Đìu hiu chợ giết mổ "chính quy", gà “không dấu” tràn lan trên phố!

(Baohatinh.vn) - Trung bình mỗi ngày, chợ kinh doanh, giết mổ gia cầm tập trung của TP Hà Tĩnh (phường Tân Giang) chỉ kiểm dịch xấp xỉ 200 con gà, trong khi thực tế tiêu thụ lượng gia cầm này trên toàn thành phố ước đạt 1.500 - 2.000 con/ngày. Nghĩa là, một lượng lớn gà “không dấu” vẫn được tiêu thụ tràn lan trên phố.

Đìu hiu chợ giết mổ “chính quy”, gà “không dấu” tràn lan trên phố!

Chợ kinh doanh, giết mổ gia cầm tập trung của TP Hà Tĩnh chỉ có 2 hộ kinh doanh

9 giờ sáng, chợ kinh doanh, giết mổ gia cầm tập trung ở phường Tân Giang vắng tanh. Trong khuôn viên 5.000m2, thiết kế dành cho khoảng 40 hộ kinh doanh nhưng hiện chỉ có 2 hộ kinh doanh hoạt động.

Ông Hoài – 1 trong 2 chủ hộ kinh doanh của chợ cho hay: “Có mối lấy hàng đâu mà làm. Trung bình, mỗi ngày tôi chỉ xuất bán tầm 50 - 70 con gà đã làm lông và được kiểm dịch đầy đủ, chủ yếu là gà lai”.

Trái với cảnh đìu hiu ở trong chợ, cách đó vài trăm mét, một "chợ gia cầm" tự phát hoạt động khá nhộn nhịp. Khi có nhã ý hỏi mua gà về làm đám cưới, chúng tôi được quảng cáo nhiệt tình: “Yên tâm đi, gà của chị đảm bảo ngon tuyệt vời. Toàn gà cỏ, gà nuôi bằng lúa trong dân chứ không phải gà bở thịt mô”.

Khi thắc mắc về dấu kiểm dịch, chị bán hàng phân trần: “Em kỹ tính quá. Chị nói thật, gà kiểm dịch toàn gà lai, không ngon bằng gà nhà”.

Đìu hiu chợ giết mổ “chính quy”, gà “không dấu” tràn lan trên phố!

Một "chợ gà" nhộn nhịp ngay đường vào chợ kinh doanh, giết mổ gia cầm tập trung

Các chợ TP Hà Tĩnh, Vườn Ươm hay chợ Trung Đình và đa số các chợ nhỏ lẻ khác trên địa bàn TP Hà Tĩnh, cảnh mua bán gia cầm "không dấu" cũng diễn ra tương tự.

Tại chợ TP Hà Tĩnh, sau khi chọn mua gà sống, khách hàng chỉ phải bỏ ra 10 - 15 nghìn đồng/con để sử dụng dịch vụ làm lông ngay tại chỗ. Sau 10 phút, khách hàng đã có thể xách về nhà một con gà sạch lông, “sạch” cả dấu kiểm dịch bắt buộc theo quy định.

Khi hỏi mua gà có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng, một chị bán gia cầm trước cổng chợ Vườn Ươm nhanh nhảu: “Có chứ” và mở ngay một túi gà đã làm sẵn có đóng dấu kiểm dịch. Ngay lập tức, người bán ở quầy bên cạnh nói với sang: “Kiểm dịch mà làm chi, gà cỏ không ngon hơn à”(?!)

Đìu hiu chợ giết mổ “chính quy”, gà “không dấu” tràn lan trên phố!

Phí kiểm dịch hiện nay là 500 đồng/con

Đưa thực trạng này đến “gõ cửa” Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng - vật nuôi TP Hà Tĩnh, Giám đốc Nguyễn Chính Hùng cho biết: “Theo Quyết định số 30 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc giết mổ gia súc, gia cầm để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, được cơ quan thú y có thẩm quyền thực hiện kiểm soát trước, trong và sau giết mổ. Như vậy, thực trạng mua bán gà không kiểm dịch nói trên là vi phạm quy định pháp luật”.

Theo thống kê của Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng - vật nuôi TP Hà Tĩnh, hiện nay, trung bình đơn vị chỉ thực hiện kiểm dịch cho trên dưới 200 con gà mỗi ngày. Điều đáng nói, năm 2018, số lượng kiểm dịch ít hơn gần 1/2 so với trước đây (trước đây 400 – 500 con/ngày) và nguyên nhân “hụt” chủ yếu do các cơ sở lớn không đến kiểm dịch.

Đìu hiu chợ giết mổ “chính quy”, gà “không dấu” tràn lan trên phố!

Gà không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y của cơ quan chức năng bị phát hiện tại khách sạn Ngân Hà

Hẳn độc giả còn nhớ, vừa qua, Công an Hà Tĩnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phát hiện 2 khách sạn lớn trên địa bàn TP Hà Tĩnh đang thu mua 127 kg gà thịt không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y của cơ quan chức năng. Với thực trạng chỉ 200 con gà được kiểm dịch mỗi ngày, câu hỏi được đặt ra về nguồn gốc của những con gà quay thơm ngon, gà hấp, gà bó xôi, gà tần thuốc bắc… ở hàng trăm nhà hàng, quán ăn đang hấp dẫn thực khách trên địa bàn TP Hà Tĩnh hiện nay.

Khi được chúng tôi hỏi tại sao có khu chợ giết mổ gia cầm và còn có dấu kiểm dịch của bên thú y nhưng vẫn đi mua gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ ở các chợ cóc, vỉa hè thì được hầu hết người dân cho rằng, do thói quen mua bán từ lâu, tin tưởng người bán và mua bằng cảm quan nên không quá để ý đến vấn đề kiểm dịch.

Vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt những hành vi trái quy định thì người tiêu dùng cần thông thái, quyết liệt hơn để “tẩy chay thực phẩm bẩn” không còn là khẩu hiệu.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast