Nước Mỹ trước nguy cơ vỡ nợ

Hoa Kỳ đang trong thế bế tắc tài chính do bất đồng nghiêm trọng giữa Nhà Trắng và Quốc hội, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2012, cũng là thời hạn chót cho việc giải tỏa thế bế tắc về chính sách tài khóa của nước Mỹ. Cơn ác mộng mang tên “Vách đá tài chính” đang lơ lửng, đè nặng lên tâm trí của Chính quyền Tổng thống Barack Obama và hàng triệu người lao động Mỹ suốt một năm qua đang đến gần hơn bao giờ hết. Đó là viễn cảnh các đạo luật về giảm thuế tạm thời sẽ hết hiệu lực, nghĩa là thuế sẽ tự động tăng, đồng thời ngân sách liên bang sẽ tự động cắt giảm ngay từ đầu năm 2013.

Nếu nguy cơ cận kề này trở thành hiện thực, nền kinh tế đang ốm yếu và phục hồi chậm chạp của nước Mỹ sẽ thực sự chịu một đòn giáng mạnh và hàng triệu người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ những bất đồng gay gắt về chính sách tài khóa giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ, và giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Bế tắc này một lần nữa gợi nhắc lại những tranh cãi về mức trần nợ công và cắt giảm chi tiêu Chính phủ tại Mỹ trong năm 2011, bất đồng suýt đẩy nước Mỹ tới tình cảnh vỡ nợ.

Các chuyên gia cảnh báo, trước thời hạn chót là ngày 31/12, nếu Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không đạt được một thỏa thuận về mức chi tiêu công và thuế thì “Vách đá tài chính” sẽ đe dọa nghiêm trọng tiến trình phục hồi rất mong manh của nền kinh tế Mỹ và đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới rơi vào suy thoái mới.

Khái niệm ‘Vách đá tài chính’

“Vách đá tài chính” còn gọi là “vách đá tài khóa” là khái niệm ám chỉ một nguy cơ mà nước Mỹ phải đối mặt khi đầu năm 2013 các đạo luật về giảm thuế tạm thời sẽ hết hiệu lực, tức là thuế sẽ tự động tăng; đồng thời ngân sách liên bang tự động cắt giảm, với tổng giá trị lên tới 600 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang đối mặt nhiều khó khăn chồng chất, nợ công khổng lồ hơn 16.000 tỉ USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp cao, nếu kịch bản vách đá tài chính xảy ra, thực sự đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế còn ốm yếu của nước Mỹ.

Một bức biếm họa về 'vách đá tài khóa' đăng trên trang web henrymakow
Một bức biếm họa về 'vách đá tài khóa' đăng trên trang web henrymakow

Mâu thuẫn chủ yếu giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ với phe Cộng hòa là cắt giảm chi tiêu ngân sách phải đồng thời với việc tăng hoặc giảm thuế thu nhập cho người dân. Nhà Trắng và các nghị sỹ của đảng Dân chủ chủ trương tăng thuế đối với thiểu số những người giàu, với mức thu nhập từ 200.000 USD/năm đối với cá nhân và từ 250.000 USD/năm đối với các cặp vợ chồng trở lên. Việc tăng thuế này sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần xử lý vấn đề nợ quốc gia.

Tuy nhiên, quan điểm của các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Quốc hội lại cho rằng người có tiền là động lực của nền kinh tế, do vậy nếu tăng thuế sẽ làm giảm đầu tư, do vậy có hại đối với nền kinh tế. Biểu hiện của tình hình căng thẳng là việc ngày 8/11, trước khi bước vào các cuộc thương lượng, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner thẳng thừng tuyên bố mọi sự tăng thuế đều "không thể chấp nhận". Ông Boehner cảnh báo rằng phương án tăng thuế không chỉ không thể được thông qua tại Hạ viện mà ngay cả tại Thượng viện cũng chưa có gì bảo đảm.

Quốc hội Mỹ cũng đang đứng trước thời hạn chót vào ngày 31/12/2012 tới, đạo luật giảm thuế thu nhập 2% sẽ hết hạn. Nếu các bên không có nhượng bộ, ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ sẽ tự động bị cắt giảm 1.200 tỷ USD trong 10 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2013, trong đó gần một nửa là ngân sách quốc phòng. Một thách thức nữa đối với chính quyền của Tổng thống Obama là thuyết phục Quốc hội nâng mức trần nợ quốc gia sắp tới giới hạn 16.400 tỷ USD mà Quốc hội đã cho phép.

Các phương án mà cả hai bên đưa ra ngay trước thời hạn chót đều không được chấp nhận, đẩy các cuộc thương thảo vào thế bế tắc và làm gia tăng những quan ngại. Hôm 18/12, Chủ tịch Hạ viện John Boehner một lãnh đạo của phe Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng ủng hộ việc tăng thuế đối với các gia đình có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên, thay vì từ 250.000 USD/năm như Nhà Trắng đề nghị. Theo ông Boehner, kế hoạch này sẽ bảo vệ những người dân có thu nhập dưới 1 triệu USD/năm không phải gánh mức thuế cao hơn trong trường hợp hai bên không thể thông qua một giải pháp về chính sách tài chính trước cuối năm 2012.

Ngay lập tức, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng đe dọa sẽ dùng quyền hiến định đặc biệt của tổng thống để phủ quyết nếu Quốc hội thông qua cái gọi là "Phương án B" mà Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner đề xuất một ngày trước đó. Nhà Trắng cho rằng đề xuất mà phe Cộng hòa đưa ra không tăng thuế đủ mức đối với thiểu số người giàu và cũng không bao gồm những cắt giảm ngân sách cần thiết nhằm giải quyết khoản nợ quốc gia đã sắp vượt trần cho phép 16.000 tỷ USD.

Nhà Trắng và lãnh tụ phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện khẳng định phương án mà đảng Cộng hòa định đưa ra thảo luận tại Hạ viện trong tuần qua là đi ngược với những gì mà hai bên đã đạt được trong các cuộc đàm phán gần đây.

Nhằm giải tỏa thế bế tắc về chính sách tài khóa của Mỹ trước thời hạn chót 31/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 21/12 đã đề xuất một dự luật tạm thời, trong đó dung hòa các yêu cầu của cả phe Dân chủ và Cộng hòa. Theo đó, dự luật tạm thời này vừa đảm bảo yêu cầu tăng thuế của đảng Cộng hòa vừa không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng thuế đối với tầng lớp giàu có ở Mỹ mà đảng Dân chủ đề xuất. Do đó, ông chủ Nhà Trắng rất lạc quan về khả năng dự luật này sẽ được Quốc hội ủng hộ. Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ về khả năng đảng Cộng hòa chấp thuận giải pháp tạm thời của ông Obama.

Thương lượng nảy lửa

Những tranh cãi bất tận về “Vách đá tài chính” trong 1 năm qua trên chính trường Mỹ gợi nhắc lại những cuộc thảo luận bế tắc về mức trần nợ công tại quốc gia này hơn 1 năm về trước. Khi đó, vấn đề chỉ được giải quyết vào phút chót khi các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đạt được một thỏa thuận chấp nhận được với cả hai bên. Những nút thắt, những cuộc mặc cả được đẩy lên cao trào và chỉ được giải quyết vào phút chót gần như trở thành đặc sản của chính trường Mỹ.

Ngày 31/7/2011, sau nhiều giờ thương lượng nảy lửa, các nhà lãnh đạo của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cuối cùng đã đạt được thỏa thuận vào phút chót về vấn đề nâng mức trần nợ công nhằm tránh kịch bản vợ nợ cho nước Mỹ. Khi đó, các nhà lãnh đạo Mỹ đã nhất trí nâng mức trần nợ công thêm ít nhất 2.100 tỷ USD và cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Việc cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ được chia thành hai giai đoạn.

Theo các nghị sĩ, khoản ngân sách bị cắt giảm bao gồm chi phí quốc phòng, vốn được coi là quan trọng đối với đảng Cộng hòa, và chương trình chăm sóc người già, vốn được coi là quan trọng đối với đảng Dân chủ. Mục đích của đề xuất trên là buộc hai đảng phải chấp nhận các chương trình cắt giảm ngân sách trong tương lai. Việc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đạt được thỏa thuận diễn ra ngay trước thời hạn chót 2/8, thời điểm buộc Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề nâng mức trần nợ công được trông đợi giúp xua tan nguy cơ bất ổn đối với nền kinh tế Mỹ cũng như các thị trường tài chính.

Theo giới quan sát, đây là một sự thỏa hiệp cần thiết và tất yếu giữa con Voi (biểu tượng của đảng Cộng hòa) và con Lừa (biểu tượng của đảng Dân chủ). Trong tình huống “nước sôi lửa bỏng” khi chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn chót, cái bắt tay dù có phần khá miễn cưỡng và lỏng lẻo giữa các thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa được nhìn nhận là tín hiệu đáng khích lệ, nó phát đi thông điệp rằng chính giới sẽ không để những mâu thuẫn nội bộ đẩy nước Mỹ xuống vực thẳm.

Nguy cơ từ việc Mỹ vỡ nợ

Hậu quả của siêu cường số một thế giới vỡ nợ (dù chỉ mang tính kỹ thuật) là khôn lường. Chuyên gia Vladimir Bragin, Giám đốc phụ trách phân tích thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô của hãng Capital, nhận định toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ có thể bị tổn thương nặng, trong khi vẫn chưa phục hồi được sau khủng hoảng tài chính. Không thể nâng được mức trần nợ công sẽ là một thảm họa không kém gì sự sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers và những gì đã xảy ra hồi năm 2008.

Và phản ứng dây chuyền sẽ hoàn toàn không thể tiên liệu. Một hậu quả nghiêm trọng khác của cuộc tranh cãi về giới hạn mức nợ là cuộc thảo luận hiện nay tại Quốc hội về việc phải hành động nhiều hơn nữa để hạ tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,2% đã biến thành cuộc tranh cãi về việc cắt giảm chi tiêu - động thái dường như chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Các hệ lụy của việc chính phủ phá sản cũng sẽ lan sang lĩnh vực chính trị và đối ngoại, hay nói cách khác là làm suy giảm uy tín, vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế. Xa hơn, trên phương diện ngoại giao, thế giới sẽ đặt câu hỏi về tiềm lực của nước Mỹ và hình ảnh của một siêu cường, vốn đã khá mai một trong con mắt cộng đồng quốc tế thời gian gần đây.

Rõ ràng, với những viễn cảnh tồi tệ trên, thế giằng co tại nghị trường là không thực sự cần thiết, đòi hỏi các bên phải có những nhượng bộ nhất định. Mâu thuẫn mấu chốt giữa đảng Cộng hòa (kiểm soát Hạ viện), và đảng Dân chủ (chiếm đa số tại Thượng viện) trong vấn đề nâng trần nợ công khi đó là các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Các nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ việc tăng mức trần nợ công nếu không có một thoả thuận cắt giảm chi tiêu đáng kể, trong khi các nghị sĩ Dân chủ lại cho rằng việc cắt giảm chi tiêu phải thực hiện một cách thận trọng để bảo vệ các chương trình phúc lợi xã hội dành cho tầng lớp nghèo khổ và người cao tuổi cũng như đảm bảo rằng quá trình phục hồi kinh tế không bị cản trở.

Tuy nhiên, khi bị dồn tới chân tường và phải đặt lên bàn cân những cái được và cái mất – các nghị sĩ Mỹ sẽ không quá khó để nhận ra rằng họ không có nhiều lựa chọn, nếu không nói là chỉ có một lựa chọn duy nhất là thỏa hiệp. Thêm vào đó, phải tính tới một điều khoản quan trọng trong Hiến pháp Mỹ cho phép Tổng thống quyền phủ quyết và nâng mức trần nợ công. Điều này đồng nghĩa với việc trong tình huống khẩn cấp, Tổng thống Obama có toàn quyền hành động và khi đó, các nghị sĩ sẽ rơi vào thế bẽ mặt.

Đạt được đồng thuận chưa bao giờ là một công việc đơn giản tại chính trường Mỹ, nhất là trong các cuộc thảo luận về những vấn đề vĩ mô, ảnh hưởng tới các nhóm lợi ích lớn trong xã hội Mỹ. Cho dù, mâu thuẫn và tranh cãi trong các cuộc thảo luận này gây ra nhiều hệ lụy cho chính nền kinh tế Mỹ. Điều này cũng đã được chứng minh qua câu chuyện “Vách đá tài chính” đang nóng ở Mỹ lúc này.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, bất đồng về “Vách đá tài chính” đang là mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế Mỹ trong tương lai gần. Theo kịch bản xấu nhất khi 2 đảng không đạt được thỏa hiệp về cân bằng ngân sách, kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái, ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều khu vực khác và đe dọa quá trình phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi Mỹ tăng thuế, tạo các nguồn thu mới và tiết giảm chi tiêu công để cân bằng ngân sách. Bà Lagarde cho rằng, vấn đề ngân sách của Mỹ “không đơn giản là một vấn đề chính trị hay ý thức hệ. Thất bại trong vấn đề này sẽ ảnh hưởng nhiều đến vị trí của Mỹ trên thế giới về phương diện kinh tế hay địa chính trị”.

Những tính toán cho thấy, nếu hai đảng không giải quyết được vấn đề “Vách đá tài chính”, kinh tế Mỹ năm 2013 sẽ bị hụt mất khoảng 650 tỷ USD vì chi ngân sách giảm và thuế tăng. Khoản này tương đương 4% GDP, trong khi tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 2%/năm. Nếu đôi bên có thể thỏa hiệp bớt phần giảm chi những gì và tăng thuế ở mức độ nào và cho ai, “Vách đá tài chính” này có thể ở mức tạm chấp nhận được là 80- 100 USD năm 2013.

Theo báo cáo ngày 8/11 của CBO, một cơ quan nghiên cứu độc lập về ngân sách quốc gia của Quốc hội Mỹ, nếu không có thỏa thuận và phải áp dụng các biện pháp tự động đã được đề ra trong 10 năm tới, kinh tế Mỹ năm 2013 sẽ bị suy giảm, nhưng trong trung hạn tình hình sẽ khả quan hơn. Đấy là cái nhìn thuần về kinh tế. Còn về chính trị, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lo ngại tình trạng suy giảm kinh tế năm 2013 sẽ gây bất lợi cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa kì năm 2014./.

Theo Vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast