Phản ứng trái chiều về vụ WikiLeaks

Nhiều nước đồng minh lên tiếng ủng hộ và cam kết duy trì bền vững quan hệ với Mỹ trong khi đó cũng có dư luận chờ đợi những thông tin mới trước khi đưa ra những phản ứng chính thức

Các nước trên thế giới đang bày tỏ phản ứng lo ngại khi WikiLeaks thông báo sẽ tiếp tục công bố các tài liệu nhạy cảm của Mỹ, không chỉ dừng ở những thông tin tình báo trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao mà còn sang cả lĩnh vực kinh tế. Trong tuyên bố mới nhất, nhân vật sáng lập trang mạng WikiLeaks ông Julian Assange vừa cảnh báo đợt tiết lộ các thông tin rò rỉ sắp tới - có thể là đầu năm sau, sẽ nhằm hệ thống ngân hàng lớn của Mỹ.

Chính trường Mỹ tiếp tục nóng lên sau khi WikiLeaks công khai nội dung của 250.000 văn thư ngoại giao nội bộ của Mỹ.

Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Washington ngày 29/11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh việc làm của WikiLeaks không chỉ là cuộc tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ các vấn đề của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chờ đợi thêm thông tin để đưa ra phản ứng chính thức của nước này

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chờ đợi thêm thông tin để đưa ra phản ứng chính thức của nước này

Bà Clinton cho biết, giới chức Mỹ đang tiến hành các biện pháp mạnh mẽ để quy trách nhiệm cho những kẻ đã đánh cắp thông tin.

Phản ứng trước việc WikiLeaks công bố các tài liệu nhạy cảm của Mỹ, Australia thông báo sẽ điều tra hình sự vụ việc này. Hiện cảnh sát liên bang Australia đang điều tra xem việc WikiLeaks công bố hàng ngàn tài liệu mật có vi phạm luật lệ của nước này hay không.

Israel, một đồng minh khác của Mỹ cho rằng, sự cố rò rỉ không ảnh hưởng quá nhiều đến nước này. Còn Chính phủ Anh đã thẳng thừng lên án WikiLeaks. Trong khi đó, Pháp lên tiếng ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Obama, với cam kết hỗ trợ Mỹ kiểm soát sự cố này.

Afghanistan ngày 29/11 cũng cho rằng, sẽ không có căng thẳng trong mối quan hệ của giữa Afghanistan và Mỹ sau vụ rò rỉ thông tin. Trong khi đó, Pakistan đã lên án Mỹ khi để rò rỉ những thông tin ngoại giao nhạy cảm, cho rằng đây là hành động vô trách nhiệm.

Trong những văn bản được WikiLeaks công bố, có báo cáo về những lo ngại của Mỹ về việc Pakistan tăng hoạt động làm giàu urani tại một nhà máy hạt nhân của nước này, nhằm mục tiêu sản xuất vũ khí bất hợp pháp. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại Pakistan nói rằng vụ việc này sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ Pakistan và Mỹ.

Bên cạnh những ý kiến lo ngại về vụ WikiLeaks đăng tải các tài liệu nhạy cảm của Mỹ, nhiều nước lại cho rằng đây là cơ hội để họ có thể thấy cái nhìn và sự đánh giá của Mỹ với các nước khác trên thế giới.

Phản ứng trước việc WikiLeaks công bố những tài liệu của Mỹ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông muốn có thêm nhiều thông tin nữa về vụ việc này trước khi đưa ra phản ứng chính thức.

WikiLeaks đã gây chấn động thế giới với việc công bố những tài liệu nhạy cảm của Mỹ. Ngoại trưởng Italy Fratini mô tả vụ công bố thông tin mật này là vụ 11/9 tấn công vào nền ngoại giao thế giới".

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí Forbes số ra ngày 29/11, nhân vật sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange cho biết, chuẩn bị công khai hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tài liệu có thể "hạ gục" một hoặc hai ngân hàng Mỹ.

Các thông tin này sẽ đưa ra cái nhìn chân thực và điển hình về hoạt động của các nhà điều hành ngân hàng, có thể là một trường hợp đặc biệt hoặc một vi phạm đặc biệt, để từ đó thúc đẩy các cuộc điều tra và cải cách./.

Theo VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast