Mỹ - Nga và hiệp ước vũ khí hạt nhân lịch sử

Hiệp ước Start mới giữa Mỹ và Nga sắp chính thức có hiệu lực, mở ra một chương mới trong lịch sử vũ khí hạt nhân, giúp phần còn lại của thế giới "yên tâm" hơn vì hai cường quốc nguyên tử đã có nhượng bộ đáng kể.

Tên lửa đạn đạo Titan mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Hotindianews

Tên lửa đạn đạo Titan mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Hotindianews

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký hiệp ước về vũ khí hạt nhân trên "sân khách" là thủ đô Prague của Czech, hồi tháng 4 vừa qua, sau thời gian dài chờ đợi. Hiệp ước này thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (Strategic Armes Reduction Treaty - viết tắt là Start) ký năm 1991, khi Liên Xô đã gần sụp đổ.

Hiệp ước Start mới đánh dấu một cột mốc trong tiến trình kiểm soát vũ khí huỷ diệt trên thế giới và đây là văn bản cắt giảm vũ khí hạt nhân đáng kể đầu tiên trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Nội dung chính của hiệp ước này là cắt giảm thêm kho vũ khí hạt nhân của cả Mỹ và Nga, hai cường quốc nguyên tử lớn nhất hành tinh sở hữu số vũ khí có khả năng huỷ diệt cả trái đất.

Cột mốc 1.550 đầu đạn hạt nhân

Sự thay đổi lớn nhất giữa hiệp ước Start mới năm 2010 so với Start cũ năm 1991 là cắt giảm thêm số đầu đạn hạt nhân của mỗi nước và cập nhật cơ chế giám sát lẫn nhau về kho vũ khí nguyên tử của Nga và Mỹ. Mỗi bên từ nay có thể thanh sát trực tiếp nhau để kiểm soát số đầu đạn hạt nhân thực tế. Cùng với việc phân tích hình ảnh vệ tinh, biện pháp này sẽ cho thấy bức tranh chính xác hơn về kho hạt nhân của Mỹ và Nga.

Về số đầu đạn hạt nhân, hiệp ước Start mới quy định mỗi nước Mỹ và Nga sẽ chỉ được triển khai 1.550 đơn vị (so với 2.200 đầu đạn của Mỹ và khoảng 2.700 đầu đạn của Nga hiện có). Hiệp ước cũng giới hạn mỗi nước chỉ được triển khai không quá 700 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân như tên lửa đạn đạo hay máy bay ném bom chiến lược. Con số này chỉ bằng gần một nửa so với 1.600 phương tiện được quy định trong hiệp ước Start cũ.

Giới hạn do Start mới đặt ra là 1.550 đầu đạn hạt nhân cho mỗi nước được phép triển khai đã tương đương với mức giảm 30% so với số đầu đạn hạt nhân được Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược ký thời Tổng thống Mỹ George Bush năm 2002. Tuy nhiên, sự cắt giảm này có thể chỉ mang tính lý thuyết nếu căn cứ trên cách thức đếm số đầu đạn hạt nhân.

Ví dụ mỗi đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa đạn đạo được tính là một, trong khi mỗi chiếc máy bay hạng nặng mang vũ khí nguyên tử cũng chỉ được đếm là một đầu đạn hạt nhân. Điều này có thể không chính xác, vì thực tế mỗi chiếc máy bay này có thể mang nhiều quả bom nguyên tử hay tên lửa hạt nhân cùng một lúc (như B-52 của Mỹ có thể mang tới 20 đầu đạn hạt nhân các loại).

Điều này sẽ khiến cả Nga và Mỹ đều có thể triển khai trên thực tế nhiều đầu đạn hạt nhân hơn so với giới hạn 1.550. Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí (Arms Control Association, một nhóm vận động giải trừ hạt nhân nổi bật, Mỹ có thể đáp ứng yêu cầu về giới hạn đầu đạn về mặt lý thuyết theo quy định của Start mới chỉ bằng cách cắt giảm 100 đầu đạn hiện có mà thôi. Con số này đối với Nga là cắt giảm 190 đầu đạn.

Một silo tên lửa hạt nhân của Nga. Ảnh: Telegraph

Một silo tên lửa hạt nhân của Nga. Ảnh: Telegraph

Thêm vào đó, hiệp ước Start mới chỉ tính đến những đầu đạn hạt nhân đang triển khai, mà không đề cập đến số đầu đạn được cất giữ trong kho. Như vậy về mặt lý thuyết, một đầu đạn hạt nhân đang triển khai có thể đem cất trong kho để đạt số cắt giảm theo yêu cầu, sau đó được tái triển khai bất cứ khi nào cần.

Mức độ cắt giảm về phương tiện phóng các đầu đạn hạt nhân của hiệp ước Start mới cũng không phải là bước đột phá. Theo ước tính của tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists, Nga đang có 566 phương tiện vũ khí loại này, thấp hơn "mức trần" là 700 đơn vị như hiệp ước mới quy định. Còn Mỹ hiện sở hữu 798 phương tiện loại này, đồng nghĩa với việc họ chỉ phải cắt giảm khoảng 12%, một con số không có gì "ghê gớm".

Hiệp ước Start mới có ý nghĩa thế nào?

Tuy nhiên, hiệp ước Start mới vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ Nga và Mỹ, vì văn bản này là biện pháp xây dựng lòng tin hữu hiệu có thể dọn đường cho việc cắt giảm số vũ khí hạt nhân lớn hơn nữa trong tương lai. Đối với phần còn lại của thế giới, hiệp ước là tín hiệu cho thấy Mỹ và Nga không hề phớt lờ cam kết của họ theo Hiệp ước chống phổ biến hạt nhân (NPT).

Bên cạnh đó, thoả thuận này còn mang đến nhiều lợi ích phụ trợ bên cạnh vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân. Theo đó hiệp ước đã đánh dấu sự cải thiện lớn trong mối quan hệ song phương Mỹ-Nga. Đây cũng là thành tựu đánh kể về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, vì mục tiêu chính của ông vạch ra khi lên cầm quyền là nỗ lực ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân.

Việc Nga cải thiện quan hệ với Mỹ cũng có thể khiến Washington hy vọng Matxcơva có quan điểm cứng rắn hơn về chương trình hạt nhân của Iran, vốn là cái gai trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trên thực tế, trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp Nga Medvedev tại Prague trước khi ký hiệp ước Start mới, ông cũng tập trung đề cập vấn đề Iran.

Ngoài ra, hiệp ước Start mới còn nhắc đến vấn đề đang gây căng thẳng tại châu Âu là hệ thống lá chắn tên lửa. Theo đó Mỹ và Nga có thể thực hiện hệ thống phòng thủ tên lửa "một cách hạn chế". Đây được coi là một dấu hiệu tích cực vì Nga từng cảnh báo họ sẽ rút khỏi hiệp ước, nếu trong tương lai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể làm yếu đi sức mạnh răn đe hạt nhân của họ.

Để hiệp ước hạt nhân Nga-Mỹ (Start mới) chính thức có hiệu lực sau khi được tổng thống hai nước ký kết, văn bản này cần được Thượng viện Mỹ và Duma Quốc gia Nga bỏ phiếu phê chuẩn. Sau đó, quy định giới hạn về số đầu đạn hạt nhân và phương tiện sử dụng chúng như tên lửa và máy bay chiến lược sẽ được thực thi trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp ước này có hiệu lực.

Đình Nguyễn

Nguồn: VnExpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast