Bán hàng đa cấp vươn ''vòi'' tận vùng sâu Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù chưa được các cơ quan chức năng địa phương cấp phép, song hình thức kinh doanh bán hàng đa cấp đang ngày càng vươn “vòi” mạnh mẽ trên khắp địa bàn Hà Tĩnh. Đây không phải là hoạt động kinh doanh mới, tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, điều dễ nhận thấy là nhiều bất cập, thậm chí biến tướng, vi phạm pháp luật của không ít cơ sở tham gia loại hình kinh doanh này.

Tiếng nói người trong cuộc

Những ngày này, huyện miền núi Hương Khê trở nên ồn ào hơn khi cơ sở kinh doanh Hoàng Giang Phúc mở cửa (cách đây hơn 3 tháng). Người tin, bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu để trở thành nhân viên bán hàng của công ty; kẻ ngờ vực nhưng vẫn còn tiếc nuối. Cách làm không mới, chỉ bằng những lời nói có cánh, với mức lợi nhuận siêu khủng mà không phải làm việc, các cơ sở bán hàng đa cấp đã thu hút rất nhiều người dân tham gia. Bên cạnh đó, cũng có những câu chuyện dở khóc, dở cười khi vỡ lẽ.

Bán hàng đa cấp vươn ''vòi'' tận vùng sâu Hà Tĩnh ảnh 2

Nhân viên Ngô Toàn Năng (cơ sở kinh doanh Hoàng Giang Phúc) "tiếp thị" phương thức hoạt động của đơn vị này

Anh Ngô Toàn Năng - nhân viên cơ sở kinh doanh Hoàng Giang Phúc (cơ sở thuộc Công ty Thiên Ngọc Minh Uy) tại Hương Khê “tiếp thị”: Cơ sở đã được tổng công ty cấp phép và có đủ điều kiện hoạt động. Khách hàng tham gia bắt buộc phải có người giới thiệu. Khi tham gia, khách hàng phải mua ít nhất một gói sản phẩm của công ty (gói sản phẩm trị giá 10,7 triệu đồng; gói bảo dưỡng sức khỏe trị giá 11,8 triệu đồng). Sau khi mua, khách hàng sẽ trở thành chuyên viên của công ty. Nếu mua hàng trong tháng 5/2015, khách hàng sẽ được công ty khuyến mãi, tặng lại 25 triệu đồng (nhận 3 lần) mà không cần phải làm gì, thời gian nhận tiền phụ thuộc vào doanh thu của công ty mẹ.

Khi đã là chuyên viên của công ty, khách hàng sẽ có quyền kinh doanh, gọi nôm na là quyền mời bạn; khách hàng sẽ không phải tiếp thị, không phải quảng cáo, không tư vấn cũng không cần bán hàng, chỉ cần giới thiệu bạn bè hay những người có nhu cầu đến tìm hiểu tại Hoàng Giang Phúc. Khách hàng mua càng nhiều gói thì cấp bậc càng cao…

Bán hàng đa cấp vươn ''vòi'' tận vùng sâu Hà Tĩnh ảnh 3

Chị Trần Thanh Dung ở thị trấn Hương Khê...

Chị Dung (thị trấn Hương Khê): Chị đã mua 6 gói sản phẩm của Công ty Hoàng Giang Phúc cách đây 1 tháng. Chị cũng đã tìm hiểu khá nhiều, ngay khi được giới thiệu và rút toàn bộ số tiền tiết kiệm để mua hàng, đây là cơ hội làm giàu chỉ dành cho những người biết nắm bắt. Nếu họ lừa đảo thì sao đến bây giờ vẫn tồn tại được, có nhiều người còn vay tiền ngân hàng để tham gia vào công ty đó.

Bán hàng đa cấp vươn ''vòi'' tận vùng sâu Hà Tĩnh ảnh 4

... và chị Nguyễn Thị Năm ở xã Thiên Lộc (Can Lộc) chia sẻ quá trình tham gia bán hàng đa cấp của bản thân

Chị Nguyễn Thị Năm (Thiên Lộc - Can Lộc): “Đầu tháng 3/2015, tôi tham gia bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (TP Hà Tĩnh) với 10 phiếu mua hàng trị giá 107 triệu đồng. Là hợp đồng bán hàng nhưng tôi không cần phải bán hàng, thậm chí, không mang hàng về nhà. Công việc của tôi chỉ là giới thiệu người đến chỗ họ để tiếp tục tham gia. Về sau, thấy nghi ngờ nên tôi bắt đầu tìm hiểu, may rằng, có người quen phân tích nên tôi hiểu ra, không thể có chuyện tiền tự nhiên đến mà không cần phải làm việc, cùng với những điều chưa rõ ràng trong bản hợp đồng đã ký nên tôi đến công ty xin hủy hợp đồng và nhận lại tiền. Với sự giúp sức của người quen, tôi nhận lại 98.970.000 đồng, do bị trừ 10% cho các phiếu đặt hàng. Dù bị mất gần 10 triệu nhưng tôi vẫn là người may mắn, chứ nhiều người khác không lấy lại được tiền”.

Ý kiến của cơ quan chức năng

Lợi nhuận sinh ra nhờ giá trị thặng dư của sản xuất hàng hóa, thế nhưng, theo lời giới thiệu của nhân viên các công ty bán hàng đa cấp thì không cần phải làm gì cũng sinh ra “siêu lợi nhuận”. Có thể hiểu đơn giản rằng, một số công ty bán hàng đa cấp lấy tiền của người tham gia sau để trả cho người tham gia trước. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn còn “đau đầu” về cách thức hoạt động của các công ty bán hàng đa cấp thì trước hết người dân cần tự bảo vệ mình, tránh để lòng tham lấn át, “tiền mất, tật mang”.

Bán hàng đa cấp vươn ''vòi'' tận vùng sâu Hà Tĩnh ảnh 5

Ông Trần Đình Hồng – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh: Trên thực tế, các tổ chức kinh doanh loại hình này lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người tiêu dùng để "gài bẫy"

Ngoài ra, theo khảo sát, không ít đơn vị kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn vi phạm Khoản 1 (yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp) và Khoản 3 (cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp); Điều 48, Luật Cạnh tranh năm 2004.

Ông Trần Đình Hồng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh: “Đối với loại hình bán hàng đa cấp, mặc dù đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, ngày 14/5/2014 của Chính phủ nhưng trong thực tế, các tổ chức kinh doanh loại hình này lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người tiêu dùng nên đã đưa vào hợp đồng do họ soạn sẵn không đúng quy định, có hiện tượng mập mờ, dễ để người tham gia sập bẫy “ma trận”, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế của nhiều người. Không ít người đã đến gặp chúng tôi khiếu nại, khiếu kiện, nhờ được tư vấn để lấy lại tiền, nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Năm”.

Ông Đậu Duy Hưng - Phòng PC44, Công an tỉnh: Theo thống kê, hiện tại, trên địa bàn Hà Tĩnh có đến 18 cơ sở hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, nhưng do các cơ sở thường xuyên thay đổi địa chỉ, không đăng ký đúng chức năng kinh doanh nên các cơ quan chức năng vẫn khó nắm bắt và quản lý. Xét về lý thuyết, bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh hiện đại, đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, hình thức này đã bị nhiều cơ sở, doanh nghiệp biến tướng, gây thiệt hại cho không ít người dân. Trước khi các cơ quan có thẩm quyền làm rõ, người dân nên tìm hiểu kỹ, xem xét các điều khoản trong hợp đồng để tránh bị lợi dụng, thiệt thòi.

Bán hàng đa cấp vươn ''vòi'' tận vùng sâu Hà Tĩnh ảnh 6

Ông Đậu Duy Hưng - Phòng PC44, Công an tỉnh: Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh có đến 18 cơ sở hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, nhưng do các cơ sở thường xuyên thay đổi địa chỉ, không đăng ký đúng chức năng kinh doanh nên các cơ quan chức năng vẫn khó nắm bắt và quản lý.

Ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh: “Sở Công thương là đơn vị quản lý trực tiếp đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp, tuy nhiên, để quản lý tốt, cần có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị khác. Chúng tôi khẳng định, đến nay vẫn chưa xác nhận và cấp phép cho bất kỳ cơ sở kinh doanh bán hàng đa cấp nào trên địa bàn Hà Tĩnh, đồng nghĩa với việc các cơ sở đang hoạt động trên địa bàn là vi phạm pháp luật. Trong vấn đề này, chính quyền địa phương cần phải nắm rõ, quản lý chặt và sát đối với các cơ sở bán hàng đa cấp, nếu phát hiện dấu hiệu hoạt động trái với pháp luật cần phối hợp để xử lý kịp thời, tránh để người dân phải chịu thiệt thòi”.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast