Chính thức chuyển quản lý giá sữa về Bộ Công thương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giá. Theo đó, việc theo dõi và giám sát thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi không còn thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.

chinh thuc chuyen quan ly gia sua ve bo cong thuong

Từ 1/1/2017, việc theo dõi và giám sát thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi không còn thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Ảnh T.L minh họa

Thay vào đó, Nghị định 149/2016/NĐ-CP quy định Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi. Đồng thời, việc đăng ký giá sữa này ở cấp trung ương sẽ do Bộ Công thương tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá.

Cùng với đó, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ quyết định về đăng ký giá; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 06 tuổi nhằm thực hiện bình ổn giá.

Nghị định 149/2016/NĐ-CP cũng quy định các bộ, ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký giá ở trung ương để hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng phù hợp với từng thời kỳ.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết mặt hàng: Thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ); Vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết mặt hàng: Phân đạm urê; phân NPK.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết mặt hàng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Ngoài giá sữa, thẩm quyền định giá một số dịch vụ hàng không cũng được chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải sẽ quy định giá cụ thể đối với các dịch vụ hàng không bao gồm: dịch vụ cất cánh, hạ cánh; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; phục vụ hành khách; bảo đảm an ninh hàng không và dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Bên cạnh đó, Nghị định 149/2016/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền và trách nhiệm định giá. Theo quy định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật giá và giá hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Nghị định quy định rõ Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: Giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải (bao gồm dịch vụ đăng kiểm phương tiện thiết bị giao thông vận tải và các công trình khai thác, vận chuyển dầu khí biển). Khung giá đối với nước sạch sinh hoạt; dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật; dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định giá tối đa đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập. Giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia (trừ hàng dự trữ quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); định mức chi phí nhập, chi phí xuất tại cửa kho dự trữ quốc gia và chi phí xuất tối đa ngoài cửa kho, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Giá bán tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá điếu tiêu thụ trong nước...

Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định: Giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện; giá tối thiểu đối với dịch vụ kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế...

Ngoài ra, Nghị định 149/2016/NĐ-CP còn bổ sung về quyền quy định giá thuộc phạm vi quản lý địa phương của HĐND cấp tỉnh gồm: Dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước (trừ dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế); dịch vụ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập (học phí).

Đồng thời, Nghị định mới cũng bỏ nội dung lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng điện bán lẻ và thóc, gạo tẻ thường; bổ sung mặt hàng Etanol nhiên liệu không biến tính (E 100), khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) vào danh mục mặt hàng thuộc diện kê khai giá.

Nghị định 149/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2017./.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast