Cạn tiền, quá trình phá hủy vũ khí hóa học Syria gián đoạn?

Kinh phí để thực hiện công việc giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria chỉ còn được đảm bảo đến cuối tháng 11/2013.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) thực hiện nhiệm vụ giải giáp kho vũ khí hóa học dự trữ ở Syria hiện chỉ còn đủ kinh phí để có thể đảm bảo thực hiện công việc đến cuối tháng này. Cơ quan này sẽ cần thêm tiền để có thể tiếp tục công việc vào năm sau.

Mặc dù vậy, một quan chức của OPCW bày tỏ tin tưởng rằng, họ sẽ sớm được cấp thêm kinh phí để quá trình giải giáp vũ khí không bị gián đoạn.

Chuyên gia tiến hành thu thập mẫu vật để tìm kiếm bằng chứng về vũ khí hóa học ở Syria (Ảnh: AP)
Chuyên gia tiến hành thu thập mẫu vật để tìm kiếm bằng chứng về vũ khí hóa học ở Syria (Ảnh: AP)

Cho đến nay, mức kinh phí mà OPCW ước tính để thực hiện việc kiểm tra các kho vũ khí hóa học của Syria theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ hồi tháng 9 là khoảng 13,5 triệu USD. Tuy nhiên, để phá hủy hơn 1.000 tấn vũ khí hóa học mà Syria tuyên bố sở hữu, kinh phí cần thiết sẽ gấp nhiều lần con số trên.

Theo một tài liệu được OPCW cung cấp cho hãng tin Reuters, các lãnh đạo của tổ chức này cho rằng, kinh phí để trang trải cho các nhân viên của họ đang thực hiện sứ mệnh ở Syria chỉ còn đủ đến cuối tháng 11/2013.

Cho đến nay, tất cả số vũ khí và chất độc hóa học dự trữ đã được niêm phong cẩn thận và đặt dưới sự giám sát của OPCW. Tuy nhiên, việc tiêu hủy số vũ khí, các hóa chất này có thể phải được thực hiện ở nước ngoài và sẽ tốn kém rất nhiều tiền.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước đó đã nói rằng, tổng chi phí để phá hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học dự trữ của nước này có thể lên đến 1 tỷ USD. Trong khi đó, các chuyên gia vũ khí cho rằng, kinh phí sẽ ít hơn nhưng vẫn có thể lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu USD, tùy thuộc vào cách thức tiêu hủy.

Ông Malik Ellahi, một cố vấn cấp cao của OPCW nói: “Việc tiêu hủy sẽ cần nguồn tài trợ đáng kể. Các bên liên quan rất quyết tâm để thực hiện công việc nhưng họ đã không tính toán trước mọi tình huống để đảm bảo quá trình này không bị gián đoạn”.

Trả lời hãng tin Reuters, ông Ellahi nói: “Bản thân Syria không thể tự lo được nguồn kinh phí để thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Các quốc gia có liên quan đang nghiêm túc làm việc để tìm ra giải pháp và chúng tôi mong rằng sẽ không có bất cứ một bế tắc tài chính nào ở đây”.

Cho đến nay, Mỹ là quốc gia có đóng góp nhiều nhất vào quỹ chung của OPCW và Liên Hợp Quốc để thực hiện nhiệm vụ ở Syria. Ngoài ra, Anh, Canada, Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ cũng đóng góp 1 phần vào quỹ này. Số tiền mà Washington đã đóng góp là 6 triệu USD.

Tháng 9/2013, theo đề xuất của Nga – Mỹ, Syria đã đồng ý để quốc tế giải giáp hoàn toàn kho vũ khí hóa học dự trữ của nước này vào giữa năm 2014. Đây là động thái của Chính quyền ông Assad nhằm ngăn chặn Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự vào Syria sau vụ tấn công ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus làm hơn 1.400 người thiệt mạng.

Chi phí tăng cao

Cho đến trước tháng 9/2013, Syria là một trong 7 nước duy nhất không tham gia Công ước quốc tế cấm vũ khí hóa học buộc các nước phải tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học của mình.

Việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad ký văn kiện gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học là bước đi quan trọng thực hiện thỏa thuận Nga - Mỹ, nhằm tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học tại Syria và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho quốc gia Trung Đông này.

Cuộc nội chiến ở Syria đã làm hơn 100.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa (Ảnh: Reuters)
Cuộc nội chiến ở Syria đã làm hơn 100.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa (Ảnh: Reuters)

Chi phí nhân sự có thể được nguồn ngân sách của OPCW đáp ứng, nhưng tổ chức này vẫn cần một nguồn kinh phí bổ sung đáng kể để thực hiện công việc ở Syria.

Ngày 5/11, trong một tuyên bố, OPCW cho biết, phái đoàn của Syria đã có mặt ở thành phố Hague, Hà Lan để bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm hoàn thiện kế hoạch phá hủy vũ khí hóa học.

Hiện OPCW và phía Syria cần phải thảo luận để thống nhất quan điểm về một kế hoạch chi tiết vào giữa tháng 11, kế hoạch này sẽ bàn đến cách thức và địa điểm để tiến hành tiêu hủy các hóa chất độc hại bao gồm khí sarin, mustard, VX.

Tuần trước, OPCW cho biết, các chuyên gia của họ đã hoàn thành kiểm tra 21 trong tổng số 23 địa điểm cất trữ vũ khí hóa học trên khắp lãnh thổ Syria trước thời hạn chót là ngày 1/11.

Hai địa điểm còn lại là những khu vực giao tranh ác liệt, không đảm bảo an toàn cho các chuyên gia thực hiện công việc. Tuy nhiên, những thiết bị quan trọng ở 2 địa điểm này đã được chuyển đến khu vực an toàn hơn để kiểm tra.

Theo các tài liệu do Syria cung cấp, Chính phủ của ông Assad sở hữu 30 cơ sở sản xuất, 8 kho phụ và 3 cơ sở phụ trợ để chế tạo vũ khí hóa học. Cũng theo các tài liệu này, Syria hiện có 1.000 tấn vũ khí hóa học dự trữ, chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô, 290 tấn vũ khí, đạn dược và 1.230 đơn vị vũ khí chưa thành phẩm.

Ngày 5/11, OPCW có thông báo cho biết, họ đã tiến hành phá hủy 99 đơn vị vũ khí và các đầu đạn tại một địa điểm cất giữ cùng với 55 đơn vị vũ khí tại một địa điểm khác. Các chuyên gia của OPCW cũng đã bắt đầu công việc tương tự tại 5 địa điểm khác.

Thông báo ngày 5/11 cũng cho biết, đã có 4 quốc gia hứa hẹn cung cấp thêm 2,7 triệu euro cho quỹ của OPCW. Đức, Italy và Hà Lan cũng hứa cung cấp phương tiện vận tải hàng không có các thành viên OPCW đến Syria, trong khi các nước khác ở Châu Âu và Mỹ sẽ cung cấp xe bọc thép phục vụ việc di chuyển của các chuyên gia OPCW ở Syria.

Vũ khí hóa học Syria có thể được hủy ở nước ngoài

Anh cũng đã cam kết chi 3 triệu USD để hỗ trợ giải giáp vũ khí hóa học ở Syria trong khi Nga, Pháp và Trung Quốc cho biết, họ sẽ cử đến đây các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật đến để hỗ trợ quá trình này.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov ngày 2/11 cho biết phần lớn kho vũ khí hóa học của Damascus có thể được tiêu hủy bên ngoài Syria, do các cuộc đụng độ vẫn diễn ra dữ dội giữa phe nổi dậy và quân chính phủ.

Đại diện của OPCW và Liên Hợp Quốc cho biết, hiện nay các cuộc thương lượng đang được tiến hành giữa các đại diện của Nga, Mỹ và chính quyền Syria, với các nước sẵn sàng cung cấp địa điểm để tiêu hủy, vô hiệu hóa số vũ khí hóa học của Syria. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, các quốc gia này bao gồm Albania, Bỉ và một đất nước Bắc Âu không xác định.

Nguồn tin này cũng cho hay, các công ty Mỹ, Đức và Pháp đang cạnh tranh rất quyết liệt để có thể giành được hợp đồng cung cấp các thiết bị phục vụ công tác phá hủy vũ khí hóa học ở Syria.

Kể từ khi được thành lập theo Công ước Vũ khí hóa học năm 1997, theo ước tính, OPCW đã tiêu hủy khoảng 50.000 tấn vũ khí độc hại, tương đương với khoảng 80% lượng chất độc hóa học trong kho dự trữ của toàn thế gi[í.

Cường Trần/VOV online (theo Reuters)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast