Cuộc đấu ngầm giữa Tân tổng thống Ai Cập và quân đội

Phán quyết của Toà án Ai Cập được xem như một cách gián tiếp tuyên bố sắc lệnh của Tổng thống Mursi là vô hiệu lực.

Tòa án Hiến pháp Tối cao của Ai Cập (SCC) ngày 9/7 đã tuyên bố rằng, mọi phán quyết của Tòa án là quyết định cuối cùng, mang tính bắt buộc phải thực hiện và không thể bị thách thức. Như vậy, đây có thể coi là một cách gián tiếp tuyên bố sắc lệnh của Tổng thống Mohamed Mursi vô hiệu lực. Theo các nhà phân tích chính trị, điều này có thể mở ra một cuộc chiến công khai giữa tân Tổng thống Mohamed Mursi và Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF).

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã ban hành sắc lệnh cho sự trở lại của Quốc hội đã bị giải thể, động thái được xem như một thách thức đối với quân đội hùng mạnh đã thi hành quyết định của tòa án để giải tán cơ quan lập pháp Hồi giáo lãnh đạo (Ảnh: AFP)
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã ban hành sắc lệnh cho sự trở lại của Quốc hội đã bị giải thể, động thái được xem như một thách thức đối với quân đội hùng mạnh đã thi hành quyết định của tòa án để giải tán cơ quan lập pháp Hồi giáo lãnh đạo (Ảnh: AFP)

Tòa án Hiến pháp Tối cao của Ai Cập nhấn mạnh mọi phán quyết do Tòa án này đưa ra là quyết định cuối cùng và đáng tin cậy nhất, không một thể chế hoặc cá nhân nào có thể kháng cáo.

Trước đó, ngày 14/6 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Tối cao của Ai Cập đã phán quyết rằng 1/3 số ghế trong Quốc hội được bầu đầu năm nay là không hợp lệ, đồng thời Luật Cách ly chính trị cấm các quan chức chế độ cũ hoạt động chính trị là vi hiến.

Quyết định này của Tòa án Hiến pháp Tối cao đã khơi mào cho những căng thẳng chính trị mới tại Ai Cập. Vì hiện quân đội và Tổ chức Anh em Hồi giáo đang tranh cãi về cách chia sẻ quyền lực tại đất nước mà ở thời điểm hiện tại không có quốc hội, không có hiến pháp và không có một con đường rõ ràng để tiến tới dân chủ.

Ngay lập tức, bám vào phán quyết này của Toà án Hiến pháp tối cao Ai Cập, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang đã “ra tay” trước bằng việc ban hành Hiến pháp lâm thời sau khi dùng quyền hạn của Tòa án tối cao ra phán quyết cho rằng luật bầu cử áp dụng cho cuộc bầu cử tổng thống là trái với hiến pháp. Đồng thời sau đó, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang đã ra lệnh giải tán Quốc hội do Tổ chức Anh em Hồi giáo kiểm soát.

Còn Tổng thống mới đắc cử của Ai Cập Mohamed Mursi ngay sau khi nhậm chức cũng dường như đã bắt đầu “đòn phản công” đầu tiên đối với Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) cầm quyền, sau khi ban hành sắc lệnh phục hồi lại Quốc hội vốn bị Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang giải tán tháng trước, đồng thời kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội mới trong vòng 2 tháng khi hiến pháp mới được phê chuẩn.

Theo giới phân tích, sắc lệnh của Tổng thống Mursi có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang, vốn lãnh đạo chính quyền lâm thời của Ai Cập trước khi chuyển giao quyền lực cho ông Mursi hôm 30/6. Nhà phân tích chính trị Hala Mustafa thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính trị của nhà nước al-Ahram nhận định: “Quyết định này chỉ là dấu hiệu mới nhất của cuộc đấu tranh giành quyền lực không thể tránh khỏi giữa một bên là Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang với một bên là Tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống.”

Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch Quốc hội Ai Cập do phe Hồi giáo đứng đầu, ông Saad el-Katatni ngày 9/7 kêu gọi các thành viên của Hạ viện nhóm họp vào trưa 10/7 để xem xét quyết định của Tổng thống Mursi./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast