Chặng đường mới, vị thế mới

69 năm qua, từ hình ảnh một đất nước gắn với chiến tranh liên miên, thậm chí không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ với hầu hết các nước, tham gia vào các tổ chức kinh tế quan trọng với vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và toàn cầu.

Kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007... dải đất hình chữ S đã khiến nhiều nước phải chú ý, chủ động đặt quan hệ ngoại giao và kinh tế lâu dài. Với 8 FTA khu vực và song phương đã có, Việt Nam đang tiếp tục tham gia đàm phán 10 hiệp định lớn và đặc biệt quan trọng khác.

Một số hiệp định đang trong giai đoạn nước rút, dự kiến sẽ sớm đi đến ký kết, đó là: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định FTA giữa Việt Nam và khối 4 nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ (EFTA), Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA), Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA). Ngoài ra, còn hai hiệp định mang tính toàn diện khu vực và có lộ trình đàm phán dài hơi hơn là: RCEP- giữa ASEAN và 6 nước đối tác Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, NewZealand, Australia và Trung Quốc; và Hiệp định FTA ASEAN-HongKong (AHKFTA) vừa khởi động đàm phán.

Ông José Manuel Durão Barroso - Chủ tịch Ủy ban Châu Âu:

Thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự thịnh vượng của nền kinh tế châu Á và Việt Nam không là ngoại lệ. Trong khi nước Anh phải mất 155 năm để tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người, 50 năm với Mỹ và Việt Nam chỉ mất ít hơn 10 năm.

Với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn được xem là một người bạn tin cậy, chân thành, cũng như có trách nhiệm và sáng kiến cho cộng đồng. Còn đối với các nước khu vực châu Âu, Việt Nam có một vị trí rất thuận lợi, là “cửa ngõ chiến lược” để hàng hóa châu Âu thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á và thị trường châu Á rộng lớn, sôi động. Tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn, cộng đồng quốc tế luôn nhận được hưởng ứng và quan tâm sâu sắc.

Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italia (ICHAM) tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Báo Công Thương về đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước khẳng định: Vượt qua khủng hoảng, Việt Nam đang dần lấy lại lòng tin của các doanh nghiệp (DN) châu Âu với chỉ số kinh doanh tăng liên tục. Hầu hết DN Italia đều cảm thấy hài lòng và mong muốn được mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Còn với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông đã thốt lên trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái: Không ai không ngạc nhiên khi thấy một Việt Nam hiện đại đã thay đổi thế nào chỉ trong 20 năm. Một đất nước từng bị cô lập vì cấm vận giờ có thể là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ tại khu vực. Thật đáng kinh ngạc. Đây không phải ngẫu nhiên, mà có sự cam kết và tầm nhìn của hàng ngũ lãnh đạo đất nước.

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế - cho biết: Có thể nói, việc tham gia và thực hiện các hiệp định FTA là một phần quan trọng trong chủ trương, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Bên cạnh tác động trực tiếp là mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu của ta, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì các hiệp định FTA thế hệ mới này sẽ có một số quy định về thể chế kinh tế, với tác động tích cực là tăng cường tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.

Theo Thu Hằng/Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast