(Bài 1): Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm

(Baohatinh.vn) - Có mặt tại các chợ từ thành thị cho đến nông thôn, điều dễ nhận thấy là hàng giả, hàng kém chất lượng đang được bày bán tràn lan. Đáng chú ý, trong khi chất lượng không được đảm bảo thì giá cả hàng hóa cũng được lái thương rao bán tùy hứng...

“Lỏng” trong quản lý, kiểm soát thị trường

Từ chuyện “loạn” giá…

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nông thôn ở Hà Tĩnh chiếm trên 75% sức mua của người dân toàn tỉnh. Thế nhưng, do buông lỏng quản lý, thị trường này lại đang là miếng đất màu mỡ cho các loại hàng nhái, hàng kém chất lượng tung hoành… Có mặt tại chợ thị trấn Kỳ Anh, điều dễ nhận thấy là sự tràn lan của hàng nhái, hàng kém chất lượng từ quần áo, giày dép, mũ, túi xách đến hàng điện tử dân dụng… Bên cạnh hàng nhái thì nơi đây cũng đang tồn tại câu chuyện “loạn” giá. Cùng chung một sản phẩm, chủng loại, kích cỡ, nhưng giá của các sản phẩm được bày bán tại chợ Kỳ Anh lại chênh nhau 30-50%. Đơn cử, một chiếc quần bò nam cùng chủng loại, kích cỡ, màu sắc, có ki-ốt rao bán 270-300 ngàn đồng, song cũng có nơi “hét” 420 ngàn đồng…

Hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan tại chợ Cương Gián (Nghi Xuân)
Hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan tại chợ Cương Gián (Nghi Xuân)

Chợ thị trấn Kỳ Anh hiện có hơn 600 hộ kinh doanh cố định và hơn 100 hộ kinh doanh thời vụ. Điều đáng nói, tuyệt nhiên không một hộ kinh doanh nào trong chợ chấp hành quy định niêm yết giá công khai. Theo chị Nguyễn Thị Hiền (kinh doanh hàng tạp hóa), việc công khai niêm yết giá chỉ được thực hiện mỗi khi các tiểu thương biết có cơ quan chức năng đi kiểm tra, còn bình thường chẳng ai quan tâm”. “Dù có niêm yết giá thì người dân vẫn mặc cả khi mua hàng, thành ra, chúng tôi phải kê giá cao hơn” - chị Lan, chủ một quầy bán vải ở chợ thị trấn Kỳ Anh khẳng định thêm. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các ki-ốt kinh doanh đều có bảng niêm yết giá nhưng chỉ khi nào có cơ quan chuyên môn đến kiểm tra thì mới được các chủ quầy vội vàng treo lên. Một số khách hàng ví von nếu không có kính lúp thì chẳng ai biết nội dung được phản ánh trên bảng giá, bởi chữ quá nhỏ!

Trong vai người đi mua hàng, chúng tôi có mặt ở chợ Sơn (Hương Khê) và được tận mắt chứng kiến việc bán hàng theo giá ngẫu hứng của các tiểu thương miền sơn cước. Thay vì công khai bảng giá từng sản phẩm cụ thể, quy định giá bán ở đây xuất phát từ chính… miệng chủ hàng. Một chiếc ao sơ mi nam được thách giá 400.000 đồng, thế nhưng, sau một hồi mặc cả, chị chủ hàng vui vẻ bán cho chúng tôi 210.000 đồng.

Đang vui vì “thương lượng” thành công, nhưng khi so sánh với sản phẩm cùng chủng loại ở một ki-ốt khác, chúng tôi mới biết mình bị “chém đẹp”. Lý giải vì sao việc niêm yết giá không được thực hiện theo quy định, đa số các tiểu thương ở đây đều cho rằng, mỗi một mặt hàng được nhập về với mỗi mức giá, thời điểm khác nhau nên khi bán ra không thống nhất. Ngoài ra, theo tìm hiểu của P.V, đại đa số người dân khi đi mua hàng đều không quan tâm (hoặc không biết) đến quy định niêm yết giá nên chỉ cần thấy mẫu mã đẹp, phù hợp với túi tiền là lựa chọn.

Đem câu chuyện “loạn” giá ở các chợ nông thôn trao đổi với BQL các chợ, các đội quản lý thị trường ở Kỳ Anh, Hương Khê, TX Hồng Lĩnh, Thạch Hà…, đáp án chung chúng tôi nhận được là: do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên rất khó quản lý. Còn BQL các chợ thì cho rằng, quản lý giá cả là việc của các cơ quan chức năng…

Đến chuyện không nguồn gốc

Điều có lẽ ai cũng biết ở hầu hết các chợ trên địa bàn hiện nay, đó là tình trạng hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ hoặc nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng vẫn được bày bán một cách công khai. Người tiêu dùng biết, cơ quan chức năng biết, nhưng cách quản lý, xử lý hàng không nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng mãi là bài toán không ai tìm lời giải.

Thịt gia cầm không kiểm soát bán tràn lan tại chợ Kỳ Anh
Thịt gia cầm không kiểm soát bán tràn lan tại chợ Kỳ Anh

Chợ TP Hà Tĩnh là đầu mối cung cấp các mặt hàng tiêu dùng cho các chợ nông thôn trên địa bàn. Việc cung cấp hàng hóa ở đây được thực hiện theo phương thức tiếp thị, phân phối của các chủ hàng ngoại tỉnh. Vì thế, các cơ quan chức năng rất khó kiểm duyệt, quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Bà C. - chủ quầy hàng tạp hóa tại chợ thành phố chia sẻ, chỉ cần khách hàng có nhu cầu và mô tả đặc điểm của mặt hàng đó, một cú điện thoại là sẽ có hàng. “Thường thì hàng hóa bán ở đây không cần hóa đơn đỏ hay chứng từ xuất xứ của sản phẩm, nhưng nếu khách hàng có nhu cầu thì việc hợp lý hóa không mấy khó khăn” - bà C. khẳng định.

Theo khảo sát của chúng tôi tại hầu hết các chợ trên địa bàn, gần 80% sản phẩm hàng tiêu dùng được bày bán đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Tất cả các mặt hàng này đều được nhập về từ Lạng Sơn thông qua các nhà phân phối tại Hà Nội và TP Vinh (Nghệ An). Tương tự, theo quan sát của P.V, các sản phẩm giày dép, đồ may mặc, đa số các sản phẩm đóng gói, hàng khô (phục vụ nội trợ) lưu thông trên thị trường hiện nay cũng đang trình làng với nguyên tắc “nhiều không”: không xuất xứ, không nhãn mác, không thời hạn sử dụng…

Trong vô vàn phương thức tiếp cận thị trường của hàng hóa, sự hiện diện của các loại thực phẩm tươi sống, nhất là các sản phẩm gia súc, gia cầm đặc biệt hơn cả, bởi quy trình kiểm tra giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm tại chợ được thực hiện một cách “trời ơi” nhất. Chúng tôi có mặt tại chợ Kỳ Anh, chợ Sơn, chợ Cày… vào lúc 4h sáng, thời điểm các “kiểm dịch viên” có mặt để kiểm dịch chất lượng các sản phẩm sau giết mổ. Thật ngạc nhiên, thay vì giám sát quy trình giết mổ động vật từ chuồng trại đến lò giết mổ và sản phẩm sau khi giết mổ, phần việc của những kiểm soát viên này chỉ là đóng dấu và phát phiếu cho sản phẩm trước khi vào chợ. Theo ý kiến của hầu hết các tiểu thương, người tiêu dùng thì công tác kiểm dịch như hiện nay, có chăng chỉ là một “kênh” thu phí của lực lượng thú y.

.

(còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast