Giá dầu lao dốc: Chưa biết khi nào chạm đáy!

Giá dầu vẫn đang diễn biến khó lường và chưa biết cuộc tuột dốc của giá dầu này sẽ kéo dài đến bao giờ.

Giá dầu lao dốc: Chưa biết khi nào chạm đáy! ảnh 1

Giá xăng dầu thời gian tới vẫn khó đoán. Ảnh: Lương Bằng.

Cung vượt cầu 1,5 triệu thùng/ngày

Ngày 6-2, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức hội thảo "Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam". Trình bày tại hội thảo, TS Lê Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Quản lý dầu khí (Viện Dầu khí Việt Nam) đã điểm lại lịch sử giá dầu từ năm 1986 đến nay.

Ông Lê Việt Trung đã thống kê từ 1986 đến nay có nhiều lần giá dầu "lao dốc". Năm 1986 giá dầu bỗng giảm xuống còn 20 USD/thùng. Năm 1998 cũng do cung cầu nên giá dầu lại giảm mạnh. Đến năm 2008, giá dầu từ mốc 149 USD/thùng đã giảm xuống còn khoảng 40 USD/thùng.

Cuộc khủng hoảng giá dầu năm 1998 kéo dài lâu nhất, lên đến hơn 500 ngày. Trong khi năm 2008 kéo dài 151 ngày. Năm 1986 kéo dài 200 ngày.

Ông Lê Việt Trung chia sẻ: Kể từ khi giá dầu giảm, tính đến nay mới hơn 100 ngày, nhưng chưa biết đến đáy hay chưa và khi nào nó sẽ tăng trở lại. Đến nay vẫn chưa có tổ chức nào đưa ra được nhận định tương đối rõ ràng về vấn đề này.

Ông Trung cũng cho rằng việc giá dầu ở giai đoạn nào đó có tăng lên thì cũng không thể dám chắc là giá dầu đã phục hồi.

Nguyên nhân khiến giá dầu giảm được ông Lê Việt Trung chỉ ra là do có sự chênh lệch lớn giữa cung cầu, cụ thể cung vượt cầu 1,5 triệu thùng/ngày.

Căng thẳng Mỹ - Nga, Saudi Arabia-Iran, các rủi ro khác tại Iraq, Libya cũng là tác nhân quan trọng khiến giá dầu giảm.

Cuộc khủng hoảng giá dầu ảnh hưởng đến ngành dầu khí. Nếu giá dầu trung hạn ở mức 70 USD/thùng thì khiến 930 tỷ USD đầu tư có thể bị ngừng lại, tương ứng 7,5 triệu thùng dầu/ngày.

Theo ông Lê Việt Trung, dù tác động tiêu cực đến các nước xuất khẩu dầu mỏ, song giá dầu giảm cũng có tác động tích cực. Giá giảm 20 USD/thùng giúp tăng trưởng kinh tế thế giới tăng 0,4%; các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất là các nước nhập khẩu năng lượng như Trung Quốc, Nhật Bản... giúp các nước này tăng dự trữ xăng dầu, đảm bảo nguồn cung khi giá dầu tăng.

Đề cập việc dừng khai thác khi giá dầu xuống thấp, ông Lê Việt Trung cho biết: Việc đóng các mỏ để giảm sản lượng khai thác không đơn giản. Chi phí đóng mỏ rất tốn kém, phức tạp, không nói đóng là đóng được ngay.

Giá dầu giảm, GDP vẫn có thể tăng

TS Lương Văn Khôi (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) đưa ra 3 kịch bản giá dầu thế giới.

Nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, ngân sách thất thu hơn 6,6 nghìn tỷ đồng song GDP vẫn tăng thêm 0,48%; giá dầu 40 USD/thùng ngân sách giảm hơn 7,6 nghìn tỷ đồng còn GDP tăng thêm 0,61%; giá dầu 30 USD/thùng ngân sách giảm hơn 8,6 nghìn tỷ đồng, GDP tăng thêm 0,75%.

Trong trường hợp giá dầu giảm, nhưng Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay thì số thu ngân sách bị giảm ít hơn còn GDP tăng cao hơn.

Dự báo giá dầu có thể giữ mức 50-60USD/thùng trong vài ba năm, TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Chúng ta phải đánh giá tác động hai chiều của việc giá dầu giảm. Một mặt giá dầu giảm làm nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô giảm. Mặt khác giá dầu giảm giúp giá xăng trong nước giảm, tạo ra cơ hội tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. Số thuế thu được sẽ bù đắp được cho phần hụt thu từ xuất khẩu dầu.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển bình luận: Giá dầu giảm là cơ hội hiếm có để tái cơ cấu, cố gắng làm thế nào tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả. Chúng ta không nên dựa vào xuất khẩu dầu mà phải thay đổi mô hình tăng trưởng.

Theo Báo Hải quan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast