VFF và những ''trái đắng'' HLV ngoại

16 năm qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam tin dùng 8 HLV người nước ngoài. Hầu hết số này bị sa thải hoặc ép thôi việc sau mỗi lần đội tuyển quốc gia hoặc U23 Việt Nam thất bại. Năm 1991 bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với khu vực. Các kỳ SEA Games 1991 và 1993 dưới sự dẫn dắt của các HLV nội, tuyển Việt Nam không qua nổi vòng đấu bảng. Thất bại khiến VFF thay đổi quan điểm và thuê HLV ngoại cho tuyển Việt Nam.

Edson Tavares người Brazil là HLV ngoại đầu tiên được VFF thuê vào năm 1995. Chỉ làm việc một thời gian ngắn nhưng Tavares đã để lại dấu ấn lớn khi đưa hai đội tuyển Việt Nam (A và B) vào bán kết Cup Độc Lập tổ chức tại TP HCM. Tuy nhiên, ông thầy người Brazil sau đó lại rút lui mà không đưa ra lý do cụ thể nào.

Thay cho Tavares, VFF mời được Karl Heiz Weigang - người từng đưa đội tuyển miền Nam Việt Nam giành Cup Merdeka năm 1966, trở lại. Dưới tay Weigang, tuyển Việt Nam giành HCB SEA Games 18 tổ chức tại Chiang Mai (Thái Lan) năm 1995. Một năm sau đó, Weigang tiếp tục giúp tuyển Việt Nam giành HCĐ ở Tiger Cup 1996. Sau giải này, vị HLV người Đức bị ép rời tuyển Việt Nam vì bất đồng quan điểm với VFF.

Chia tay Karl Weigang, tuyển Việt Nam lần đầu có HLV người Anh, ông Colin Murphy. Vị HLV người Anh sau đó đã đưa tuyển Việt Nam giành HCĐ ở SEA Games 1997 rồi rời Việt Nam vì hết hợp đồng.

Alfred Riedl nhận được một khoản tiền bồi thường lớn khi bị ép từ chức hồi năm 2007. Ảnh: Minh Kha.

Alfred Riedl nhận được một khoản tiền bồi thường lớn khi bị ép từ chức hồi năm 2007. Ảnh: Minh Kha.

Tiger Cup 1998 tổ chức trên sân nhà, VFF đặt kỳ vọng vào HLV người Áo, Alfred Riedl cho mục tiêu đưa tuyển Việt Nam giành Cup vô địch. Đã vào tới chung kết nhưng ngay tại sân Hàng Đẫy, A.Riedl bất lực nhìn Singapore đăng quang sau khi đánh bại tuyển Việt Nam bằng bàn thắng duy nhất của trung vệ cao lớn Sasi Kumar. Một năm sau A.Riedl đưa tuyển Việt Nam giành HCB SEA Games 1999. Năm 2000, tuyển Việt Nam chỉ đứng thứ tư ở Tiger Cup và A.Riedl bị VFF sa thải.

Năm 2001, VFF tin dùng HLV Edson Silva Dido người Brazil. SEA Games 2001 dưới tay Dido, U23 Việt Nam chơi dở, bị loại ngay từ vòng bảng. Ông thầy người Brazil nhanh chóng bị VFF sa thải vì thành tích tệ hại này. VFF sau đó ký hợp đồng với Christian Letard - HLV người Pháp. Nhưng chỉ 5 tháng sau, tổ chức này sa thải Letard.

SEA Games 2003 tổ chức tại Việt Nam, VFF một lần nữa đặt niềm tin vào A.Riedl. Dù được xem là có lực lượng mạnh nhất với thế hệ của Văn Quyến, Quốc Vượng, Huy Hoàng… nhưng U23 Việt Nam chỉ giành HCB sau khi thua Thái Lan trong trận chung kết. Chia tay A.Riedl, VFF dùng lại HLV Edson Tavares. Nhưng ông thầy người Brazil nhanh chóng bị sa thải thải khi tuyển Việt Nam chưa đi hết vòng đấu bảng Tiger Cup 2004.

A.Riedl lần thứ ba ngồi lên ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam sau khi ký hợp đồng với VFF vào năm 2005. Dưới tay Riedl dẫn dắt lần thứ ba, U23 Việt Nam giành HCB ở SEA Games 2005, tuyển quốc gia vào tứ kết Asian Cup 2007. Tuy nhiên, ông thầy người Áo bị sa thải vào cuối năm 2007 sau khi U23 Việt Nam bị Myanmar đánh bại ở bán kết SEA Games.

HLV ngoại bị mất việc tiếp theo là Henrique Calisto. Từng vô địch AFF Cup 2008 nhưng sau thất bại trước Malaysia ở bán kết AFF Cup 2010, ông Calisto xin từ chức vì áp lực thành tích mà VFF đặt ra trong bản hợp đồng mới. Trường hợp Falko Goetz là HLV ngoại mới nhất bị VFF sa thải sau khi U23 Việt Nam không giành nổi chiếc HCĐ ở SEA Games 26.

Ở những lần sa thải A.Riedl, Tavares hay Silva Dido… VFF chỉ phải đền bù ba tháng lương. Nhưng với trường hợp của Christian Letard, tổ chức này phải mất tới 197.800 USD khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông này. HLV Letard ký hợp đồng có thời hạn hai năm với VFF hồi tháng 3/2002. Sau 5 tháng làm việc, ông bị đánh giá là kém tài bởi U23 Việt Nam thua tan nát ở giải giao hữu mang tên LG Cup.

VFF sau đó đã quyết định sa thải Letard và chấp nhận đền ba tháng lương (tương đương 27.000 USD). Christian Letard không đồng ý với phương án này. Ông đòi được trả đủ lương tới tháng 11/2003 với số tiền là 140.000 USD. Không tìm được tiếng nói chung, Letard đã kiện VFF tới FIFA và Tóa án thể thao Quốc tế (CAS). CAS sau đó đã đưa ra quyết định cuối cùng vào năm 2005. Theo đó, vì phá hợp đồng không đúng cách, VFF phải bồi thường cho Christian Letard số tiền 197.000 USD. Vì “cú phốt này”, Tổng thư ký VFF khi đó là ông Phạm Ngọc Viễn đã phải rời ghế. “Vụ Letard” được xem là “quả đắng” nhất mà VFF phải nhận trong mối quan hệ với các HLV ngoại.

Tháng 6/2011, VFF ký hợp đồng với HLV Falko Goetz theo thời hạn hai năm. Tuy nhiên, sau SEA Games 26 vừa qua tại Indonesia, tổ chức này bất ngờ quyết định sa thải ông thầy người Đức vào ngày 22/12/2011. Đơn phương chấm dứt hợp đồng với Falko Goetz, theo các chuyên gia, VFF khó gặp lại “quả đắng” như vụ Letard bởi như tiết lộ của chính HLV người Đức, chỉ cần đền bù ba tháng lương, VFF có thể chia tay ông trong êm đẹp.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast