Ách tắc mặt bằng, dự án chợ Sơn "án binh bất động"

Tưởng rằng, sau khi được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép, việc triển khai xây dựng chợ Sơn (thị trấn Hương Khê) sẽ diễn ra theo chiều hướng thuận lợi, nhưng điều đó đã không xảy ra. Mặc dù chủ đầu tư đã rất tâm huyết với dự án và bỏ ra khá nhiều công sức và tiền của nhưng công trình vẫn không thể thi công được. Đơn giản chỉ là công tác GPMB chưa thể thực hiện được…

Năm 2009, huyện Hương Khê đã cử đoàn công tác vào làm việc với các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để kêu gọi đầu tư một số công trình dự án trên địa bàn huyện, trong đó dự án xây dựng chợ Sơn. Dù chưa thực sự mỹ mãn, nhưng kết quả chuyến đi không làm nhiều người cảm thấy thất vọng. Dự án xây dựng chợ Sơn với tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng đã có người “đăng cai”. Nhiều người vẫn tin rằng ở vị trí 362 trong tốp 500 DN có doanh thu cao nhất trên toàn quốc thì việc triển khai xây dựng chợ Sơn chỉ là chuyện nhỏ đối với doanh nghiệp xăng dầu Phúc Lợi có trú sở tại tỉnh Bình Dương. Niềm tin được củng cố thêm khi biết giám đốc công ty lại sinh ra và lớn lên tại xã Phương Điền, rất tâm huyết và nặng lòng với quê hương.

Quy hoạch chợ Sơn đã được treo từ lâu ngay tại UBND thị trấn nhưng không biết bao giờ mới được triển khai xây dựng?
Quy hoạch chợ Sơn đã được treo từ lâu ngay tại UBND thị trấn nhưng không biết bao giờ mới được triển khai xây dựng?

Sau đề xuất của huyện Hương Khê, dự án đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt một cách chóng vánh. Ngày 22/10/2010, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 2812000084 và Giấychứng nhận đầu tư điều chỉnh ngày 28/2/2011 cho DN xăng dầu Phúc Lợi. Sau khi được cấp giấy phép, huyện Hương Khê phối hợp với DN và các cơ quan liên quan triển khai các bước: công bố quy hoạch, thành lập Hội đồng GPMB; tổ chức họp các hộ kinh doanh để tham gia góp ý vào phương án GPMB, đồng thời tiến hành kiểm kê tài sản đối với các hộ kinh doanh tại chợ. Tuy nhiên cho đến thời điểm này mọi việc vẫn “án binh bất động”. Nguyên nhân là công tác GPMB chưa thể thực hiện được vì các hộ tư thương không đồng tình với quy trình thực hiện.

Đa số các hộ dân chưa hiểu rõ về chủ trương xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng chợ. Hay nói một cách khác là các hộ tư thương muốn Nhà nước bỏ ra một số nguồn vốn nhất định rồi họ sẽ tự nguyện đóng góp. Có như vậy mới “chắc ăn”. "Quá trình các hộ tư thương tham quan khảo sát tại các chợ mới như: Cầu Giát (Quỳnh Lưu- Nghệ An), chợ Phủ Diễn thị trấn Diễn Châu (Nghệ An) đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều hộ sau một thời gian di dời ra chợ tạm đã không có cơ hội vào chợ mới. Lý do là chủ đầu tư đã cho xây dựng hàng loạt công trình như: nhà hàng khách sạn và chung cư nên không còn đất để xây đủ các quầy hàng”, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê Ngô Xuân Ninh cho biết.

Không phải bây giờ mà trước đó ngày 6/10/2011, nhận rõ những khó khăn vướng mắc về công tác GPMB, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hương Khê với sự tham gia của các sở ban ngành và hơn 300 hộ kinh doanh chợ Sơn tham dự. Đồng thời ra văn bản kết luận số 296 về nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng chợ Sơn. Theo đó, yêu cầu huyện Hương Khê đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật đầu tư năm 2005 và các Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; tổ chức lấy ý kiến các hộ kinh doanh tại chợ về quy mô kinh phí đầu tư và kiến trúc công trình để làm căn cứ lựa chọn phương án, hình thức đầu tư…

Tuy nhiên cho đến nay: “một số không tham gia ý kiến; số khác lại không đồng tình với việc giao hẳn cho nhà đầu tư mà Nhà nước tổ chức xây dựng chợ và các hộ sẽ đóng góp. Có hai phương án khả dĩ, hoặc tỉnh bỏ ra một số vốn đầu tư rồi huy động từ các hộ; hoặc chợ Sơn sẽ được đầu tư xây dựng theo kiểu chợ đầu mối nông sản bằng nguồn kinh phí của Nhà nước; hoặc trung tâm thương mại chợ Sơn sẽ chuyển đến một vị trí khác”, ông Ninh bày tỏ thêm quan điểm.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, kiêm Trưởng Ban GPMB dự án chợ Sơn Nguyễn Văn Việt lại cho rằng: “Chợ Sơn phải được xây dựng theo tiêu chí chợ cấp 1 có trên 400 điểm kinh doanh, ở vị trí trung tâm kinh doanh thương mại quan trọng; được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại theo quy hoạch. Việc xây dựng chợ phải theo hình thức BOT mới phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Điểm khác biệt mà các hộ không nhận ra là chúng tôi yêu cầu phải xây dựng 868 ki ốt so với 614 hộ kinh doanh hiện có và cam kết ưu tiên cho các hộ đã kinh doanh trong chợ. Còn việc người dân yêu cầu là phải tính đơn giá ki ốt cụ thể trong khi chưa GPMB thì làm sao có con số chính xác được. Các hộ mới chỉ nghe ngóng thông tin ở tư thương các chợ mà không thông qua BQL chợ nên không thể nắm bắt hết tình hình cụ thể”.

Chợ Sơn ngày càng xập xệ và nhếch nhác
Chợ Sơn ngày càng xập xệ và nhếch nhác

Chợ Sơn được xây dựng vào năm 1991 với 120 quầy hàng. Năm 2005, chợ được nâng cấp theo nguồn vốn của tổ chức IFAD nâng tổng số lên 210 quầy. Từ đó đến nay, qua nguồn vốn ngân sách và đóng góp của người dân toàn bộ chợ Sơn hiện có 614 hộ kinh doanh.

Án ngữ ngay tại trung tâm huyện Hương Khê với diện tích hơn 14.000m2 chợ Sơn hiện đang là nõi lo âu và ám ảnh của không chỉ các hộ tư thương mà cả người dân Huyện Hương khê khi có mặt tại đây. Nhếch nhác và ô uế ở chợ Sơn là chuyện diễn ra hàng ngày. Nguy hại hơn là nếu không may xảy ra cháy thì theo những người trong cuộc là “điều bất khả kháng và chỉ biết khoanh tay đứng nhìn mà thôi. Bởi đường ra lối vào chợ đã được che chắn khắp mọi nơi”. Việc khẩn trương triển khai xây dựng chợ là cấp bách và cần thiết. Quan trọng hơn là trong điều kiện hiện tại thu hút được nhà đầu tư tự bỏ tiền GPMB và xây dựng chợ là rất khó khăn. Vì vậy, “cờ đến tay mà không biết phất” chỉ vì thiếu sự đồng thuận của người dân và thiếu cả nỗ lực quyết liệt của tất cả các bên liên quan không biết đến bao giờ công tác GPMB mới được triển khai.

“Ở Bình Dương tôi làm không hết việc, cớ gì phải “ôm rơm nặng bụng. Chẳng qua là mỗi lần về quê mua món quà tặng người thân cũng ngại khi phải lặn lội trong khu chợ nhếc nhác và tồi tàn nên tôi mới nảy ra ý định xây chợ. Cho đến nay để hoàn tất thủ tục tôi đã phải bỏ ra số tiền hơn 3 tỷ đồng; đặc biệt là tốn biết bao thời gian và công sức đi lại. Quy mô lớn nhỏ là do tỉnh và huyện quyết, chủ đầu tư sẽ đáp ứng được, chỉ có điều là phải khẩn trương bàn giao mặt bằng để chúng tôi thi công”, Giám đốc DN xăng dầu Phúc Lợi Nguyễn Bá Toàn trải lòng.

Như vậy, nếu không khẩn trương đẩy nhanh tiến độ GPMB không biết bao giờ việc xây dựng chợ mới được triển khai. Và, với tiến độ “rùa bò” liệu nhà đầu tư có tiếp tục mặn mà với dự án hay không?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast