Bài 1: Du lịch Hà Tĩnh muôn bề khó

Với 137 km bờ biển, 43 km đường biên giới liền kề với nước bạn Lào, nhiều di tích danh thắng như bãi biển Thiên Cầm, Xuân Thành, Nam Giới - Quỳnh Viên, Đèo Con, Nước Sốt -Sơn Kim, Ngã Ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, đền Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, khu lưu niệm Nguyễn Du, khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập,…Hà Tĩnh không thể gọi là địa phương nghèo về tiềm năng du lịch. Cái khó nhất của du lịch Hà Tĩnh nằm ở hạ tâng yếu kém, thời tiết khí hậu không thuận lợi, sự đầu tư cho du lịch còn quá mỏng. Cái khó làm bó cái khôn nên thu ngân sách từ du lịch còn quá ít ỏi. Nhiều “khoảng trống” trong đầu tư du lịch chưa được lấp đầy...

Du lịch Hà Tĩnh tìm hướng phát triển

Khó từ ngã bảy ngã ba khó về

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của bờ biển cũng như các di tích danh thắng của Hà Tĩnh, gần chục năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp khắp cả nước và trong tỉnh đã đầu tư vào các lĩnh vực của du lịch như: Khách sạn nhà hàng, Resof, trung tâm thương mại-khách sạn, siêu thị, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch núi và tâm linh... Hiện nay, toàn tỉnh có 140 cơ sở lưu trú, trong đó 1 KS đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 KS đạt tiêu chuẩn 3 sao, 17 KS đạt 2 sao, 19 KS 1 sao, 5 trung tâm lữ hành đã có kết nối tour tuyến với các khu du lịch trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, còn có một hệ thống nhà nghỉ, khu du lịch sinh thái nhỏ với vốn đầu tư từ 5- 7 tỷ đồng phục vụ du khách với mức giá rẻ.

Đã có “sao” rồi nhưng hệ thống khách sạn nhà nghỉ ở Hà Tĩnh vẫn không níu chân du khách được lâu. Chỉ được 4 - 5 tháng dập dìu đối với du lịch biển, còn lại là bão dông triều cường, mưa phùn gió bấc từ tháng 9 đến tháng 3 , thậm chí tháng 4 năm sau. Dễ hiểu vì sao ngày hè, du khách gọi KS nhà hàng ở Thiên Cầm là những “máy chém” với giá phòng ở có khi lên đến 1- 1,5 triệu đồng, giá hải sản đắt gấp đôi những nơi khác. Hà Tĩnh cũng không phải là trung tâm thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Khách lưu lại lâu chủ yếu là người đi công tác dài ngày , con em xa quê vào các dịp lễ tết và công việc gia đinh. Nhưng số này cũng không nhiều và không thường xuyên.

Bãi biển Thiên Cầm đẹp nhưng mỗi năm chỉ khai thác được khoảng 3 tháng

Bãi biển Thiên Cầm đẹp nhưng mỗi năm chỉ khai thác được khoảng 3 tháng

Đã khó khăn do thời tiết và khí hậu, du lịch Hà Tĩnh còn khó khăn về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng. Nằm giữa đoạn eo của “khúc ruột miền Trung”, không gần các trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế lớn, di sản thiên nhiên thế giới, đường đi lối về lại không thuận lợi, Hà Tĩnh dễ dàng bị bỏ qua trong hành trình của du khách. Yêu mến Hà Tĩnh lắm người ta mới về, nhưng sau chuyến hành trình mệt nhọc bằng tàu hỏa hay xông xênh cùng mây gió trên máy bay, xuống Vinh ( Nghệ An), lại phải nối tiếp hành trình 50 km nữa mới về đến nơi. Hà Tĩnh đã không ga tàu hỏa, không sân bay, nhiều tuyến đường lại bị xuống cấp, hư hỏng, nhỏ hẹp như đường 8 (Lên khu du lịch nước Sốt- Sơn Kim), Quốc lộ 15 B (Ba Giang đi Đồng Lộc)… Cũng vì đường sá cách trở nên Công ty du lịch Quỳnh Viên đầu tư 200 tỷ đồng vào hệ thống nhà nghỉ sinh thái ven biển Thạch Hải mấy năm nay bị thua lỗ nặng. Công ty CP Nước khoáng và du lịch Sơn Kim thưa thớt du khách. Nằm trong tình hình chung của một tỉnh nghèo, ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch còn quá ít ỏi.

Muôn bề khó khăn như vậy, cộng thêm suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát ở Việt Nam nên mặc dù còn nhiều “khoảng trống” lớn trong du lịch Hà Tĩnh nhưng các nhà đầu tư cũng ngại ngần. Theo báo cáo của Sở KH &ĐT, từ năm 2003 đên nay, có 15 dự án của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đăng ký lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ có 5 doanh nghiệp đã và đang thực hiện là Công ty TNHH Hoàng Ngân, Công ty CP Mai Ngọc, Công ty CP Đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh, Xí nghiệp tư doanh Trường Thọ, Công ty TNHH Tre Nguồn với tổng số vốn gần 338 tỷ đồng.

Trong bộn bề của nhiều công trinh, dự án trọng điểm, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều nơi. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm du khách ngại ngần khi đến với Hà Tĩnh

Chưa ló cái khôn

Khó khăn của ngành “công nghiệp không khói” Hà Tĩnh là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý di tích LSVH cũng chưa tìm hết cách để thu được tiền về cho ngân sách . Du lịch văn hóa tâm linh là thế mạnh của Hà Tĩnh. Những năm gần đây người về với Chùa Hương Tích (Thiên Lộc-Can Lộc) mỗi năm có khoảng 25 đến 30 vạn lượt người. Đây một “điểm nhấn” của du lịch Hà Tĩnh. Công ty cổ phần du lịch Hồng Lĩnh đã đầu tư 120 tỷ đồng vào hệ thống cabin cáp treo, 10 tháng năm 2012 thu về ngân sách nhà nước 5 tỷ đồng.

Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc trung bình mỗi năm có khoảng 2,5 vạn lượt người. Kế đó là đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Chợ Củi (Hoàng Mười) mỗi năm khoảng 1-1,5 vạn lượt người. Các di tích LSVH khác như Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Hải Thượng Lãn Ông cũng là những địa chỉ thu hút khá đông du khách. Thế nhưng, du khách sau khi về với các di tích LSVH để chiêm bái lại phải ra đi vì thiêu nơi vui chơi giải trí, ăn nghỉ liên hoàn thuận lợi. Ngoài Chùa Hương ra, do nhiều khu di tích không bán vé ( Ngã Ba Đồng Lộc, đền Chế Thắng phu nhân-Kỳ Anh), tiền công đức và lệ phí không quản lý được (như đền Chợ Củi - Xuân Hồng - Nghi Xuân) nên khoản thu về cho ngân sách là rất ít. 6 tháng đầu năm, toàn ngành nộp ngân sách gần 21,9 tỷ đồng.

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông đẹp và có giá trị lịch sử văn hóa nhưng đường đi khó khăn đã cản trở bước chân du khách

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông đẹp và có giá trị lịch sử văn hóa nhưng đường đi khó khăn đã cản trở bước chân du khách

Một điều không thể không nói đến là sự thiêu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Mối quan hệ gắn kết giữa các khu du lịch, di tích LSVH với các khách sạn rất lỏng lẻo. Nhân viên lễ tân nhiều khách sạn hiểu biết ít về các di tích LSVH trong tỉnh để có thể giới thiệu cho khách. Anh Nguyễn Tiến Trình – GĐ TT lữ hành Thành Sen cho biết: "Hiện nay, giữa các khách sạn, nhà hàng và khu du lịch, di tích LSVH với công ty lữ hành chưa thực sự gắn kết nên các công ty lữ hành chưa có điều kiện quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch Hà Tĩnh.”

Được biết TT Lữ hành Thành Sen đã có kết nối tour, tuyến với Hàn Quốc, Malaixia, Singapor, Lào, Thái Lan, Trung quốc và đang tiến hành kết nối với nhiều nước khác. Công ty du lịch Hà Tĩnh, Mail tour, Tân Hồng…đã có kết nối tua-tuyến ngoại tỉnh và ngoài nước nhưng việc quảng bá của các công ty còn hạn chế nên đã có những người Hà Tĩnh vẫn liên hệ tua ở Nghệ An

50% lao động trong ngành du lịch chưa được qua đào tạo nghề. Một số KS tư nhân hầu như chưa chú trọng đến công tác đào tạo nghiệp vụ khách sạn du lịch cho nhân viên nên chất lượng phục vụ thấp. Nhiều doanh nghiệp biết du lịch biển chỉ mang tính chất thời vụ nhưng vẫn đổ một lượng tiền không nhỏ vào đầu tư khách sạn cao cấp, trong khi đó “khoảng trống” lớn nhất ở Hà Tĩnh hiện nay là du lịch giải trí cho người dân, nhất là thanh thiếu niên. Họ khao khát được vui chơi thuởng ngoạn phong cảnh và thử cảm giác mạnh để có những phút giây sảng khoái sau những ngày học tập, lao động mệt nhọc. Đây là điều mà các doanh nghiệp du lịch ít quan tâm tới.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Võ Hồng Hải - Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh nhận định: “Nhìn tổng thể, du lịch Hà Tĩnh phát triển chưa mạnh, nguyên nhân chính nằm ở những khó khăn khách quan về địa lý, thời tiêt khí hậu, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, không như nhiều địa phương khác, Hà Tĩnh mới làm quen với kinh tế du lịch vài chục năm nay nên kinh nghiệm chưa nhiều. Hiện nay Sở đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đề án: "Cơ chế chính sách phát triển du lịch" cũng đã hoàn thành chuẩn bị trình HĐND tỉnh. UBND tỉnh đã công bố quy hoạch chi tiết khu văn hóa du lịch Nguyễn Du. Ngành đang trăn trở, tiếp cận với các nguồn lực để tìm hướng đi lên cho du lịch Hà Tĩnh. Trong bối cảnh hiện nay là không dễ nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực.”

Còn nữa...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast