Chè Thượng Lộc hối hả ra chợ Tết

(Baohatinh.vn) - Những ngày cận kề Tết, tạm xa chốn phố thị tấp nập, chúng tôi tìm về Thượng Lộc (Can Lộc) và khá bất ngờ trước bầu không khí ở xã miền núi này. Từng đoàn xe của các thương lái nối đuôi nhau thu gom nguồn chè tốt tươi để cung ứng cho thị trường Tết...

Được mùa, được giá, niềm vui của người nông dân Thượng Lộc như nhân lên gấp bội
Được mùa, được giá, niềm vui của người nông dân Thượng Lộc như nhân lên gấp bội

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Hà (xã Vượng Lộc – Can Lộc) chia sẻ: “Vào mỗi vụ thu hoạch chè chính, và nhất là dịp Tết, tôi lại lên đây để nhập chè về bán. Chè Thượng Lộc số lượng nhiều, chất lượng lại đảm bảo”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chè Thượng Lộc có tuổi thọ khá lâu đời. Theo thời gian, cùng với đôi bàn tay của con người, chè càng được nhân rộng và phát triển. Được trồng trên đất đồi, đá sỏi nên chè ở đây có nét đặc trưng khá riêng biệt so với các vùng khác.

Lá chè Thượng Lộc không quá to bản, xanh và rất dày. Đây là những dấu hiệu cho thấy loại chè ngon. Các cụ cao niên trong làng cho hay: “Chè Thượng Lộc khi vò nấu có màu nước xanh và trong, cho mùi thơm dịu nhẹ. Khi mới uống sẽ thấy vị chát đầu lưỡi, nhưng điều đặc biệt là càng uống ta sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên, rất đậm đà”. Phải chăng vì thế mà nó đã “cảm mến” được khách muôn phương, để rồi người ta phải “say mê’ và không thể không tìm đến nó.

Ông Nguyễn Viết Chính – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: “Ở Thượng Lộc, chè được trồng khá phổ biến, ít hay nhiều nhà nào cũng có. Nhưng chủ yếu tập trung ở các xóm: Sơn Bình, Thanh Mỹ, Nam Phong, Đông Phong, Vĩnh Xá, Anh Hùng, Đồng Thanh… Trong những năm gần đây, bà con đã mở rộng mô hình chè, góp phần tích cực cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế”.

Chè Thượng Lộc có mặt khắp các chợ ở Can Lộc và các vùng phụ cận.
Chè Thượng Lộc có mặt khắp các chợ ở Can Lộc và các vùng phụ cận.

Chè được người dân tỉa bán quanh năm, nhưng có hai vụ thu hoạch lớn, đợt đầu năm kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 và đợt cuối năm đúng vào dịp Tết. Bà con nơi đây cho biết: Để có chè ngon, ngoài yếu tố đất đai, khí hậu, còn phụ thuộc vào quy trình chăm sóc. Phải thường xuyên xới cỏ, tấp rơm rạ, bỏ phân mỗi năm hai đợt. Chè là loại cây sinh trưởng rất mạnh. Khi thu hoạch, phải cắt bỏ tận gốc, nhưng sau vài ngày lại nhú lên những chồi non và cứ thế nó lại tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Bác Bùi Bồi – người trồng chè lâu năm ở xóm Sơn Bình tâm sự: “Gia đình tôi trồng chè từ năm 1979. Với trên 5 sào chè, mỗi năm trừ chi phí, chúng tôi lãi khoảng vài chục triệu”.

Cận kề tết, không khí ở nơi đây càng nhộn nhịp. Từ các chuyến xe, chè Thượng Lộc đi về muôn ngả. Chè Thượng Lộc có thị trường tiêu thụ khá rộng lớn, bao trùm huyện Can Lộc và vùng phụ cận như Hồng Lĩnh, Nghi Xuân…

So với mọi năm, chè năm nay được giá hơn. Tại gốc, chè được bán với mức giá từ 10-15 ngàn đồng/kg tùy theo từng loại, trong khi đó năm ngoái chỉ giao động từ 7-9 ngàn đồng/kg. Ông Võ Đình Chất, người trồng 1 mẫu chè, cho hay: “Tết này, các nhà buôn đến gia đình tôi mua chè rất đông. Vì số lượng chè quá nhiều nên người nhà phải cùng thu hoạch với họ. Từ vườn chè, chúng tôi có trên dưới 10 triệu đồng để ăn Tết”.

Được mùa, được giá, niềm vui của người nông dân như nhân lên gấp bội, nhất là trong thời khắc chuẩn bị bước sang năm mới. Những đồi chè xanh ngắt, trải dài trong nắng như mang đến cho người dân Thượng Lộc niềm tin, hy vọng mới trong những ngày Tết đang cận kề.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast