Tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới- gìn giữ cho muôn đời sau

Việc khánh thành cột mốc đại 476 tại cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cầu Treo - Nậm Pao có thể coi là "bông hoa đẹp" của tình hữu nghị, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Lào nói chung và Hà Tĩnh – Bôlykhămxây nói riêng, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào thật sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Mốc đại 476 tại vị trí giữa CKQT Cầu Treo (thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và CKQT Nậm Phào (thuộc Bản Tơng, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bolykhămxay)

Mốc đại 476 tại vị trí giữa CKQT Cầu Treo (thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và CKQT Nậm Phào (thuộc Bản Tơng, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bolykhămxay)

Ngay sau khi 2 nước giành được độc lập, Việt Nam và Lào đã bắt tay ngay vào việc đàm phán giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ. Từ năm 1977-1987, hai bên đã cơ bản hoàn thành công tác hoạch định, phân giới cắm mốc trên thực địa và cắm được 199 vị trí trên tổng số 214 cột mốc (bình quân trên 10 km có 1 mốc, có nơi gần 40 km mới có 1 mốc). Các mốc đã cắm có kích thước thấp nhỏ, chất lượng kém cộng với sự tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt của vùng biên giới nên đến nay, hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng. Ngoài ra, ở nhiều cửa khẩu mới được thành lập gần đây chưa có mốc quốc giới, dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới giữa 2 bên.

Từ năm 2004, được sự đồng ý của 2 Chính phủ, 2 bên đã tiến hành xây dựng kế hoạch tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới nhằm làm rõ hơn đường biên giới, đảm bảo mốc biên giới kiên cố, vững chắc và nhất là để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới giữa 2 nước, phù hợp với hệ tọa độ bản đồ tỷ lệ 1/50.000 lập năm 2003.

Phó Chủ tich Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Trần Minh Kỳ tặng quà cho 2 đội cắm mốc Hà Tĩnh và Bôly khămxây

Phó Chủ tich Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Trần Minh Kỳ tặng quà cho 2 đội cắm mốc Hà Tĩnh và Bôly khămxây

Hà Tĩnh có đường biên giới chung với 2 tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxây với chiều dài 145 km, được cắm 12 mốc biên giới (từ M13 đến N10), qua 9 xã biên giới của 3 huyện Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê. Tuyến biên giới có CKQT Cầu Treo và 3 cửa khẩu phụ là Sơn Hồng - Nậm Sắc, Kim Quang - Nacađốc, Bản Giàng - Maca. Địa hình phần lớn là rừng già được chia cắt bởi nhiều khe suối, vách núi cheo leo. Kế hoạch tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào lần này, tỉnh Hà Tĩnh có tổng cộng 53 mốc, trong đó có 11 mốc trung, 41 mốc tiểu và 1 mốc đại tại CKQT Cầu Treo - Nậm Phào. Tính đến nay, Hà Tĩnh đã hoàn thành khảo sát song phương 25 mốc (trong đó có 1 mốc phụ); tiến hành xây dựng xong 19 mốc, đang triển khai thi công xây dựng tiếp 5 mốc, hoàn thiện các thủ tục để xây dựng mốc phụ giữa mốc 464 - 465, phấn đấu từ nay đến hết tháng 8-2010, hoàn thành cắm mốc tuyến biên giới Hà Tĩnh – Bôlykhămxây tại thực địa.

Việc thiết kế, xây dựng cột mốc được làm đảm bảo kiên cố, vững chắc, có kiến trúc trang nghiêm, chính quy, thống nhất. Tất cả thân mốc đều có kết cấu bằng đá hoa cương (granit) nguyên khối. Khi thi công tuyến đường công vụ, móng, bệ, sân, dựng thân mốc đổ bê tông liền khối với móng đều được 2 đội giám sát chặt chẽ. Quy trình xây dựng được tuân thủ nghiêm ngặt, đúng quy định, đảm bảo để cột mốc vĩnh cửu với thời gian. Mỗi cột mốc đều được lập hồ sơ riêng, sau đó đưa vào hệ thống lưu trữ của 2 quốc gia. Cột mốc đại 476 cao 1m60, nặng 1 tấn, làm bằng đá hoa cương nguyên khối, trên mỗi mặt quay về phía Việt Nam và Lào có gắn quốc huy 2 nước, số hiệu mốc và năm xây dựng, được thiết kế mang đậm đặc điểm và bản sắc riêng với sân mốc và các khu vực vườn hoa, cây cảnh. Sân mốc có kích thước hình vuông, gồm 2 sân mốc ở 2 cấp, mặt sân số 1 được lát đá granit tự nhiên màu ghi sẫm, mặt sân số 2 được lát bằng đá granit tự nhiên màu đen, có nơi đặt cột cờ và các công trình phụ trợ điện chiếu sáng, thoát nước… Mốc được đặt tại vị trí giữa CKQT Cầu Treo (thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và Nậm Phào (Bản Tơng, huyện Kăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxây), nằm bên cạnh QL 8A là tuyến đường có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển KT -XH, QPAN của 2 nước Việt Nam - Lào cũng như 2 tỉnh Hà Tĩnh và Bôly khămxây.

Toàn cảnh Mốc đại 476 (nhìn từ phía Lào)

Toàn cảnh Mốc đại 476 (nhìn từ phía Lào)

Việc thực hiện kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới 2 nước Việt Nam - Lào được triển khai vào thời điểm hết sức thuận lợi , được Đảng, Nhà nước 2 bên quan tâm, đường biên giới 2 nước đã được hoạch định phân giới cắm mốc và được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trên 63 bản đồ lập năm 2003. Bên cạnh đó, nhờ có truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện nên phía bạn đã tin tưởng, tín nhiệm ủy quyền cho ta thực hiện toàn bộ công tác sản xuất, xây dựng cột mốc. Đây là thuận lợi lớn cho Việt Nam trong chủ động triển khai cũng như phối hợp tổ chức thực hiện, giảm bớt khó khăn trong việc hạch toán kinh phí, tiết kiệm ngân sách…

Kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là công trình rất quan trọng của 2 nước, có ý nghĩa lớn về an ninh, chính trị và xã hội; thể hiện nguyện vọng của Đảng, chính phủ và nhân dân 2 nước, thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt truyền thống Việt Nam - Lào. Đây là công việc không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn cho muôn đời sau.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast