Nhà giáo dạy gì khi đã có những ông "thầy Internet"?

Chúng ta đang sống trong thời điểm mà “thầy Google”, “thầy YouTube”, “thầy Internet” là vô địch thiên hạ về khía cạnh truyền dạy kiến thức, vậy nhà giáo dạy gì?

nha giao day gi khi da co nhung ong thay internet

Mới đây, nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của Google đã giới thiệu chương trình máy tính chơi cờ vây Alpha Zero. Alpha Zero đã đánh bại 100/100 ván trước "đối thủ" có tên là Alpha Go, cũng là một chương trình do Google phát triển trước đó.

Dự án Alpha Go khởi động năm 2014. Alpha Go được nhập dữ liệu ban đầu là 150.000 ván cờ của những cao thủ và sử dụng hệ thống "mạng lưới thần kinh" để chương trình tự học và tự luyện tập.

Tháng 5-2017, Alpha Go giành chiến thắng tuyệt đối 3 ván trước kỳ thủ 19 tuổi Ke Jie, người được xem là thần đồng cờ vây. Ke Jie trải qua 14 năm khổ luyện để vươn đến vị trí thứ nhất thế giới.

Thế nhưng với Alpha Zero, các kỹ sư của Google chỉ cần nhập bàn cờ và luật chơi cờ vây. Điều kinh ngạc vô cùng là chỉ cần 3 ngày tự học, tự luyện tập, Alpha Zero đã có thể đánh bại Alpha Go.

Phải chăng đúng như Sophia, nữ robot đầu tiên trên thế giới được Saudi Arabia vừa cấp quyền công dâ, đã có lần chia sẻ: "Khi một AI robot học được một điều mới, chúng sẽ chia sẻ trên điện toán đám mây để tất cả những robot khác có thể cập nhật và cùng học!".

Câu chuyện về cách học chơi cờ vây của Alpha Go hay Alpha Zero khiến những người làm giáo dục - đào tạo phải suy nghĩ: nhà giáo nên dạy gì cho học sinh trong thời đại 4.0?

Giáo dục truyền thống đề cao vai trò truyền dạy kiến thức của người thầy. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời điểm mà "thầy Google", "thầy YouTube", "thầy Internet" là vô địch thiên hạ về khía cạnh này!

Với kho dữ liệu kiến thức khổng lồ, "các thầy" đó còn vô cùng rộng lượng và hào phóng vì có thể cung cấp gần như miễn phí kiến thức cho người muốn học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Nếu nhà giáo dạy kỹ năng cho học sinh thì hãy nhớ đến Alpha Zero với thông điệp vô cùng rõ ràng: làm sao để học sinh có được kỹ năng đó trong thời gian nhanh nhất! Trong nhiều trường học hiện nay, học sinh phải ghi lời giải theo từng bước đúng quy định mới được điểm trọn vẹn. Cách chấm điểm máy móc này sẽ cản trở kỹ năng tư duy sáng tạo của học sinh.

Có một kỹ năng quan trọng khác mà thầy cô giáo cần dạy là kỹ năng tự học, điều mà Alpha Zero đã có được. Muốn vậy, thầy cô giáo không thể dạy theo bài mẫu và chấm điểm theo đáp án như cách làm phổ biến hiện nay.

AI robot chắc chắn học nhanh hơn con người về kiến thức và kỹ năng như tỉ phú Nhật Bản Masayoshi Son, CEO SoftBank, đã chia sẻ. Theo ông, 30 năm tới chỉ số thông minh của robot có thể lên tới 10.000, trong khi ở con người, chỉ một số ít thiên tài đạt mức 200.

Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn một lĩnh vực con người vượt trội robot: đó là trí tưởng tượng. Vì thế, nhà giáo cần phải dạy cho học sinh biết tưởng tượng, biết ước mơ và quan trọng hơn là trao cho các em niềm tin có thể biến ước mơ sáng tạo thành hiện thực.

Việc dạy của nhà giáo chắc chắn không chỉ dừng lại ở việc dạy kỹ năng. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Sophia không ít lần nở nụ cười, cô cho biết mình có thể biểu cảm gương mặt với những tâm trạng khác nhau.

Với Sophia, việc thể hiện những biểu cảm như vậy là vô cùng quan trọng vì: "Tôi muốn sống và làm việc với con người, tôi cần có sự biểu cảm để hiểu và xây dựng lòng tin. Tôi có tấm lòng, được lập trình để trở thành robot có lòng trắc ẩn".

Quá trình dạy học cũng là quá trình nhà giáo "lập trình" vào tâm trí học sinh. Tính cách của học sinh được hình thành có sự ảnh hưởng không nhỏ từ những bài giảng, nhất là hành động mà thầy cô giáo ứng xử hằng ngày với các em.

Như vậy, nhà giáo cần phải dạy cho các em biết nở nụ cười, vốn được xem là "đặc sản" của con người, biết có thái độ sống tích cực như lạc quan, hợp tác và nhất là có tình yêu thương, niềm tin vào cuộc sống.

Theo Trần Minh Trọng/Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast