Liên đoàn thiết tha với HLV nội thật: lương 200 triệu đồng/tháng, và thậm chí quên cả một nguyên tắc đặt ra ngay từ khi còn phù thủy Calisto là HLV đội tuyển không được kiêm nhiệm.

Chỉ tiếc là khi liên đoàn thiết tha và dư luận hồi hộp chờ đợi thì những HLV được khoanh vùng và được mời đều chỉ chấp nhận lên tuyển có điều kiện: Họ vẫn giữ ghế ở CLB rồi lên tuyển làm bán thời gian. Đó là HLV Mai Đức Chung ở Navibank Sài Gòn và Phan Thanh Hùng ở Hà Nội.T&T.

Điều kiện ấy giống như một sự thách đố rất khó chấp nhận vì làm HLV CLB kiêm nhiệm đội tuyển trên thế giới trước nay đại đa số là thất bại, trong đó có Oleg Romansev và cả Guus Hiddink. Và nó cũng như một cơ sở để suy luận rằng, giữ ghế ở CLB là giữ một chỗ phòng thân nếu như không thành công với đội tuyển, trong khi tiền lót tay cả tỉ đồng và tiền lương vài chục triệu mỗi tháng không bị suy suyển. Rất khó nếu không muốn nói là không thể cho rằng đó là sự dũng cảm và tự tin.

Lê Huỳnh Đức, ứng viên nội sáng giá nhất cho ghế huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam
Lê Huỳnh Đức, ứng viên nội sáng giá nhất cho ghế huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam

Còn nhớ, có lần HLV Trần Văn Khánh, vị HLV tạm quyền của đội tuyển Việt Nam ở trận đấu cuối cùng vòng bảng Tiger Cup 2004 (thay cho ông Tavares bị sa thải) thổ lộ về sự trải nghiệm khi ngồi ghế HLV trưởng, rằng một cảm xúc đặc biệt, một sự tự hào lớn lao dâng lên trong ông dù xung quanh nhiều sức ép muốn xem đội tuyển Việt Nam kết thúc vòng bảng theo cách nào (đá với Campuchia).

Thế mới nói, tự bản thân mọi người đều biết làm HLV đội tuyển là vinh dự, là cơ hội với nhiều người là có một không hai, là thứ không nên đem ra để mặc cả.

Không hiểu, trong số những người đặt cửa cho HLV nội trong cuộc “tỷ thí” với thầy ngoại trước chiếc ghế trống của ông Tô bỏ lại, có ai không cảm thấy bị tổn thương trước những diễn biến xảy ra suốt hơn 1 tháng vừa qua? Hay đơn giản hơn là hối tiếc vì đã ủng hộ lầm một số HLV nội được chấm? Hay cay cú là tuyên bố sẽ cạch HLV nội và quay sang ủng hộ HLV ngoại cho đội tuyển?

Chỉ biết rằng cảm giác là rất giống với vụ xe hơi Toyota sản xuất (hay lắp ráp) ở Việt Nam mới bị tố cáo là cố tình phớt lờ nhiều lỗi kỹ thuật, có thể gây tai nạn nghiêm trọng. Trong khi cả nước đang đề cao giảm nhập khẩu và nhất là giảm các mặt hàng xa xỉ, trong đó có xe hơi, thì rõ ràng vụ Toyota có lẽ khiến cho nhiều người chuẩn bị sắm xe hơi dù có muốn mua chiếc “Made in Vietnam” cũng cố thêm ít tiền để mua xe nhập.

Giờ thì cầu mong cho đội tuyển Việt Nam sẽ có một tướng tài, là Tây cũng được.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast