Năm 2012, Syria không có “mùa Xuân”

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 21 tháng và những giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại nước này đều thất bại và bế tắc.

Thế giới đã và đang chứng kiến những biến động dữ dội tại Syria. Có thể nói, trong năm 2012, người dân đất nước này chưa một ngày được bình yên khi hàng ngày, hàng giờ phải chứng kiến những cuộc xung đột, đánh bom giữa lực lượng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy.

Khởi đầu từ tháng 3/2011, cuộc khủng hoảng tại Syria diễn ra bằng một cuộc tuần hành hòa bình yêu cầu cải thiện điều kiện sống và mở rộng các quyền của người dân. Những đòi hỏi của phe đối lập đã nhanh chóng được nâng lên thành khủng hoảng chính trị khi cuộc biểu tình chuyển thành những cuộc xung đột đẫm máu và nhanh chóng lan ra khắp đất nước Syria.

Bạo lực đã đạt tới một mức độ chưa từng có giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy khi năm 2012, đất nước này xảy ra những vụ thảm sát làm hàng ngàn người chết và bị thương.

Theo ước tính của Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria, hiện có hơn 40.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở nước này kể từ tháng 3/2011 cho đến nay và bất ổn ở Syria có nguy cơ lan sang các nước láng giềng ở khu vực Trung Đông.

Một cuộc họp của Liên đoàn Arab bàn về tình hình Syria (Ảnh: AFP)
Một cuộc họp của Liên đoàn Arab bàn về tình hình Syria (Ảnh: AFP)

Những sáng kiến cho hòa bình đều bế tắc

Mặc dù từ trước đến nay, có rất nhiều Hội nghị, Hội thảo và sáng kiến được đưa ra nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria nhưng đều bế tắc và thất bại.

Vào tháng 1/2012, Liên đoàn Arab đã nhất trí đề xuất một sáng kiến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Theo đó, Liên đoàn Arab tổ chức một cuộc đối thoại giữa Chính phủ với phe đối lập nhằm tạo ra một chính phủ đoàn kết dân tộc, đồng thời yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad sẽ phải chuyển giao toàn bộ quyền lực cho Phó Tổng thống. Phe đối lập hết sức hoan nghênh sáng kiến này, nhưng Chính phủ Syria đã bác bỏ.

Các cuộc giao tranh giữa lực lượng Chính phủ và phe nổi dậy Syria vẫn tiếp diễn bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Liên Hợp Quốc từng bổ nhiệm ông Kofi Annan, Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên đoàn Arab làm trung gian kêu gọi hai bên thực hiện lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 10/4. Tuy nhiên, kế hoạch hòa bình gồm 6 điểm do ông Kofi Annan đưa ra nhằm chấm dứt bạo lực tại Syria đã đi vào ngõ cụt. Thất vọng trước những thất bại của việc kêu gọi các bên ngừng bắn tại Syria, đầu tháng 8/2012, Đặc phái viên Kofi Annan đã đưa đơn từ nhiệm lên Hội đồng Bảo an LHQ.

Sau khi ông Kofi Annan từ chức, LHQ đã bầu chọn ông Lakhdar Brahimi làm Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria. Mặc dù ông Lakhdar Brahimi đã trực tiếp gặp gỡ Tổng thống Bashar al-Assad và đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để chấm dứt chiến tranh ở Syria nhưng tất cả những cố gắng đó đều không mang lại hiệu quả. Những cuộc xung đột, giao tranh giữa lực lượng quân đội Syria và phe nổi dậy vẫn diễn ra và ngày càng khó kiểm soát.

Kể từ đó đến nay, một số Hội thảo quốc tế với sự tham dự của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ cùng một số nước như Kuwait, Qatar, Iraq và Liên minh châu Âu, Liên đoàn Arab để đưa ra một số nguyên tắc chuyển giao quyền lực cũng như giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria đều không thành công và lâm vào bế tắc.

Mỹ và đồng minh ráo riết can thiệp quân sự vào Syria

Thực tế, cuộc khủng hoảng tại Syria đã và đang lan sang tận biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chấp nhận đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định bố trí hệ thống chống tên lửa Patriot gần biên giới với Syria nhằm đối phó với những cuộc bắn pháo từ phía các lực lượng ở Syria sang.

Các giải pháp chính trị, đối thoại ngoại giao đều không chấm dứt được bạo lực đang lan rộng tại Syria và có nguy cơ trở thành những cuộc chiến tranh trong khu vực Trung Đông, đã khiến Mỹ và đồng minh cùng một số nước phương Tây nghĩ tới giải pháp can thiệp quân sự vào nước này. Tuy nhiên, vấn đề này đã 3 lần bị Nga và Trung Quốc phản đối.

Cuộc khủng hoảng mới đây có một bước ngoặt khi ngày 11/12, Tổng thống Barack Obama chính thức công nhận Liên minh đối lập Syria là “đại diện hợp pháp” của người dân.

Sự công nhận của Mỹ diễn ra sau khi Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vinh (GCC) đã công nhận Liên minh đối lập Syria.

Tuy Mỹ không hề đề cập đến việc sẽ cung cấp vũ khí cho Liên minh đối lập Syria nhưng việc Mỹ cùng các nước đồng minh công nhận Liên minh này đang là một đòn giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Sự việc này cho thấy, Mỹ và đồng minh đang kỳ vọng vào chiến thắng của Liên minh đối lập trong cuộc chiến với quân đội Syria.

Tình hình tại Syria vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh: Reuters)
Tình hình tại Syria vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, sự công nhận của Washington cho thấy, Mỹ đã quyết định “đặt cược tất cả” vào chiến thắng vũ trang của Liên minh đối lập.

Tuyên bố của Mỹ và đồng minh đưa ra cũng trong bối cảnh Nội các Đức vừa chấp thuận triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây là động thái mở đường cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai quân và áp đặt một vùng cấm bay ở Syria nhằm bảo vệ lực lượng Liên minh đối lập ở Syria tránh các cuộc bắn phá từ phía quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoài ra, điều mà dư luận đang hết sức quan tâm là mới đây, báo chí Iran đưa tin, chính quyền Mỹ vừa bí mật đưa hơn 3.000 binh lính quay trở lại Iraq thông qua Kuwait.

Báo chí Iran cũng cho biết, gần 17.000 tướng lĩnh và sĩ quan quân đội Mỹ đang tập trung ở Kuwait để chuyển tiếp tới Iraq. Theo như báo chí Iran, việc Mỹ đưa quân trở lại Iraq là để chuẩn bị tổng lực nhằm can thiệp sâu rộng vào Syria.

Báo chí Iran thời gian vừa qua cũng cho rằng, nhiều khả năng Mỹ cũng lặp lại kịch bản như Iraq, lấy cớ Syria có thể sử dụng vũ khí hoá học, để thực hiện tấn công nước này. Bởi mới đây, cơ quan Tình báo Mỹ cho biết, Chính phủ của Tổng thống Bashar al- Assad có dấu hiệu đang trang bị vũ khí có chứa chất độc hoá học để chống lại quân nổi dậy.

Các quan chức Mỹ đang rất lo ngại rằng, trong số quân nổi dậy tại Syria có nhóm phần từ Jihah sẽ nắm giữ được vũ khí hoá học. Còn Israel và các nước phương Tây khác khi lo ngại, nhóm Hồi giáo Hezbollah- một đồng minh của Iran và là kẻ thù của Israel khả năng cũng có trong tay loại vũ khí hoá học khi mà Chính phủ Syria mất tầm kiểm soát kho vũ khí gây chết người này.

Lấy cái cớ Chính phủ Syria có thể sử dụng kho vũ khí hoá học, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lên tiếng cảnh báo có thể ra lệnh tấn công phủ đầu Syria.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học tức là đã chạm đến “giới hạn giới đỏ” đối với Mỹ.

Phản ứng lại những cáo buộc của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Maqdad cho rằng, những cáo buộc của Mỹ về việc Syria sử dụng hoặc có thể mất sự kiểm soát kho vũ khí hoá học chỉ là cái cớ để Mỹ và đồng minh thực hiện can thiệp quân sự vào Syria.

Diễn biến chiến sự tại Syria sẽ khó lường

Dù Mỹ và đồng minh đang gấp rút can thiệp quân sự vào Syria thì sẽ chẳng bên nào giành chiến thắng hoàn toàn trong cuộc chiến, mà chỉ làm cho cuộc chiến tranh lan rộng ở khu vực Trung Đông.

Phát biểu trước báo giới mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, cuộc nội chiến tại Syria đang lâm vào bế tắc và các nỗ lực quốc tế nhằm thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức cũng sẽ thất bại. Theo ông Lavrov, không bên nào có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến này và Tổng thống Syria cũng sẽ không chịu khuất phục trước bất kỳ sức ép nào.

Cùng quan điểm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Zalmay Khalilzad, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ năm 2007-2009 trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush nhận định: Sự can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào Syria sẽ chỉ khiến cho chiến tranh kéo dài và sẽ chẳng có bên nào chiến thắng. Chiến sự tại Syria sẽ khó lường và người dân Syria sẽ còn phải chịu nhiều đau thương, mất mát.

Được biết, vào tháng 1/2013, Kuwait sẽ đăng cai một hội nghị quốc tế bàn về việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Quốc vương Kuwait Sabah al-Ahmad al Sabah cho biết, Hội nghị được tổ chức theo lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế lẫn hàng triệu người dân Syria đang lo ngại rằng, liệu Hội nghị này có đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria hay là lại bế tắc và chỉ mang lại thất vọng như nhiều Hội nghị đã từng tổ chức trước đó. Cuộc sống của người dân Syria đang thực sự như “ngàn cân treo sợi tóc” và tương lai của đất nước này đang rất khó đoán định./.

Theo Vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast