Chuyển đổi mô hình quản lý chợ (Kỳ 1): Bất cập trong quản lý

(Baohatinh.vn) - Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 173 chợ các loại, trong đó có 2 chợ hạng 1, 8 chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3 và một số chợ tạm. Hệ thống chợ đã góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên, do công tác quản lý hoạt động kinh doanh chợ lâu nay không được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều tồn tại, bất cập khiến cho hệ thống chợ chưa phát huy hết hiệu quả.

Quản lý lỏng

Mặc dù việc quản lý nhà nước về chợ được quy định rõ tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ đối với từng loại chợ, nhưng trên thực tế ở tỉnh ta lâu nay, việc quản lý chợ đang diễn ra một cách rất tùy hứng! Trên địa bàn tỉnh hiện tồn tại 3 loại hình: ban quản lý (BQL) chợ (do UBND quản lý); doanh nghiệp, HTX quản lý; tổ chức, cá nhân quản lý. Loại hình BQL, hiện tại, chợ hạng 1 là chợ TP Hà Tĩnh, được thành lập BQL theo đúng quy định; chợ hạng 2, duy nhất chỉ có chợ thị xã Hồng Lĩnh thực hiện theo đúng quy định (UBND thị xã ra quyết định thành lập BQL); còn lại, ở tất cả các huyện, việc quản lý chợ hạng 2 đều giao cho thị trấn đảm nhiệm là sai quy định (BQL là đơn vị sự nghiệp, phải trực thuộc UBND huyện).

Mặc dù nằm ở vị trí đẹp, trên khuôn viên rộng hàng ngàn m2 giữa trung tâm nhưng nguồn thu nộp vào ngân sách từ Chợ TP. Hà Tĩnh mỗi năm chỉ được 1,6 tỷ đồng
Mặc dù nằm ở vị trí đẹp, trên khuôn viên rộng hàng ngàn m2 giữa trung tâm nhưng nguồn thu nộp vào ngân sách từ Chợ TP. Hà Tĩnh mỗi năm chỉ được 1,6 tỷ đồng

Về mô hình doanh nghiệp, HTX quản lý chợ đang được áp dụng tại Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Đức Thọ (chợ hạng 1 và hạng 2). Các chợ còn lại là do tổ chức, cá nhân quản lý. Tại một số chợ hạng 3 như chợ Nhe (Can Lộc); chợ Hương Lâm, chợ Ga Phúc Trạch (Hương Khê), chợ Cương Gián (Nghi Xuân),… do UBND xã quản lý, có thành lập BQL chợ nhưng thực chất là hoạt động theo mô hình tổ quản lý. Ngoài ra, hầu hết các chợ hạng 3 và chợ tạm hiện nay do UBND cấp xã quản lý đều tổ chức theo hình thức cho cá nhân đứng ra ký hợp đồng quản lý, thu phí, hàng tháng nộp tiền về UBND xã, thị trấn (giao khoán cho cá nhân quản lý). Trên thực tế, các tổ chức, cá nhân này hoạt động không có nội quy, quy chế, không sử dụng biên lai thu phí của cơ quan thuế, không có hợp đồng lao động cũng như không thực hiện đúng quy định ở nhiều nội dung liên quan.

Hoạt động tùy tiện

Nhìn chung, việc tổ chức bộ máy các BQL chợ cũng như cách quản lý chợ hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hiệu quả. Các chợ, nhất là chợ hạng 3 do cấp xã quản lý hầu hết đều ban hành quyết định tổ chức bộ máy tùy tiện, hợp đồng lao động không đúng các quy định của pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy kéo theo. Trên thực tế, chỉ có chợ TP Hà Tĩnh, chợ Hội Cẩm Xuyên và một số ít chợ hạng 2 được xã hội hóa; số còn lại đều được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, rất nhiều chợ ở các xã hiện nay, nhất là những chợ được xây dựng từ nguồn các dự án, các BQL cũng như chính quyền đều không có hồ sơ xây dựng, không mở sổ sách theo dõi tài sản, không tính khấu hao tài sản...

Do khoản thu quá thấp nên chợ Thạch Hà không được tái đầu tư dẫn đến nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng
Do khoản thu quá thấp nên chợ Thạch Hà không được tái đầu tư dẫn đến nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng

Nhiều tổ chức, cá nhân được giao quản lý chợ chưa thực hiện đúng quy định nên việc xây dựng nội quy chưa đúng; không có phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng hợp lý, không đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, VSATTP, không thực hiện tốt các quy định về quản lý thị trường tại chợ… Nhiều BQL chợ, HTX, tổ quản lý chợ, nhất là các chợ quản lý theo hình thức giao khoán cho cá nhân, chỉ lo tập trung thu phí để lấy lợi nhuận, chứ chưa quan tâm đến nhiệm vụ chính trị, chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý, chưa phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường kiểm tra, giám sát công tác VSATTP, giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh thực hiện niêm yết giá, sử dụng hóa đơn trong kinh doanh, đăng ký kinh doanh. Hầu hết các chợ giao khoán cho cá nhân đều không có quyết định thành lập BQL, không có quy chế sử dụng lao động, không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH cho người lao động…

Cũng chính việc thực hiện quản lý nhà nước về chợ lỏng lẻo nên một số BQL chợ đã “nhận ào” quá nhiều lao động, khiến cho hoạt động của chợ không mang lại hiệu quả về mặt kinh tế. BQL chợ TP Hà Tĩnh là một điển hình. BQL chợ hiện có đến trên 165 cán bộ, nhân viên, người lao động, trong khi thực tế chỉ cần khoảng dưới 100 người. Tổ quản lý điện và phòng chống cháy nổ hiện tại 8 người; tổ bảo vệ lên đến 61 người… Số lao động dôi dư kinh khủng đó đã ngốn kinh phí cực lớn cho việc trả lương, khiến đơn vị chưa nộp đủ tiền thuế. Năm 2013, riêng tiền lương mà BQL chợ thành phố phải trả cho người lao động lên đến 7 tỷ 727 triệu đồng.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast