Hoài nghi tuyên bố quay lại đàm phán của Triều Tiên

Hãng Kyodo đưa tin ngày 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng khả năng Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán song phương với Nhật Bản hay tham dự các cuộc đàm phán sáu bên - gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga - hiện "vẫn còn mơ hồ."

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Abe, hiện đang ở thăm Myanmar, đã đưa ra những bình luận trên sau khi Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Choe Ryong Hae hôm 23/5 đã thông báo với Trung Quốc về ý định quay trở lại các vòng đàm phán sáu bên về hạt nhân.

Ngoài ra, ông Abe cũng tái khẳng định lập trường của Nhật Bản trong việc tìm giải pháp cho các vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cũng như vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ với thái độ toàn diện, đồng thời tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ để đối phó với Triều Tiên.

Trong một động thái khác, báo chí Hàn Quốc ngày 25/5 đã tỏ ra hoài nghi về đề xuất trước đó của Triều Tiên khi tuyên bố rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán sáu bên liên quan tới vấn đề giải trừ hạt nhân.

Trong một xã luận, Chosun Ilbo - nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất của Hàn Quốc, viết rằng: "Triều Tiên dường như sẽ từ bỏ những hành động khiêu khích và chìa cành ôliu. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể đưa ra kết luận ngay rằng Triều Tiên thực sự quan tâm tới việc đối thoại phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng đang ngày càng quan tâm tới việc xoa dịu một Trung Quốc đang phẫn nộ."

Hiện chưa có bình luận nào từ Chính phủ Hàn Quốc, song Hãng tin Yonhap cho biết các quan chức nước này đang rất hoài nghi.

Yonhap dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết: "Liệu có ai tin những gì miền Bắc phát biểu hiện nay khi nước này từng rất nhiều lần tuyên bố sẽ thực thi chính sách thúc đẩy cả xây dựng hạt nhân lẫn phát triển kinh tế?"

Tờ Joongang Ilbo nhận định hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có quay lại bàn đàm phán sáu bên hay không, song động thái mới nhất này của Bình Nhưỡng đồng nghĩa với việc miền Bắc "chưa mất sự thực tế để biết lùi bước khi cần thiết"./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast