Dư luận quốc tế về Đại hội Đảng XI

Bắt đầu từ hôm nay, gần 1.400 đại biểu đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên TTXVN tại Sedney dẫn nguồn tin của Đài Australia và Chương trình "Liên kết châu Á" của Hãng tin ABC (Australia) ngày 10/1 cho rằng: Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ bầu và sắp xếp lại nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới (nhiệm kỳ 2011-2015), đồng thời đưa ra những chiến lược kinh tế - xã hội trong 10 năm tới (2011-2020).

Năm nay, độ tuổi trung bình của các đại biểu có xu hướng trẻ hơn các khóa trước. Các kỳ đại hội trước thường diễn ra trong vòng 4-5 ngày, nhưng đại hội năm nay sẽ diễn ra trong vòng 9 ngày (bế mạc vào ngày 19/1) để các đại biểu có thời gian bàn bạc và xem xét các vấn đề kỹ lưỡng.

Với mục tiêu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 trở thành "một nước công nghiệp hiện đại", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam cần có lực lượng lao động dồi dào và chất lượng tay nghề cao cùng một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra bản báo cáo và đề xuất kế hoạch cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 5 năm tới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Theo bản báo cáo, chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đưa Việt Nam thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình khoảng 2.000 USD/năm.

Chính phủ cũng đã điều chỉnh một số mục tiêu theo chiều hướng tích cực hơn như ngày càng mở rộng hơn nữa các mối quan hệ ngoại giao, hòa nhập hơn vào nền văn hóa, kinh tế và chính trị của thế giới.

Trong khi đó, trang web của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Phát triển (CEPRID) của Tây Ban Nha vừa đăng bài viết của nhà phân tích chính trị Alberto Cruz đánh giá tầm quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XI đối với tương lai của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại.

Ông Cruz nhận định rằng, Đại hội Đảng lần này không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc quyết định hướng đi của quá trình Đổi mới tại Việt Nam, mà còn xác định con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tác giả bài báo đã điểm lại chặng đường hơn hai thập kỷ Đổi mới vừa qua của Việt Nam mà ông chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ Đại hội Đảng lần thứ VI tới năm 1995 và giai đoạn II từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton và việc bình thường hóa quan hệ song phương, tiền đề Việt Nam có thể mở cửa thị trường, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu kinh tế, Việt Nam vẫn chú trọng tới lĩnh vực xã hội và bảo vệ người dân với những chính sách cụ thể như tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh đầu tư vào những dự án hạ tầng lớn để đảm bảo nguồn cung việc làm. Chính điều đó đã giúp Việt Nam đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua tốt hơn so với những “con hổ châu Á” khác.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã thừa nhận cuộc khủng hoảng vừa qua chỉ giảm 37% tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, trong khi chỉ số này là 155% đối với Thái Lan, 137% với Malaysia, 219% với Mỹ, 224% với Liên minh châu Âu (EU) và 335% với Nhật Bản.

Theo VTV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast