Doanh nghiệp phải giảm cước phí vận tải theo giá xăng dầu!

(Baohatinh.vn) - Chỉ trong vòng hơn 1 tháng kể từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng dầu đã 4 lần giảm. Mặc dù, giá xăng, dầu liên tục giảm nhưng cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí, có doanh nghiệp (DN) không giảm, gây bất bình đẳng trong kinh doanh và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Mặc dù giá xăng đã giảm sâu, nhưng rất ít doanh nghiệp vận tải thực hiện việc giảm giá cước.

Mặc dù giá xăng đã giảm sâu, nhưng rất ít doanh nghiệp vận tải thực hiện việc giảm giá cước.

Trong đợt điều chỉnh giá ngày 18/2 vừa qua, giá xăng RON 92 giảm gần 1.000 đồng/lít, đưa giá xăng xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2009 trở lại đây. Cụ thể, từ 15h00’ ngày 18/2, giá bán lẻ xăng RON 92 là 14.020 đồng/lít (giảm 961 đồng/lít). Đây là lần điều chỉnh giảm giá xăng thứ 4 từ đầu năm 2016 và là lần thứ 9 liên tiếp từ ngày 19/10/2015, với tổng mức giảm khoảng 4.200 đồng/lít.

Mặc dù, giá xăng, dầu liên tục giảm nhưng cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí, có DN không giảm, gây bất bình đẳng trong kinh doanh và thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong đợt điều chỉnh giá cước vận tải gần đây nhất (ngày 19/1/2016), các DN vận tải hành khách, taxi trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ giảm 1-5,6%.

Cụ thể, ở km tiếp theo, hãng Taxi Mai Linh từ 11.000 đồng giảm xuống 10.800 đồng; hãng tắc-xi Hà Tĩnh từ 11.300 đồng giảm xuống 10.500 đồng; hãng tắc-xi Rồng Việt từ 10.000 đồng giảm xuống 9.800 đồng. Các hãng xe khách đường dài Hà Tĩnh - Hà Nội, Hà Tĩnh - Sài Gòn cũng chỉ giảm từ 5.000-10.000 đồng/vé.

Và sau 1 tháng kể từ đợt điều chỉnh giá cước vận tải (ngày 19/1/2016) đến nay, giá xăng lại giảm tiếp gần 1.000 đồng/lít nhưng các DN vận tải hành hành khách, taxi trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn đang giữ nguyên mức giá, chưa có động thái điều chỉnh. Ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Trưởng phòng Giá công sản (Sở Tài chính) cho biết, trong vòng hơn 1 tháng, Sở Tài chính đã 2 lần phát văn bản yêu cầu các DN vận tải rà soát, tính toán lại giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với tác động giảm giá xăng dầu so với thời điểm kê khai liền kề trước đó nhằm đảm bảo hài hòa hoạt động kinh doanh của đơn vị và lợi ích của người tiêu dùng.

Cũng theo ông Hùng, sau đợt giảm giá ngày 18/2 đến nay, chưa có DN nào đến kê khai lại giá cước. Các DN buộc phải giảm giá cước vận tải theo quy định, nếu không thực hiện, sở sẽ tổ chức thanh tra làm rõ từng trường hợp và xử lý theo quy định.

Ông Phan Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Tĩnh cho biết, hội sẽ có văn bản đôn đốc các DN nghiêm chỉnh chấp hành việc điều chỉnh giá cước, chậm nhất là vào cuối tuần sau. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cước vận tải theo giá xăng, dầu đối với DN vận tải khác ít tốn kém, nhưng với DN kinh doanh taxi khá vất vả và tốn nhiều chi phí. Bình quân mỗi DN taxi tốn ít nhất 10-30 triệu đồng cho việc điều chỉnh lại đồng hồ, tem, kẹp chì, in biểu giá cước dán lên xe... Ngoài ra, tài xế phải dừng hoạt động ít nhất một buổi để đưa xe về xưởng thực hiện việc điều chỉnh đồng hồ tính cước.

Trong cơ cấu giá cước vận tải hiện nay, xăng, dầu chiếm từ 20-30% giá thành, do vậy, khi giá xăng, dầu giảm thì giá cước phải giảm và được luật hóa. Tuy nhiên, nhiều DN vận tải vẫn nại ra các lý do để trì hoãn, hoặc không giảm giá cước, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Hiện tại, do giá cước vận tải chưa điều chỉnh giảm theo giá xăng, dầu nên một số hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ vẫn có lý do để “neo” giá cao. Điều này gây bất ổn cho thị trường và thiệt hại cho người tiêu dùng nên cần có sự can thiệp quyết liệt từ các cơ quan quản lý…

Theo khảo sát tại một số nước trong vùng cho thấy, giá cước taxi của Việt Nam đắt hơn nhiều lần. Cụ thể, tại Việt Nam, cước taxi khoảng 11.000 đồng/km, trong khi tại Thái Lan là 3.800 đồng/km, Philippines 5.700 đồng/km, Singapore 8.700 đồng/km...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast