Google tiếng Việt đổi Doodle kỷ niệm sinh nhật Trịnh Công Sơn

Cố nhạc sĩ là người Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên trang chủ công cụ tìm kiếm phổ biến thế giới.

Ngày 28/2 là sinh nhật lần thứ 80 của Trịnh Công Sơn. Dịp này, Google Doodles vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa trên trang chủ Google.com.vn. "Món quà sinh nhật thật ý nghĩa cho anh Sơn và gia đình chúng tôi, một niềm vui cho cộng đồng yêu nhạc Trịnh", bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ chia sẻ.

Trên trang Google search tại Việt Nam, logo quen thuộc của công cụ này được cách điệu thể hiện hình ảnh Trịnh Công Sơn đàn guitar. Bức họa do một nhóm nghệ sĩ sáng tạo độc lập thực hiện. Họ cho biết đã tham khảo nhiều tài liệu về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp, triết lý sống và tác phẩm Trịnh Công Sơn.

Google tiếng Việt đổi Doodle kỷ niệm sinh nhật Trịnh Công Sơn

Google tiếng Việt kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Trịnh Công Sơn.

Google Doodles là những biểu tượng thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng, cho nhân loại. Trang chủ Google Tiếng Việt từ năm 2003 đến nay có nhiều tác phẩm tôn vinh nét văn hóa đặc trưng tại Việt Nam cũng như vinh danh những ngày lễ truyền thống như: Ngày nhà giáo Việt Nam, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Ngày Quốc Khánh...

Ngoài ra, nhân dịp sinh nhật Trịnh Công Sơn, nhiều sản phẩm âm nhạc tưởng nhớ ông được ra mắt, như: MV Dã tràng ca (ca sĩ Đức Tuấn) - được xem là bản ghi âm chính thức đầu tiên của tác phẩm này, Diễm xưa (nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh), Dấu chân địa đàng (Tấn Sơn). Gia đình cho biết trường ca Tiếng hát dã tràng (Dã tràng ca) được Trịnh Công Sơn viết vào khoảng năm 1962 khi ông học tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ở Hà Nội, ca sĩ Giang Trang dự kiến có chương trình "Lênh đênh nhớ phố", diễn ra ngày 28/2 tại L’Espace.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đăk Lăk, mất ngày 1/4/2001. 18 năm khi ông rời cõi tạm, những nhạc phẩm của ông vẫn là một phần đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói về âm nhạc Việt Nam. Ông để lại gia tài với hơn 600 ca khúc, trong đó hơn 236 bài hát được phổ biến. Nhạc của ông vừa thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, vừa hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình.

Google tiếng Việt đổi Doodle kỷ niệm sinh nhật Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn để lại gia tài âm nhạc với hơn 600 ca khúc, trong đó hơn 236 bài hát được phổ biến.

Trịnh Công Sơn còn là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế nhắc đến như "Bob Dylan của Việt Nam" (BBC), "Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam" (The Washington Post). Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có sản phẩm âm nhạc phát hành tại thị trường Nhật Bản với các ca khúc được nhiều khán giả yêu thích như Diễm xưaCa dao mẹ. Hơn hai triệu album bán ra tại Nhật Bản trong nhiều năm qua là minh chứng cho sự thành công của nhạc Trịnh tại đất nước này. Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật, được những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu... thu âm và biểu diễn. Nhạc Trịnh Công Sơn được hát trong Kohaku Uta Gassen, chương trình Âm nhạc Đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK.

Kỷ niệm 18 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, từ ngày 30/3 đến hết ngày 7/4, tại TP HCM diễn ra nhiều hoạt động. Gia đình cố nhạc sĩ cho biết hai đêm nhạc "Nhớ Trịnh Công Sơn 2019" sẽ được tổ chức tại Nhà hát TP HCM vào ngày 2 và 3/4. Danh ca, nhà soạn nhạc Nhật Bản Tokiko Kato - người đã biểu diễn ca khúc Diễm Xưa bằng tiếng Nhật dự kiến góp mặt. Năm 1972, Trịnh Công Sơn đã thắng giải Đĩa vàng Nhật Bản cho tác phẩm Ngủ đi con (đã phát hành hai triệu bản tại nước này).

Đêm nhạc thứ hai mang tên "Gọi tên bốn mùa" được tổ chức vào ngày 30/3 tại sân vận động Hoa Lư. Chương trình có sự góp mặt của các tên tuổi gắn liền một phần sự nghiệp với nhạc Trịnh như: Hồng Nhung, Bằng Kiều, Lệ Quyên, Đức Tuấn, Lân Nhã, Đồng Lan, Tấn Sơn, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh... Toàn bộ vé mời đêm này được phát miễn phí từ ngày 18/3.

Ngoài ra, những hoạt động nghệ thuật nằm trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn như:đêm nhạc tại đường sách Nguyễn Văn Bình (vào ngày 1/4), thi vẽ tranh chủ đề: "Trịnh Công Sơn trong tôi"...

Các hoạt động do gia đình ông cùng nhiều đơn vị như: Trung tâm biểu diễn nghệ thuật - Nhà hát TP HCM, Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA), Tổ chức Âm nhạc & Nghệ thuật Biểu diễn Á Châu (AMPA Education)... phối hợp tổ chức.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast