Toàn cảnh bạo động tại Ai Cập

Tổng thống nước này lên tiếng kêu gọi người dân Ai Cập thể hiện quan điểm một cách hòa bình và cam kết đưa kẻ phạm tội ra trừng trị.

Ai Cập điều quân đội đến bảo vệ các tòa nhà công Số thương vong trong bạo động Ai Cập lên tới gần 500 người Ai Cập vẫn chìm trong bất ổn

(ảnh: mirror.co.uk)
(ảnh: mirror.co.uk)

An ninh đang được thắt chặt trên toàn Ai Cập đặc biệt tại thành phố Suez sau khi các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra trên toàn Ai Cập hôm qua làm gần 500 người thương vong. Hàng trăm nghìn người trên toàn Ai Cập đã xuống đường biểu tình nhân kỷ niệm hai năm diễn ra làn sóng biểu tình, được gọi là cuộc “Cách mạng ngày 25/1” lật đổ chính quyền của Cựu Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình, bất chấp lời kêu gọi kỷ niệm dịp này “một cách hòa bình và văn minh” của Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi.

Quân đội tuyên bố trung lập và chỉ giữ trật tự chung

Lực lượng an ninh Ai Cập được đặt trong tình trạng báo động cao, đặc biệt tại thành phố cảng Suez sau khi 7 người biểu tình và 1 cảnh sát thiệt mạng trong các vụ đụng độ hôm qua. Các quan chức y tế Ai Cập cũng cho biết, 456 người bị thương trong các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn Ai Cập. Sáng sớm 26/1, quân đội được triển khai tại những khu vực bên ngoài tòa nhà chính phủ tại Suez. Quân đội khẳng định, nhiệm vụ của họ là bảo vệ các cơ quan nhà nước và sẽ không ủng hộ bất cứ bên nào trong các cuộc đụng độ. Trước đó, quân đội Ai Cập đã tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới và những địa điểm chiến lược khác, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công nhằm gây bất ổn chính trị trong nước. Bộ Nội vụ Ai Cập cũng kêu gọi công dân tuân thủ các quy định pháp luật và bảo vệ tài sản công trong các cuộc biểu tình của phe đối lập.

Đụng độ xảy ra hôm qua giữa cảnh sát và người biểu tình tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai ở Ai Cập, quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo và thành phố cảng Suez. Nghiêm trọng nhất là tại thành phố cảng Suez, khi những người biểu tình quá khích thậm chí đã châm lửa đốt một tòa nhà của chính quyền địa phương. Phe đối lập tiếp tục có kế hoạch biểu tình rầm rộ tại nhiều nơi trong ngày 26/1.

Mặt trận Cứu quốc (NSF), phe đối lập chính tại Ai Cập, đã ra thông cáo báo chí yêu cầu chính quyền của Tổng thống Mohamed Mursi thành lập một chính phủ cứu quốc, hủy bỏ bản Hiến pháp vừa được thông qua hồi cuối tháng 12 và Luật bầu cử mới, đồng thời tổ chức hòa giải dân tộc với phe đối lập mà không có điều kiện tiên quyết. Lực lượng này khẳng định, tất cả các đảng phái và phong trào thành viên của liên minh đối lập này sẽ không rời khỏi các đường phố khi các yêu cầu của mình chưa được đáp ứng.

Cam kết công bằng xã hội

Ngay sau khi các cuộc đụng độ xảy ra, Tổng thống Ai Cập Mursi đã lên tiếng kêu gọi người dân Ai Cập thể hiện quan điểm một cách hòa bình. Ông cũng gửi lời chia buồn đến các gia đình có người thân thiệt mạng trong các vụ đụng độ và cam kết sẽ đưa những kẻ phạm tội ra pháp luật. Thủ tướng Ai Cập Mohamed Qandil, đang tham dự tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Thụy Sĩ, cũng kêu gọi phe đối lập chấm dứt biểu tình.

Ông Qandil nói: “Tôi muốn nói với người dân tại Quảng trường Tahrir rằng, những yêu cầu về lương thực, công bằng xã hội sẽ có sau khi các bạn tuyên bố quay trở lại làm việc, làm việc chăm chỉ, vì gia đình và vì đất nước Ai Cập. Đó là cách duy nhất có thể đạt được những nguyện vọng của cuộc cách mạng Ai Cập”.

Hai năm kể từ khi diễn ra làn sóng biểu tình, được gọi là cuộc “Cách mạng ngày 25 tháng Giêng” lật đổ chính quyền của Cựu Tổng thống Mubarak năm 2011, người dân Ai Cập vẫn chưa có một tương lai tươi sáng như mong đợi. Hàng loạt các cuộc biểu tình và bạo động vẫn diễn ra phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Mursii.

Những bất ổn về chính trị kéo theo những khó khăn về kinh tế, khi ngành du lịch mũi nhọn của Ai Cập sụp đổ, đồng bảng Ai Cập mất giá.

Chính phủ đang cố gắng thương thuyết một khoản vay 4,8 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, để nhận được gói cứu trợ này , chính phủ Ai Cập sẽ phải áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới- vốn luôn vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân. Điều này báo hiệu một thời kì đầy bất ổn mới tại Ai Cập trong thời gian tới./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast