Quốc tế vẫn bế tắc về giải pháp cho vấn đề Syria

Giáo hội Công giáo đã kêu gọi 1,2 tỷ người Công giáo và các tín đồ tôn giáo khác trên thế giới cầu nguyện cho hòa bình ở Syria.

Trong khi thế giới đang nóng lòng chờ đợi kết quả điều tra chính thức về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, thì Mỹ và một số nước đồng minh vẫn khẳng định sẽ tấn công vào Syria với một cuộc tấn công “hạn chế” vào các mục tiêu đã định trước. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ và đồng minh, nhiều nước đã bày tỏ sự phản đối và nhấn mạnh, chỉ có giải pháp chính trị mới giải quyết được vấn đề Syria.

Hôm 7/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nghị sĩ Mỹ ủng hộ một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, đồng thời khẳng định đây sẽ không phải là một Iraq hay Afghanistan thứ hai, trong bối cảnh Washington tìm kiếm sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) đối với kế hoạch tấn công này.

Người công giáo ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria (ảnh: ladies.kofc)
Người công giáo ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria (ảnh: ladies.kofc)

Trong bài phát biểu hàng tuần, Tổng thống Obama cho biết Mỹ không thể "nhắm mắt làm ngơ" vấn đề Syria, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học gây thương vong lớn ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria ngày 21/8 vừa qua. Ông Obama kêu gọi các thành viên trong Quốc hội Mỹ, thuộc cả hai đảng, "hợp tác và giữ gìn thế giới".

“Mỹ không thể làm ngơ những hình ảnh đã nhìn thấy tại Syria. Không đối phó với các cuộc tấn công thái quá này sẽ làm tăng nguy cơ tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học,” ông Obama nói. “Những thứ vũ khí này có thể sẽ rơi vào tay những kẻ khủng bố, những kẻ sẽ sử dụng để chống lại chúng ta, và nó cũng gửi một tín hiệu đến các quốc gia khác rằng họ sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả cho việc sử dụng vũ khí hóa học. Tất cả đều đặt mối đe đọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của chúng ta”.

Tuy nhiên, trước khi Quốc hội Mỹ triệu tập lại vào ngày mai (9/9) để đưa ra quyết định cuối cùng, thì dư luận Mỹ phản đối một cuộc tấn công quân sự vào Syria đang diễn ra trên khắp nước Mỹ. Hôm qua, hàng trăm người Mỹ đã tổ chức biểu tình rầm rộ trước cổng Nhà Trắng bày tỏ sự phản đối kế hoạch tấn công Syria của Tổng thống Mỹ Obama. Những người biểu tình hô vang các khẩu ngữ chống can thiệp quân sự vào Syria.

Một người biểu tình cho biết: “Trước hết, chúng ta cần chờ cho đến khi Liên Hợp Quốc kết thúc việc điều tra vũ khí hóa học tại Syria. Đây là một vấn đề của thế giới, nó không phải là vấn đề của Mỹ."

Một người khác nói:"Thông điệp của chúng tôi là hoàn toàn chống lại một sự can thiệp quân sự của chính phủ Mỹ. Tất cả các nguồn tài nguyên của đất nước cần phải được phục vụ nhu cầu của người dân Mỹ như chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người , giáo dục công cộng cho tất cả mọi người thay vì lao vào cuộc phiêu lưu quân sự. "

Đây không phải lần đầu tiên người dân Mỹ biểu tình chống đối cuộc tấn công mà Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành nhằm vào Syria. Trước đó, hàng trăm người dân Mỹ cũng đã tổ chức tuần hành ở nhiều thành phố trên nước Mỹ để phản đối chiến tranh.

Theo cuộc thăm dò do tờ "Bưu điện Washington" tiến hành, tính đến ngày 6/9, 224 trong tổng số 433 hạ nghị sĩ Mỹ hiện nay nói không hoặc "không ngả" sang phương án hành động quân sự, trong khi 184 hạ nghị sĩ khác vẫn chưa quyết định và chỉ có 25 người ủng hộ tấn công. Trong khi đó, theo cuộc thăm dò do hãng Gallup tiến hành, 51% số người Mỹ được hỏi phản đối cuộc tấn công Syria, trong khi chỉ có 36% số người ủng hộ.

Cùng ngày, Pháp – nước đồng minh của Mỹ tuyên bố sẽ quyết định hành động vấn đề Syria vào cuối tuần tới. Phát biểu bên lề lễ khai mạc Giải thể thao Khối Pháp ngữ diễn ra ở thành phố Nice (Pháp), Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, ông sẽ có quyết định phải hành động như thế nào để trừng phạt chính quyền Syria trước những cáo buộc về sử dụng vũ khí hóa học vào cuối tuần tới. Tổng thống Hollande nhấn mạnh, Pháp sẽ chờ báo cáo điều tra của đoàn phái viên Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học tại Syria.Ông Hollande nói rằng, ông cần có những cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng và nhằm thuyết phục người dân Pháp tin vào quyết định này.

Trong bối cảnh Mỹ không giành được nhiều sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới về vấn đề Syria tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại thành phố Saint Petersburg của Nga, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới châu Âu để thúc đẩy sự ủng hộ đối với kế hoạch quân sự chống Syria.

Hôm qua, ông Kerry đã tham dự hội nghị không chính thức với Ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Litva. Tại hội nghị này, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu đã ủng hộ một "phản ứng kiên quyết" của cộng đồng quốc tế đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, song trong văn kiện cuối cùng không đề cập tới một chiến dịch quân sự có khả năng diễn ra.

Tuyên bố về kết quả hội nghị nêu rõ, Liên minh châu Âu khẳng định rằng, không được khởi động bất kỳ "hành động mạnh" nào đối với Syria trước khi công bố báo cáo của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại nước này.

Phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả hội nghị, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton cho biết "28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí rằng những thông tin hiện có dường như thể hiện bằng chứng rõ rằng Chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở nước này hồi tháng 8 vừa qua".

Bà Ashton nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế không thể không có động thái đối với việc sử dụng vũ khí hóa học. Chúng tôi đã thảo luận về một phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học”.

Tuyên bố về kết quả hội nghị cũng nêu rõ các nước Liên minh châu Âu đặc biệt nhấn mạnh "vai trò quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria" và kêu gọi Hội đồng Bảo an"thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình".

Tuyên bố về kết quả hội nghị khẳng định chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt đổ máu tại Syria, vì thế hiện nay, sự ủng hộ tiến trình ngoại giao, bao gồm việc sớm tiến hành hội nghị thứ hai tại Geneva về giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, quan trọng hơn bao giờ hết.

Cùng ngày, Giáo hội Công giáo đã kêu gọi 1,2 tỷ người Công giáo và các tín đồ tôn giáo khác trên thế giới ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, chống lại bất kỳ sự can thiệp vũ trang nào. Giáo hoàng Francis cũng tổ chức một buổi cầu nguyện đại chúng kéo dài 4 giờ tại Quảng trường Thánh Peter, bắt đầu từ 0h ngày 8/9.

Theo các nhà phân tích quân sự, giải pháp chiến tranh đối với Syria cũng không thể giải quyết được vấn đề mâu thuẫn nội bộ hiện nay ở Syria, mà chỉ làm tình hình thêm phức tạp hơn. Nếu cuộc tấn công quân sự đạt được mục đích, lực lượng đối lập lật đổ được chính phủ của ông Bashar al-Assad và thành lập Chính phủ mới.

Kịch bản ông al-Assad bị lật đổ và phe đối lập lên nắm quyền cũng sẽ chẳng mang lại điều gì hứa hẹn tốt đẹp cho một đất nước bị chia rẽ bởi các phe nhóm, sắc tộc, tôn giáo đang không thỏa hiệp trong cuộc tranh giành quyền lực ở Syria. Vì thế, tương lai hỗn loạn thời kỳ hậu chiến ở Syria sẽ giống như Iraq, Afghanistan hay Libya đang chìm vào khủng hoảng nhân đạo sâu sắc là điều chắc chắn sẽ xảy ra./.

Theo Vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast