Động lực phát triển kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Từ mốc lịch sử thành lập Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Hà Tĩnh ngày 12/5/1951 (tại xóm Đông Tri Nội, xã Đức Lâm, Đức Thọ), 65 năm qua, ngành Ngân hàng đã khẳng định vai trò huyết mạch của nền kinh tế, tạo động lực để Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững.

Kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Ngân hàng

dong luc phat trien kinh te tren dia ban ha tinh

Nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh luôn sát cánh cùng khách hàng

Mạng lưới không ngừng lớn mạnh

Sau ngày tái lập tỉnh (tháng 9/1991) đến nay, hệ thống các ngân hàng ở Hà Tĩnh được thành lập, kiện toàn và không ngừng mở rộng mạng lưới, từng bước phủ sóng các vùng miền. Đến tháng 4/2016, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh có 15 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) cấp 1, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội (12 phòng giao dịch), 1 phòng giao dịch Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh Nghệ An, 28 quỹ tín dụng nhân dân và hàng chục phòng giao dịch của các NHTM trên khắp địa bàn toàn tỉnh.

Giám đốc NHTM cổ phần SeaBank Hà Tĩnh - Nguyễn Quang Thắng cho biết: “Bên cạnh sức hút của một nền kinh tế năng động và những tiềm năng lớn từ Hà Tĩnh thì sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng hành hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước tỉnh là động lực cho những thành viên mới như chúng tôi gia nhập mái nhà chung để cùng tìm cơ hội phát triển và đóng góp cho nền kinh tế địa phương”.

Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động ngân hàng trở thành giải pháp quan trọng đẩy lùi và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã vững tay chèo cùng hệ thống thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. “Thủ lĩnh” của hệ thống ngân hàng cũng đã kịp thời chỉ đạo các NHTM tăng cường các giải pháp hỗ trợ, tư vấn khách hàng trong những giai đoạn khó khăn; tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri để nắm bắt, giải đáp và có sự bổ cứu kịp thời, phục vụ nhân dân; thường xuyên báo cáo với đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh về tình  hình hoạt động để kịp thời tiếp nhận sự chỉ đạo từ các cấp đối với hoạt động ngân hàng.

dong luc phat trien kinh te tren dia ban ha tinh

Dự án trang trại chăn nuôi bò Bình Hà sớm triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh nhờ sự tiếp sức từ BIDV

Kinh doanh gắn liền với phục vụ

Đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành trên địa bàn đạt trên 30.647 tỷ đồng, tăng 720 lần so với năm 1991; tổng dư nợ tín dụng đạt 26.832 tỷ đồng, tăng hơn 430 lần với năm 1991.

Chương trình tái cơ cấu và hiện đại hóa ngân hàng được thực hiện quyết liệt, giúp hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng có những bước phát triển nhanh và bền vững. Phần lớn các NHTM và các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đều kinh doanh có lãi. Số nợ xấu, tồn đọng cơ bản được xử lý; công nghệ hiện đại mới như máy rút tiền tự động, chuyển tiền điện tử, chuyển tiền điện tử liên ngân hàng... được áp dụng, góp phần nâng cao tốc độ chu chuyển vốn và chất lượng công tác thanh toán, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của nền kinh tế địa phương.

Xuyên suốt chặng đường phát triển, các tổ chức tín dụng kiên trì quan điểm: để đạt hiệu quả bền vững thì phải nâng cao chất lượng phục vụ và đặt bài toán lợi nhuận ngân hàng ở phía sau trách nhiệm tiếp sức nền kinh tế. Sự mạnh dạn, chủ động, chia sẻ, đồng hành của ngân hàng đã được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao. Phó Giám đốc Công ty CP Sơn Hà (TP Hà Tĩnh) Trương Huy Chương cho biết: “Từ năm 2009, khi công ty đầu tư xây dựng Nhà máy Gạch tuynel Bình Hà, ngân hàng đã đồng hành đầu tư 25 tỷ đồng vốn trung hạn và hàng chục tỷ vốn lưu động/năm giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn, SXKD hiệu quả. Thị trường gạch những năm gần đây rất sôi động, công ty đạt doanh số gần 30 tỷ đồng năm 2015 và dự kiến đạt 32 tỷ đồng vào cuối năm 2016”.

Không chỉ thực hiện tốt việc khơi thông các dòng vốn, đáp ứng nhu cầu về vốn, phục vụ SXKD, cải thiện đời sống của nhân dân, ngành Ngân hàng vừa làm tốt vai trò tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất, đồng thời, tích cực đưa chính sách đến với hàng ngàn khách hàng. Chỉ tính riêng chính sách hỗ trợ lãi suất theo quyết định 23, 26 của UBND tỉnh cho các mô hình sản xuất, trong hơn 5 năm thực hiện, doanh số cho vay đạt gần 3.000 tỷ đồng và số lãi hỗ trợ khách hàng đạt trên 140 tỷ đồng.

“Phục vụ tốt mỗi khách hàng của mình, mỗi thôn, xóm, địa bàn hoạt động; chủ động cung ứng cho nền kinh tế nguồn vốn tín dụng cùng các dịch vụ tiện ích chính là Agirbank đã góp phần xây dựng môi trường bứt phá mới cho hoạt động ngân hàng. Năm 2015, Agribank Hà Tĩnh đã được tặng thưởng danh hiệu dẫn đầu hệ thống trong toàn quốc với quy mô nguồn vốn đạt trên 13.000 tỷ đồng và dư nợ trên 9.000 tỷ đồng”, Giám đốc Agribank Hà Tĩnh - Nguyễn Thị Diên khẳng định.

Đồng hành, sát cánh cùng nền kinh tế địa phương trong giai đoạn phát triển mới, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến khẳng định: Với hành trang vững chắc và bề dày truyền thống 65 năm cùng sự giúp đỡ của các cấp, ngành và lãnh đạo tỉnh, các thế hệ cán bộ ngân hàng sẽ tiếp tục đoàn kết nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo ngành và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast