Thế giới chia tay với Thập kỷ Địa ngục?

Khi 10 năm đầu tiên của thế kỷ 21 đi vào lịch sử người ta đang tự hỏi liệu có phải thế giới vừa chia tay với “Thập kỷ Địa ngục?" Chắc chắn sẽ có hàng triệu triệu người đồng loạt trả lời là đúng, nếu không thì cũng là hầu hết người dân Mỹ đồng ý với điều này. Bởi người Mỹ chính là những người “thấm” nhất nỗi đau của loạt vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, của cơn bão Katrina và của cơn bão tài chính khủng khiếp.

Tạp chí Time đã gọi giai đoạn từ năm 2001 đến 2010 là “Thập kỷ tồi tệ nhất từ trước đến nay”. Điều này đặc biệt đúng đối với người Mỹ khi họ phải chứng kiến đất nước kẹt trong 2 cuộc chiến tranh không thể chiến thắng, ưu thế của họ bị suy giảm và Giấc mơ Mỹ đang dần tan biến.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ toàn diện hơn thì bức tranh thế giới trong thập kỷ qua không phải là không có những điểm sáng. Thế giới đã thoát khỏi thử thách từ 2 cuộc chiến tranh lớn để lại những vết tổn thương kinh hoàng đối với nhân loại trong thế kỷ trước và đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện đời sống của con người nói chung.

Nổi bật lên trong số những xu hướng lớn làm thay đổi bức tranh thế giới trong thập kỷ qua là sự nổi lên đồng loạt của các nước đang phát triển với quốc gia đi đầu là Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua việc quyền kiểm soát nền kinh tế thế giới đã được chuyển từ tay nhóm nước G8 (gồm 8 quốc gia phát triển) sang nhóm nước G20 (gồm cả nước phát triển và đang phát triển).

Vì vậy, những cụm từ như thập kỷ địa ngục hay thập kỷ phiền phức chỉ là cách đánh giá một chiều, phiến diện. Nhìn chung, 10 năm qua thực sự là một thập kỷ của tiến bộ, một thập kỷ cân bằng và là một thập kỷ thay đổi cuộc chơi.

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 bắt đầu như thế nào?

Khi tiếng chuông vang lên báo hiệu năm mới vào ngày 1/1/2001, ở khắp nơi, người dân thế giới vỡ oà lên trong niềm phấn khích đón chào một năm mới, một thế kỷ mới và một thiên niên kỷ mới. Ai ai cũng tràn trề hy vọng vào tương lai.

Cũng trong năm Thìn theo lịch âm, người dân Trung Quốc bước vào một thời kỳ mới với tinh thần phấn chấn hơn rất nhiều bởi người nông dân dã có đủ cơm ăn, áo mặc, nền kinh tế quốc gia đang hưởng tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 8%/năm, các cuộc đàm phán gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang đạt những tiến bộ đáng kể và ngành công nghiệp Internet bùng nổ.

Nền kinh tế Trung Quốc đã được hưởng một thập kỷ phát triển vượt bậc và không ngừng.

Nền kinh tế Trung Quốc đã được hưởng một thập kỷ phát triển vượt bậc và không ngừng.

Trong khi đó, ở thành phố New York, toà tháp đôi cao 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) rực rỡ, tráng lệ trong ánh đèn điện. Ngay gần đó là khu Phố Wall – nơi tiền không bao giờ ngủ, và Tượng nữ thần Tự do cách đó khoảng 3km. Trên tất cả, nước Mỹ đã được hưởng thời gian thịnh vượng lâu nhất trong lịch sử ngay trong thập kỷ đầu tiên sau thời Chiến tranh Lạnh. Vì thế, người dân của siêu cường duy nhất của thế giới bước vào thập kỷ mới, thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới với niềm tự hào, sự tự tin và rất nhiều tham vọng.

Cũng tràn ngập sự tự hào và khát vọng tương lai là người Nga. Tổng thống Vladimir Putin của họ đã đón chào ngày đầu tiên của năm 2001 với tuyên bố sẽ khôi phục lại vinh quang mà đất nước họ từng có trước đây.

Ở khu vực phía Tây, Liên minh Châu Âu gồm 15 thành viên đang hối hả mở rộng sang phía đông. Các đồng tiền quốc gia như franc và mark vẫn tiếp tục được lưu thông nhưng họ biết là chỉ vài năm nữa họ sẽ từ bỏ đồng tiền này và hướng tới việc sử dụng đồng tiền chung Châu Âu euro.

Sự hội nhập ngày càng nhanh và mạnh của Lục địa Cũ phù hợp với xu hướng chung đang gia tăng là toàn cầu hoá và đa phương hoá. Một ví dụ là, thế giới đã đưa ra mục tiêu cùng nhau nỗ lực đưa 1 tỉ người thoát ra khỏi đói nghèo vào năm 2015. Đây là Mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại một hệ thống kinh tế bị bóp méo sẽ dẫn đến tình trạng nguồn lực bị khai thác từ nhiều nước nhưng chỉ làm lợi cho một số nước.

Rõ ràng, những nước được lợi lớn nhất là Mỹ và nhiều cường quốc phương Tây khác - những nước đóng vai trò trung tâm trong nhiều năm trở lại đây trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và kỹ thuật. Ở khu vực ngoại biên là Trung Quốc, Nga, Brazil và nhiều nước khác với vai trò thấp hơn một chút. Tuy nhiên, mô hình thiếu cân bằng này cuối cùng sẽ không thể tồn tại lâu bởi mầm mống của sự thay đổi đã bắt đầu nảy mầm, xuyên qua mặt đất để trồi lên ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Điều gì thực sự xảy ra?

Lịch sử vốn không theo một trật tự nào cả nhưng một phần của nó có thể có một kết cấu rất đáng kinh ngạc. Thập kỷ đầu của thế kỷ 21 được mở đầu bởi một loạt những vụ tấn công khủng bố chấn động và kết thúc bằng sự thay đổi có tính lịch sử về vai trò lãnh đạo nền kinh tế thế giới. Hầu hết mọi việc diễn ra đều có liên quan đến một trong hai vấn đề lớn này.

Khi thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 mới chỉ trôi qua được 9 tháng 11 ngày thì đã xảy ra một tai hoạ kinh hoàng gây chấn động toàn cầu. Những kẻ khủng bố đã đâm 3 chiếc máy bay mà chúng cướp được vào Toà tháp đôi WTC và Lầu Năm Góc - biểu tượng của sức mạnh kinh tế và quân sự Mỹ, và chiếc máy bay thứ tư rơi trên đường đến thủ đô Washington, D.C., trung tâm chính trị của nước Mỹ.

Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, Mỹ.

Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, Mỹ.

Các vụ tấn công thảm khốc ngày 11/9/2001 đã khiến chính quyền của Tổng thống George W. Bush phát động một chiến dịch chống khủng bố điên cuồng. Mỹ đã phát động hai cuộc chiến tranh lớn nhất trong vòng 10 năm. Ngọn lửa chiến tranh này không chỉ “nướng” Afghanistan, Iraq mà còn “nướng” chính bản thân nước Mỹ. Lịch sử giờ đây đã có bằng chứng cho thấy siêu cường không đối thủ có thể đưa hàng trăm ngàn quân lính đi chiến đấu đồng thời trên hai chiến trường nước ngoài cùng lúc nhưng không giành được chiến thắng ở chiến trường nào.

Với những khoản chi tiêu quân sự khổng lồ, số binh lính thiệt mạng gia tăng, hình ảnh quốc tế của Mỹ mất ánh hoà quang, điều mà Mỹ nhận được từ hai cuộc chiến tranh chống khủng bố là trùm khủng bố Osama bin Laden vẫn bặt vô âm tín, cái cớ để phát động chiến tranh Iraq hoá ra là giả, hàng ngàn dân thường Afghanistan và Iraq bị giết hại, hai quốc gia bị chia rẽ sâu sắc và bị giày xéo bởi tình hình bạo lực, và thế giới phải chứng kiến tình trạng phổ biến các cuộc tấn công khủng bố, từ 423 vụ năm 2000 lên tới 10.999 vụ năm 2009. Trong bối cảnh đen tối này, Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền năm 2009 đã tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của quân Mỹ ở Iraq và sẽ rút dần quân ra khỏi Afghanistan vào tháng 7 năm 2011.

Song song với cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu là quá trình tái định hình bức tranh kinh tế thế giới. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là quá trình này bắt đầu vào guồng quay mạnh mẽ chỉ 6 ngày sau loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 bằng việc các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc kết thúc. Kết quả này được Giám đốc WTO lúc đó là ông Michael Moore khen ngợi là một bước ngoặt cho quá trình hợp tác toàn cầu, đủ sức tác động đến thế giới trong nhiều thập kỷ sau này.

Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc đã phát triển không ngừng, trở thành một trong nhữg thị trường mở nhất thế giới, một lực lượng ủng hộ mạnh mẽ cho hệ thống thương mại đa phương và là một quốc gia đóng góp hàng đầu có sức tăng trưởng kinh tế của thế giới. Năm 2009, khi thế giới vật lộn với những cơn đau đớn vật vã của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu mới nhất thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển bùng nổ, chiếm 50% tăng trưởng kinh tế của thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ là nước đứng đầu còn sau nước này là một loạt các nền kinh tế đang nổi khác, một loạt những động cơ mới mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới. Một ví dụ điển hình là Châu Phi. GDP của khu vực này đã đạt mức tăng trưởng hàng năm là 4,9% từ năm 2000 đến 2008, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của khu vực này trong hai thập kỷ trước. Trong khi đó, khoảng cách phát triển Nam-Bắc được thu hẹp dần, hợp tác Nam-Nam bùng nổ, và quan hệ quốc tế đã trải qua những sự thay đổi căn bản. Cùng với xu thế lớn này, G20 dần thay thế G8 trở thành diễn đàn hợp tác kinh tế thế giới chính.

Bài học từ thập kỷ đã qua

Trong khi chúng ta không thể biết được thế giới sẽ phát triển theo hướng nào thì có một điều rất rõ là thế giới đang đi theo con đường tiến tới một cấu trúc cân bằng hơn và đa phương hơn. Trọng tâm kinh tế và chính trị thế giới rõ ràng đã chuyển hướng và cơn bão tài chính gần đây đã đẩy nhanh tốc độ chuyển hướng này.

Nhưng đối với những người luôn miệng nói về sự suy giảm của nước Mỹ thì sự thực đơn giản chỉ là lý thuyết tương đối: Mỹ không suy giảm đi mà chỉ là các nước khác đang phát triển dần lên. Vấn đề của sức mạnh Mỹ trong thế kỷ 21 không phải là sự suy giảm mà là việc cần phải làm gì với thực tế là ngay cả nước lớn nhất cũng không thể đạt được kết quả mong muốn nếu không được các nước khác giúp đỡ. Các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

Một bài họ cơ bản hơn được rút ra từ 10 năm đã qua là các nước khác nhau cùng chia sẻ một thế giới có thể cùng tồn tại hoà bình và cùng phát triển. Điều đó không có nghĩa là một mô hình tăng trưởng kinh tế xã hội sẽ thắng thế so với các mô hình khác. Thay vào đó, thông qua những cuộc trao đổi thân thiện và qua cái mà nhà kinh tế Samuel P. Huntington gọi là “sự va chạm giữa các nền văn minh”, các nước khác nhau sẽ hiểu “thế giới phẳng” hoạt động như thế nào và sẽ điều chỉnh cách thức phát triển của mình sao cho phù hợp với thực tế.

Theo VnMedia.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast