Tổ chức Mỹ kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất da cam

Một tổ chức phi chính phủ Mỹ hôm qua ra thông điệp kêu gọi chữ ký để vận động các nghị sĩ ủng hộ một đạo luật vì nạn nhân chất da cam/dioxin ở Việt Nam.

Nguyen Khanh, 53 tuổi, tài xế xe ôm cùng đứa con trai 14 tuổi bị tật đốt sống do di chứng chất da cam. Anh cũng có một đứa con gái bị bệnh vì di chứng từ chất này. Ảnh: globalpost.com.

Nguyen Khanh, 53 tuổi, tài xế xe ôm cùng đứa con trai 14 tuổi bị tật đốt sống do di chứng chất da cam. Anh cũng có một đứa con gái bị bệnh vì di chứng từ chất này. Ảnh: globalpost.com.

Lời kêu gọi nhằm hưởng ứng ngày Vì nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam, 10/8 hàng năm.

Tổ chức nhân đạo mang tên "Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất da cam Việt Nam" (VAORC) đã ra thông điệp mang tựa đề "Giờ là lúc hành động" trên trang web www.vn-agentorange.org. Đồng thời, tổ chức này kêu gọi mọi người ký vào một thẻ màu da cam. Số lượng chữ ký sẽ được dùng để vận động các nghị sĩ Mỹ thông qua một đạo luật liên quan đến nạn nhân chất hóa học này.

Theo Bà Merle E. Ratner, điều phối viên của VAORC, nếu đạo luật nếu được thông qua sẽ giải quyết toàn diện nhu cầu của nạn nhân chất da cam/dioxin tại Mỹ và Việt Nam, Vietnam Plus cho hay.

Trong tấm card màu da cam nói trên ghi những yêu cầu đối với các nghị sĩ Mỹ, gồm thông qua luật nhắm đến dịch vụ y tế, hồi phục và chăm sóc sức khỏe đối với các nạn nhân chất da cam ở Việt Nam và Mỹ và con cháu của họ, tẩy độc môi trường tại các "điểm nóng" ở Việt Nam.

Từ 1962 đến 1971, ước tính quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất da cam và những chất diệt cỏ khác xuống Việt Nam.

Năm 1994, một nhóm các nhà khoa học phương Tây đầu tiên đã nghiên cứu về tác động lâu dài của chất da cam lên Việt Nam. Họ lấy các mẫu đất và lần theo các chuỗi thức ăn đến ao hồ, cá, vịt đến người. Nhóm các nhà khoa học này đã tìm thấy dấu vết của chất hóa học này trong những đứa trẻ sinh rất lâu sau khi cuộc chiến kết thúc.

Chất da cam dioxin được chứng minh là có liên quan đến các dị tật bẩm sinh, ung thư và nhiều căn bệnh khác. Tại nhiều khu vực của Việt Nam, nồng độ dioxin trong đất, lớp trầm tích và trong cá cao gấp 300 đến 400 lần mức độ cho phép theo chuẩn quốc tế. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính có đến 3 triệu người lớn và trẻ em phải chịu các căn bệnh do nhiễm chất da cam.

Những nơi từng có căn cứ quân sự Mỹ đóng, trong đó có các sân bay ở Biên Hòa, Phú Cát và Đà Nẵng, được xác định là bị nhiễm chất da cam nặng nhất.

Tháng trước, một nạn nhân chất da cam là Trần Thị Hoan lần đầu tiên xuất hiện tại một phiên điều trần về chất da cam ở Mỹ do Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề về môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ tổ chức. Đây là phiên điều trần thứ ba của Quốc hội Mỹ về vấn đề da cam/dioxin của Việt Nam (lần thứ nhất vào tháng 5/2008 và lần thứ hai vào tháng 6/2009).

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng trước hứa sẽ tăng cường hợp tác hai nước về giải quyết hậu quả chiến tranh của chất da cam. "Chúng tôi đã làm việc với Việt Nam trong 9 năm qua để cố gắng bù đắp những ảnh hưởng của chất da cam. Tôi sẽ còn làm việc để tăng cường hợp tác giữa chúng ta, đem lại nhiều tiến triển hơn nữa", bà Clinton phát biểu tại Hà Nội.

Từ năm 2007, Quốc hội Mỹ đã dành 9 triệu USD hỗ trợ Việt Nam làm sạch các khu vực nhiễm độc và tiến hành công tác y tế. Trong khi đó, theo ước tính của một ủy ban nghiên cứu hỗn hợp Việt - Mỹ đưa ra hồi tháng 6 thì số tiền cần có là 300 triệu USD để tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân của chất da cam ở Việt Nam trong vòng 10 năm.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast