Từ nỗi đau của khát vọng

Một khát vọng từ sân cỏ bị dập tắt, nhưng dư âm của nỗi đau sân cỏ còn dày vò dai dẳng những tấm lòng những người hâm mộ Việt Nam, đặc biệt là những trái tim tuổi trẻ.

Trận đấu càng mang tính quyết liệt, những giọt nước mắt đắng cay càng thêm cay đắng cho người vừa vấp ngã đang tự trách mình. Điều đó đã xảy ra cho U23 Việt Nam trong trận chung kết chiều 18/12/2009 mà dư âm nghiệt ngã của chiến bại đang đòi hỏi những phân tích tỉnh táo để có những bài học xứng đáng cho bóng đá Việt Nam. Nhưng, quan trọng hơn nữa là để hiểu sâu hơn, kỹ hơn khát vọng của những người trong cuộc, bao gồm những cầu thủ và những người hâm mộ họ với số lượng đông gấp triệu lần.

Quả thật, nếu có chiếc cúp đẹp hơn, to hơn, hoành tráng hơn chiếc cúp mà đội Malaysia vừa nâng cao vào phút đăng quang sau trận chung kết, thì chiếc cúp ấy nên dành cho "những người trong cuộc ở bên ngoài sân cỏ": người hâm mộ Việt Nam! Số cổ động viên Việt Nam có mặt trên sân Chao Anouvong trận chung kết là hai vạn người! Và, không kém quan trọng là hàng triệu người khác, đa số là lớp trẻ, ngồi cạnh màn hình theo dõi trận đấu. Họ đang trong tư thế sẵn sàng "xung trận" trên đường phố với cờ tổ quốc các kiểu: từ loại cờ đại cho đến cờ đuôi nheo, kèm theo là bất kể những dụng cụ nào có thể phát ra âm thanh, không câu nệ là trống, mõ, kèn loa hay soong chảo, nồi đồng, nồi nhôm... để chào mừng chiến thắng!

Thế rồi niềm vui chuẩn bị bùng nổ sửng sốt tắt lịm đi. Điều kỳ diệu đã không đến, chỉ có sự thật phũ phàng sừng sững! Cả biển người chết lặng đi trước sự thật phũ phàng ấy, lặng lẽ cuốn cờ, nặng nề lê bước rời sân cỏ.

Nhưng không chỉ ở sân Chao Anouvong ở Vientiane. Hãy nhìn vào mắt những chàng sinh viên nghèo ôm những bó cờ vừa gom lại ở ngả sáu đường Hoàng Văn Thụ - Cộng hòa ở TPHCM, những bó cờ ế ẩm mà họ nhẩm tính sẽ bán hết và có thể còn phải "sản xuất" thêm để đủ cung ứng cho những người sẽ ùa ra đường hòa vào dòng chảy dạt dào trên đường phố mừng chiến thắng bóng đá vô địch SES Games! Những ánh mắt thẫn thờ của các chàng trai cô gái trên dòng xe chạy chậm bên Bờ Hồ của Hà Nội mà không khí đang trầm hẳn xuống.

Nhìn, để thấy ra nỗi đau trĩu nặng cần phải được giải tỏa là cam go đến thế nào. Mà đâu chỉ có họ đang lặng lẽ "cuốn cờ", bước những bước nặng nhọc trên đường phố ủ ê. Những người đứng ngồi bên vỉa hè đường phố đủ các lứa tuổi dường như cũng lặng lẽ hơn, trầm tư hơn. Những chiến sĩ cảnh sát túc trực trên các chốt đường tuy thở phào nhẹ nhõm vì chắc chắn sẽ không phải vất và quyết liệt ngăn chặn những cơn lốc liều lĩnh của đám "quái xế" mượn gió bẻ măng để đua xe, song nếu nhìn kỹ sẽ thấy nét mặt các anh cũng không dấu được sự tiếc nuối cho một khát vọng tan thành mây khói.

Nỗi đau này được "chung chi" cho nhau và cùng nhau san sẻ những luận bàn, những xét đoán, những lý giải.

Cũng đã có những lời trách cứ về cơn lốc ngôn từ lời quá bốc đồng mà một số tờ báo dồn cho trận chung kết, rồi những cái tít phản cảm không phù hợp với tinh thần thể thao. Nhưng dù sao đấy cũng chỉ là chốc lát và muôn một. Điều cần suy nghĩ nhiều hơn là phải nhìn cho ra cái chiều sâu của sự kiện.

Cái chiều sâu của sự kiện cần suy ngẫm vào thời điểm này phải là sức mạnh tiềm ẩn bên trong khát vọng vừa bị dập tắt ấy. Trước hết là những dồn chứa trong sức trẻ, những gợn sóng dập dồn theo nhịp đập của trái tim của thế hệ đang giữ nhịp cho sự phát triển của đất nước bước vào thế kỷ XXI.

Lá cờ đỏ sao vàng được vẽ trên đôi mà cô gái Việt với lá cờ mặt trời mọc trên má cô gái Nhật đều là biểu tượng thật đẹp của niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước. Vâng. Yêu nước, tình yêu cao cả và vĩ đại ấy lại bắt nguồn từ những cái cụ thể nhất, gần gũi nhất. Ai đó đã từng viết rất hay "Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Yêu cái cây trồng ở trước nhà. Yêu dãy phố nhỏ đổ ra bờ sông. Yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu..."!

Cho nên khi những chàng trai cô gái phất cao lá cờ đỏ sao vàng, nhào ra đường phố, hòa vào dòng sông người đang cuồn cuộn chảy để được tắm mình trong niềm hân hoan vừa huyền ảo vừa cụ thể của lòng yêu nước, của niềm tự hào dân tộc thì đó là những phút thăng hoa đáng trân trọng nhất. Thử hỏi, tuổi trẻ của chúng ta đang có những sân chơi nào, những hoạt động hấp dẫn nào, những tấm gương nào có tác dụng giục giã hành động cao cả, những sức mạnh của niềm tin nóng bỏng nào đủ để cuốn hút sinh lực trẻ tuôn chảy vào trong dòng sông cuộc sống mà họ đang giữ nhịp cho tốc độ dòng chảy?

Liệu có phải bên trong hành động phất cao lá cờ tổ quốc , những đợt sóng hò reo không mệt mỏi ấy là sự thể hiện một cách hồn nhiên nhất, trong sáng nhất, thật nhất sức năng động tự thân của lớp trẻ. Lá cờ đỏ sao vàng trong tay những thanh niên, sinh viên, những chàng trai cô gái tràn đầy sinh lực của dân tộc ấy, dù phất lên trên đấu trường thể thao Đông Nam Á, hay trong cuộc tuần hành khẳng định Hoàng Sa Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm, dù trải dài thành một thảm đỏ trên khán đài nhấp nhô theo từng đợt sóng âm thanh tràn đầy niềm vui, hay những lá cờ có kích thước vừa phải trong cánh tay phất lên biểu thị lòng phẫn nộ trước hành động cướp biển của những chiếc "tàu lạ" song thủ đoạn nham hiểm thì rất quen, đều cùng chung một ý nghĩa.

Tạo điều kiện cho sức năng động tự thân của tuổi trẻ được bừng nở bằng chính bản lĩnh tự khẳng định của họ với nhận thức một cách dứt khoát rằng: tuổi trẻ là chủ thể của cuộc sống hôm nay, chủ thể của sự nghiệp phát triển đất nước trong một bối cảnh mới chính là đòi hỏi mạnh mẽ nhất và thiết thực nhất. Phải chăng đó là điều cần suy nghĩ từ nỗi đau của một khát vọng bị dập tắt với sự kiện bóng đá vừa rồi?

Cần suy nghĩ để thấy cho ra trong sức năng động tự thân của tuổi trẻ đang tiềm ẩn sức sống mãnh liệt của dân tộc. Đây không là một tranh luận thuần lý thuyết. Đây là hiện thực đã trải nghiệm, được thể hiện trong dòng chảy bất tận của lịch sử dân tộc mấy nghìn năm.

Bằng những bài học lịch sử, dân tộc ta càng thấm thía một điều: cứ vào những lúc bị dồn vào chân tường, sức sống dân tộc lại trỗi dậy, ông cha ta lại tìm ra được hướng tháo gỡ. Đây là điều không phải tự chúng ta nói lên. "Lịch sử cố xưa và hiện đại của đất nước này cho thấy một điều kỳ diệu: họ luôn tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải"! Đó là nhận định của một học giả Pháp đã quá quen thuộc với nhiều lần trích dẫn.

Thấy cho ra sức năng động tự thân của tuổi trẻ đang tiềm ẩn sức sống mãnh liệt của dân tộc để tìm cách hướng sức mạnh tiềm ẩn đó vào dòng chủ lưu của cuộc sống. Trong dòng chủ lưu ấy, sức trẻ phải được khẳng định. Đây là điều không mới, thậm chí, đây là sản phẩm của dòng tư duy được hình thành cách đây hàng thế kỷ , dòng tư duy "Khai Sáng".

Theo Emmanuel Kant, "Khai sáng là sự vượt thoát của con người khỏi trạng thái vị thành niên tự kỷ. Tính vị thành niên là tình trạng bất lực của của con người trong việc sử dụng nhận thức của chính mình mà không có sự hướng dẫn của người khác."

Kant nói rõ rằng, nguyên nhân của tính tự kỷ không chỉ là thiếu lý trí mà là thiếu sự quyết đoán và dũng khí để sử dụng nó chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải phụ thuộc vào sự chỉ đạo, dẫn dắt của ai đó. Đấy chính là điều mà tuổi trẻ của chúng ta hôm nay cần nhận thức để rèn cho mình một bản lĩnh tự khẳng định. Với bản lĩnh đó, thế hệ trẻ phải biết vượt ra khỏi "trạng thái vị thành niên tự kỷ ".

Muốn thế, những bậc cha anh phải tạo điều kiện cho họ, phải rũ bỏ trong đầu óc và trong hành động, trong ứng xử của chính mình luôn xem họ là những con cháu cần dẫn dắt, cần "cầm tay chỉ việc" mà không dám trao trách nhiệm cho họ. Sự chuyển giao thế hệ luôn luôn là một tất yếu của phát triển, càng chậm trễ, càng kìm hãm sự phát triển.

Nỗi đau của khát vọng bị dập tắt trên sân cỏ đang đặt ra trong chính cuộc đời ngoài sân cỏ! Những vấn đề đắt ra từ nỗi đau của khát vọng trên sân cỏ ấy, thật ra, chỉ có thể giải quyết từ bên ngoài sân cỏ, trong chính cuộc sống đất nước đang đầy rẫy những thách thức để từ thách thức mà phát hiện ra cơ hội, chớp lấy thời cơ để đi tới.

Nguồn: Vnn.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast