Thế giới 7 ngày qua: Bạo loạn Ai Cập, nhiều nhân tai - thiên tai

Căng thẳng chính trị tại Ai Cập và quanh nhân vật Snowden, các tai nạn giao thông nghiêm trọng cùng với bão lũ ở Trung Quốc...

Tuần vừa qua tình hình ở đất nước Ai Cập tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp thu hút sự chú ý của công luận, và gây quan ngại đặc biệt cho Mỹ. Mặc dù Mỹ vốn hậu thuẫn nhiều cho quân đội Ai Cập nhưng lần này Mỹ vẫn kêu gọi Ai Cập thả tự do cho Tổng thống bị lật đổ. Đất nước Bắc Phi vẫn bị chia rẽ sâu sắc. Quân đội Ai Cập tố người biểu tình gây đổ máu. Lực lượng thế tục (được quân đội hậu thuẫn) đã có nhiều động thái để củng cố quyền bính như thông qua Tuyên bố Hiến pháp và chỉ định Thủ tướng, tiến hành điều tra hình sự đối với Tổng thống Morsi.

Bất chấp bạo lực, Tân Thủ tướng Ai Cập đã xúc tiến gây dựng chính phủ lâm thời theo lộ trình mà quân đội Ai Cập đưa ra sau khi phế truất Tổng thống Morsi. Việc chế độ mới điều tra hình sự đối với ông Morsi và bắt giữ các thủ lĩnh của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã vấp phải sự phản đối dữ dội của phe đối lập.

Thiết giáp quân đội Ai Cập triển khai trên đường phố Cairo. Nguồn ảnh: Getty Images
Thiết giáp quân đội Ai Cập triển khai trên đường phố Cairo. Nguồn ảnh: Getty Images

Trong tuần qua các hoạt động điều tra cho thấy vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng của hãng Asiana (Hàn Quốc) tại Mỹ là do lỗi phi công thiếu kinh nghiệm, đã bay quá thấp và chậm khiến máy bay không đủ sức nâng nên bị rơi khi tiếp cận đường băng dù phi công đã cố nâng độ cao. Tuy nhiên thương vong của vụ tai nạn là rất thấp nhờ tính năng hiện đại của loại máy bay Boeing 777 và phản ứng kịp thời của phi hành đoàn cũng như hệ thống hỗ trợ dưới mặt đất khi xảy ra sự cố. Ba nạn nhân tử vong trong tai nạn là nữ sinh Trung Quốc.

Sau vụ rơi máy bay, Mỹ đã quyết định nâng tiêu chuẩn với phi công nước mình. Vụ tai nạn cũng đã gây ra 1 scandal liên quan đến phát thanh viên truyền hình Hàn Quốc.

Chiếc máy bay xấu số Asiana 214 bị cháy rụi trong khoang và phần nóc. Nguồn ảnh: Reuters
Chiếc máy bay xấu số Asiana 214 bị cháy rụi trong khoang và phần nóc. Nguồn ảnh: Reuters

Quan hệ giữa Bolivia với 1 số nước châu Âu tiếp tục căng thẳng khi Bolivia đã yêu cầu Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy thông báo cho phía Bolivia biết tên của người đã nói với các nước này rằng cựu nhân viên CIA Edward Snowden đã có mặt trên chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales hồi tuần trước. Tây Ban Nha đã thừa nhận có bàn tay của Mỹ trong việc chặn chuyên cơ của Tổng thống Bolivia.

Không chỉ vậy, khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) còn lên án vụ chặn phi cơ nói trên, một số nước Mỹ Latin nhân dịp này cũng chỉ trích các hoạt động tình báo của Mỹ.

Tổng thống Bolivia Morales ngỡ ngàng và bất bình khi trả lời phỏng vấn tại sân bay Vienna giữa lúc máy bay của ông bị chặn lại vì nghi có Snowden trên khoang. Nguồn ảnh: Ibtimes
Tổng thống Bolivia Morales ngỡ ngàng và bất bình khi trả lời phỏng vấn tại sân bay Vienna giữa lúc máy bay của ông bị chặn lại vì nghi có Snowden trên khoang. Nguồn ảnh: Ibtimes

Vụ Snowden có thêm nhiều diễn biến mới khi anh này lộ diện tại sân bay Moscow, gặp gỡ đại diện các tổ chức nhân quyền, và bày tỏ muốn được tị nạn tại Nga. Snowden đã tố chính Mỹ vi phạm nhân quyền. Các sự kiện khiến Mỹ tức giận và cho rằng Nga đang cố tính tạo diễn đàn tuyên truyền cho Snowden. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama đã điện đàm về vấn đề Snowden. Để tránh phương hại quan hệ song phương, Ngoại trưởng Nga đã phải lên tiếng khẳng định chính quyền Nga không tiếp xúc với “người tuýt còi” Edward Snowden. Nga thấy bất an từ vụ Snowden nên cơ quan an ninh nước này đã xem xét… mua máy chữ để bảo mật.

'Người thổi còi’ – cựu nhân viên CIA làm việc cho NSA Snowden. Nguồn ảnh: Facebook
'Người thổi còi’ – cựu nhân viên CIA làm việc cho NSA Snowden. Nguồn ảnh: Facebook

Tuần vừa rồi chứng kiến 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng – tàu hỏa trật ray ở Pháp (theo điều tra ban đầu là do lỗi ở bộ phận ghi đường sắt, khiến các toa tàu lao lên cả sân ga và nhà chờ), và xe tải đâm xe bus ở Nga. Còn số tử vong trong vụ tai nạn tàu chở dầu thảm khốc ở Canada tiếp tục tăng trong khi vẫn còn nhiều người mất tích.

Hiện trường vụ tàu hỏa trật ray gây chết nhiều người tại Paris. Nguồn ảnh: news.com.au
Hiện trường vụ tàu hỏa trật ray gây chết nhiều người tại Paris. Nguồn ảnh: news.com.au

Trên chiến trường Syria, quân nổi dậy vốn gặp nhiều bất lợi về vũ khí và bị quân chính phủ dồn ép, nay lại gặp thêm nhiều khó khăn từ sự chia rẽ trong chính hàng ngũ mình. Thậm chí đã xảy ra nhiều vụ tàn sát lẫn nhau trong nội bộ phe đối lập chống chính quyền Syria. Cuộc chiến tìm kiếm vũ khí hóa học và tố cáo nhau sử dụng vũ khí hóa học tiếp diễn, với những kết luận trái chiều của Nga và Mỹ.

Một nữ xạ thủ bắn thủ của phiến quân Syria. Nguồn ảnh: Telegraph
Một nữ xạ thủ bắn thủ của phiến quân Syria. Nguồn ảnh: Telegraph

Siêu bão Soulik đã gây nhiều thiệt hại nặng nề cho cả đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Mưa lũ kéo dài trong tuần qua được dự báo sẽ còn diễn ra. Ở thành phố Đô Giang Yển, hàng chục người bị vùi lấp trong bùn lầy. Sạt lở đất còn xảy ra ở nhiều nơi khác. Tổng cộng có hơn 200 người mất tích và thiệt mạng khi mưa bão cày xới nhiều nơi thuộc khu vực Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc.

Cảnh siêu bão Soulik tấn công đất liền Trung Quốc. Nguồn ảnh: Reuters
Cảnh siêu bão Soulik tấn công đất liền Trung Quốc. Nguồn ảnh: Reuters

Ngày 9/7, tại cuộc họp Nội các, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2013, trong đó nhấn mạnh những lo ngại của Nhật Bản về việc gia tăng các hoạt động hàng hải tiềm ẩn nguy hiểm của Trung Quốc, nhất là việc Bắc Kinh xâm phạm lãnh hải và vùng trời Nhật Bản. Sách Trắng cũng chỉ trích Bắc Kinh thiếu hợp tác. Việc Tokyo sử dụng những ngôn từ gay gắt trong cuốn sách này cho sự rạn nứt ngày càng lớn trong quan hệ giữa 2 cường quốc Đông Bắc Á, và thái độ cảnh giác của Nhật Bản đối với Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nguồn ảnh: Blouinews
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nguồn ảnh: Blouinews
Theo Vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast