"Người lao động Việt Nam tại Libya vẫn an toàn"

Trước tình hình chính trị - xã hội phức tạp tại Libya hiện nay, phóng viên TTXVN tại Trung Đông ngày 24/2 đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến về những tác động của tình hình cũng như những vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt tại đây.

Biểu tình lan rộng tại Libya. (Nguồn: Getty images)
Biểu tình lan rộng tại Libya. (Nguồn: Getty images)

Đại sứ khẳng định người lao động nước ta tại Libya vẫn an toàn. Theo đại sứ, cộng đồng người Việt tại Libya chủ yếu là người lao động xuất khẩu có thời hạn (hiện khoảng 10.000 người), ngoài ra có 10 sinh viên đang theo học tại Trường Hồi giáo ở thủ đô Tripoli.

Do tình hình bất ổn tại Libya nên người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn. Một là mất việc làm, phải về nước trước thời hạn hợp đồng kết thúc. Hai là cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày gặp khó khăn, thiếu thốn. Ba là luôn phải đối phó với tình hình, không dám đi ra ngoài. Đối với sinh viên thì việc học hành bị tạm dừng, tâm lý lo lắng và căng thẳng nhiều.

Theo Đại sứ Đào Duy Tiến, các lao động Việt Nam tại Libya chủ yếu tham gia các công trình xây dựng như cầu, đường, sân bay, nhà máy điện, trường học, bệnh viện, cảng biển và các công trình nhà ở dân dụng…

Hiện nay, hầu hết người lao động Việt Nam đã không đi làm. Trong thời gian nghỉ việc, người lao động vẫn được cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, một số lao động Việt Nam làm ở công trường, dự án bị đốt, phá và những lao động ở công ty có chủ là người nước ngoài đã sơ tán khỏi Libya thì gặp khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt.

Về các biện pháp của Đại sứ quán nhằm giúp đỡ bà con cộng đồng người Việt Nam tại Libya, Đại sứ Đào Duy Tiến cho biết sứ quán đã họp với đại diện các công ty Việt Nam xuất khẩu lao động tại Libya để thông báo tình hình, nắm các vấn đề liên quan đến người lao động. Hai bên thường xuyên duy trì liên lạc.

Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng nước sở tại và lãnh đạo các công ty sử dụng lao động Việt Nam, đề nghị họ có biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động; đảm bảo việc cung cấp nhu yếu phẩm và sơ tán người lao động đến nơi an toàn khi cần thiết.

Khi tình hình bất ổn lan rộng ra khắp các khu vực của Libya, Đại sứ quán cũng đã báo cáo các cơ quan chức năng trong nước để chỉ đạo các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam ngừng đưa lao động sang, phối hợp chặt chẽ với với các công ty nhận lao động Việt Nam trong việc sơ tán, giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Hiện nay, theo chỉ đạo ở trong nước, Đại sứ quán đã dự kiến các phương án đưa người lao động ra khỏi Libya, đồng thời tích cực phối hợp với các công ty nước ngoài nhằm giải quyết các thủ tục cần thiết để họ có thể đưa lao động Việt Nam về nước.

Chiều 23/2, đã có một số đoàn, nhóm lao động Việt Nam được một số công ty Hàn Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Libya bằng đường bộ, đường hàng không và đường thuỷ để sau đó về nước.

Đại sứ Đào Duy Tiến khẳng định khi tình hình cần sơ tán khẩn trương, ngoài trách nhiệm của các công ty nhận lao động, Chính phủ ta sẽ có biện pháp đưa toàn bộ người lao động tại Libya về nước./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast