Biển vào mùa...

(Baohatinh.vn) - Trải dọc bờ biển dài hơn 137 km, Hà Tĩnh có rất nhiều bãi tắm đẹp gắn với các danh lam, thắng cảnh tự nhiên kỳ vĩ và thơ mộng. Đây là lợi thế để phát triển du lịch biển.

Tiềm năng lớn

Từ điểm đầu cực Bắc Nghi Xuân đến mũi Đao phía Nam xứ biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm thơ mộng như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con v.v... Đây là những bãi biển tự nhiên, hoang sơ, kỳ vĩ, làn nước trong xanh, thơ mộng, có bãi cát vàng mịn, bằng phẳng, vừa có nhiều đặc sản hấp dẫn du khách gần xa...

Khu du lịch Thiên Cầm tấp nập du khách gần xa. Ảnh: Hương Thành
Khu du lịch Thiên Cầm tấp nập du khách gần xa. Ảnh: Hương Thành

Đi từ bãi tắm Xuân Thành đến Khu du lịch biển Thiên Cầm, ta sẽ được thả mình trên làn nước biển trong xanh, được thưởng thức những thức ngon, vật lạ. Biển Xuân Thành là nơi khởi đầu cuộc hành trình khám phá, trải nghiệm của chúng tôi. Dọc bãi biển Xuân Thành là con sông nước ngọt Mỹ Dương từ núi Hồng Lĩnh chảy về. Vượt cầu tre qua sông là dải phi lao rợp mát nhoài ra tận chân sóng. Biển cứ vờn cát trắng, sông cứ chảy theo rừng, tạo nên một không gian thật thơ mộng… Được quy hoạch thành khu du lịch biển từ khi tách tỉnh đến nay, cơ sở hạ tầng bãi tắm Xuân Thành vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ với những dãy quán hàng nứa lá dân dã. Sóng gió đan dệt vào nhau, quyện cùng hương vị tươi ngon đặc sản biển càng tôn lên vẻ đẹp của một vùng văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách. Điều đặc biệt là Khu du lịch Xuân Thành không xa Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu di tích quốc gia đặc biệt, nhà thờ Nguyễn Công Trứ, những nơi thường diễn ra các lễ hội văn hóa của CLB ca trù, chèo Kiều… Một không gian văn hóa mở ra, thu hút bước chân du khách, học sinh, sinh viên tìm về.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình hướng về bãi tắm Thiên Cầm - một trong những bãi biển đẹp của miền Trung gắn với sự tích “đàn trời”, truyền thuyết về Hồ Quý Ly. Trên núi Cầm Sơn (rú Cùm) có chùa Cầm Sơn. Đứng trên lưng chừng núi, nghe tiếng chuông chùa và ngắm màn đêm buông xuống trên biển với muôn ngàn ánh đèn câu mực, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị. Cuối bờ biển về hướng Nam là cảng cá Cửa Nhượng với nhiều hải sản quý lên tới cả trăm loài, nhất là tôm hùm, cá, sò, cua, mực… với vị ngon riêng, ít nơi nào sánh được.

Trời dần về chiều, 2 dãy quán hàng bên hành lang đường bao Khu du lịch Thiên Cầm bắt đầu kín chỗ. Về nghỉ dưỡng ở Thiên Cầm dịp đầu mùa, chủ yếu là khách du lịch đến từ các tỉnh phía Bắc. Ngoài các bàn tiệc được bày biện tươm tất tại các phòng ăn khách sạn, rất nhiều gia đình chọn cách ngồi ở các quán hàng dọc bờ biển để thưởng thức các món hải sản tươi sống do cư dân bản địa chế biến. Chủ quán Võ Văn Đông (xóm Xuân Hải - Cẩm Nhượng) cho biết: “Mấy bữa ni, biển lặng nên cũng trữ được nhiều hàng tươi. Hàng hải sản của tôi lấy trực tiếp từ thuyền câu, giá cả phải chăng nên rất nhiều khách đặt”. Gia đình anh Trần Đình Tú, du khách đến từ Hà Nội ngồi cạnh bàn chúng tôi cứ tấm tắc khen món mực nướng một nắng của ông Đông và chia sẻ: “Đặc sản biển ở đây tươi, lại rẻ, nhưng biển Thiên Cầm thì vẫn còn thiếu dịch vụ vui chơi giải trí cho bọn trẻ”.

Ngoài 2 bãi biển nói trên, những năm gần đây, các bãi biển Xuân Hải (Thạch Bằng, Lộc Hà), Kỳ Xuân (Kỳ Anh) cũng được du khách biết đến với những lợi thế riêng. Bãi biển Thạch Hải sau mấy năm trầm lắng vì dự án mỏ sắt Thạch Khê, 2 năm gần đây đã phục hồi. Với lợi thế gần thành phố, hải sản ngon, Thạch Hải cũng là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong những ngày nắng nóng.

Đôi điều trăn trở

Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, thuộc tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” lại có tiềm năng lớn về du lịch biển, nhưng hoạt động đầu tư, khai thác của tỉnh ta trong những năm qua còn nhiều hạn chế. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Trần Sáng cho biết: “Hà Tĩnh tuy có nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng thực tế, du lịch Hà Tĩnh còn nhiều bất cập, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển, thiếu tầm nhìn tổng thể nên còn ẩn chứa những nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển. Hy vọng, thời gian tới, tiềm năng du lịch biển sẽ được khơi dậy mạnh mẽ hơn”.

Năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013–2020. Trong đó, Khu du lịch Thiên Cầm đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch thành khu du lịch quốc gia và là một trong 46 khu du lịch quốc gia trọng điểm của cả nước. Đây là một dự án quan trọng, có ý nghĩa tạo bước đột phá để đưa ngành du lịch tỉnh nhà nói chung và du lịch biển nói riêng phát triển toàn diện.

Thời gian tới, để xây dựng các khu, điểm du lịch biển hấp dẫn du khách, trước hết, cần thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới khách sạn, nhà hàng, tăng cường năng lực sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến dịch vụ du lịch - thương mại cũng cần được chú trọng.

Ngoài ra, cần tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các điểm du lịch biển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với phát huy giá trị di sản, danh thắng, truyền thống văn hóa, lịch sử. Theo đó, cần tăng cường quản lý nhà nước đối với các khu, điểm du lịch biển; thường xuyên thông tin, công khai giá các loại hàng hóa, dịch vụ tại khu du lịch để khách hàng biết, nhằm tránh tình trạng chèo kéo, ép giá khách du lịch. Kiểm tra công tác ATVSTP tại các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên và lao động tại các khu, điểm du lịch; trang bị phương tiện cho các đội cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho khách tắm biển…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast