Samsung Việt Nam không cắt giảm nhân công, hạ mục tiêu xuất khẩu sau sự cố Note 7

(Baohatinh.vn) - Samsung Việt Nam sẽ giữ nguyên số lượng nhân công và kim ngạch xuất khẩu mục tiêu trong năm 2016, mặc dù phía công ty mẹ hiện đang tiến hành thu hồi và dừng bán dòng điện thoại thông minh Galaxy Note 7 trên phạm vi toàn cầu sau một loạt các báo cáo cháy nổ liên quan đến chiếc phablet của hãng.

samsung viet nam khong cat giam nhan cong ha muc tieu xuat khau sau su co note 7

Việc Samsung “khai tử” Galaxy Note 7 được dự báo gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam.

Công ty điện tử Samsung Electronics đã tạm thời dừng sản xuất Galaxy Note 7 từ hôm thứ Ba (11/10), sau chưa đầy hai tháng kể từ khi sản phẩm này được tung ra thị trường.

Hai nhà máy của Samsung tại Việt Nam gồm Samsung điện tử Bắc Ninh (SEV) và Samsung điện tử Thái Nguyên (SEVT) hiện đang sử dụng hơn 110.000 lao động người Việt.

Trong bối cảnh khi các mối lo ngại về an toàn vẫn chưa được giải quyết, hãng điện tử đến từ Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với một cú sốc lớn, dự kiến sẽ gây nên những tổn thất không nhỏ cả về tài chính lẫn uy tín của hãng. Tuy vậy, trong một thông báo chính thức gửi đến Reuters vào hôm qua (12/10), Samsung Việt Nam cho biết công ty không có kế hoạch cắt giảm nhân công trong năm 2016 đồng thời dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ tăng hơn so với mức 32,7 tỷ USD của năm ngoái.

“Sự cố Note 7 có thể sẽ không tác động đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi trong năm 2016. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến sẽ tăng lên”, Samsung Việt Nam cho biết trong thông báo.

Samsung là một trong những nhà đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á được xem là trung tâm sản xuất có chi phí thấp, được sử dụng để cho ra đời các sản phẩm điện tử, bao gồm cả những dòng Smart TV của Samsung.

Theo Reuters, điện tử hiện đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Ngoài Samsung, các hãng điện tử khác như Microsoft, Intel, Canon Inc, LG và Sony Corp cũng đã đặt các nhà máy ở Việt nam.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết sự cố Note 7 được xem như là một lời cảnh báo đến chính phủ Việt Nam. Theo ông Doanh, Việt Nam nên đa dạng hóa nền kinh tế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Số liệu thống kê cho biết, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang chiếm khoảng 70% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

“Sự cố này sẽ tác động tiêu cực đến tình hình lao động, xuất khẩu và ngân sách Việt Nam. Đây là một bài học để chúng ta biết rằng không nên dựa dẫm quá lớn vào một thị trường duy nhất và hoạt động xuất khẩu cũng không nên quá phụ thuộc vào chỉ một sản phẩm duy nhất” - ông Doanh cho biết.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong năm ngoái đạt 30,18 tỷ USD, tăng 27,8% so với năm 2014 và chiếm 19% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của cả nước năm 2015.

Tính chung giai đoạn 9 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện thoại và linh kiện của Việt Nam đạt 24,96 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho đến hiện tại, điện thoại các loại và linh kiện vẫn đang là nhóm hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi tương đương với 19,9% cơ cấu hàng xuất khẩu.

* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch Reuters.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast